Hội thảo ‘Phát triển bền vững ngành công nghiệp golf Việt Nam’
Tin bài liên quan
Mở đầu Hội thảo, Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Khánh Hòa nhận định Khánh Hòa là địa phương được thiên nhiên ưu đãi, có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan sống động với hơn 200 đảo, quần đảo, bờ biển dài khoảng 385 km với nhiều cửa lạch, đầm và có 3 Vịnh biển đẹp, gồm Vịnh Vân Phong, Vịnh Nha Trang và Vịnh Cam Ranh. Hơn nữa, tại đây có 3 sân golf quy mô, có thể nói là nổi tiếng trên khu vực và thế giới, góp phần hình thành các khu dịch vụ du lịch thể thao, nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, trong đó có du lịch golf.
Để thu hút khách chơi golf đến Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng, vai trò của các công ty lữ hành rất quan trọng bởi những đơn vị này chính là khâu kết nối với hàng không, sân golf, các điểm đến, nhà hàng, khách sạn... Bên cạnh đó, để du lịch golf phát triển, cần tăng cường ứng dụng công nghệ để kết nối thuận tiện nhất về thông tin, giao lưu câu lạc bộ golf.
Với lịch sử phát triển 100 năm tại Việt Nam, golf đã có bề dày thẩm thấu vào đời sống thể thao và nhận thức của cộng đồng. Tuy nhiên, tiềm năng để mở rộng vẫn còn lớn. Do đó, các tham luận dành nhiều thời lượng phân tích tầm quan trọng của phát triển golf trẻ cũng như phong trào golf địa phương. Ông Bạch Cường Khang - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam đưa ra một số kiến nghị. Để phát triển golf trẻ tại Việt Nam, cần có sự đồng bộ từ nhiều yếu tố, bao gồm cơ sở hạ tầng, chính sách hỗ trợ, nhận thức cộng đồng và chất lượng đào tạo. Trong đó có nêu giải pháp thực tiễn là phát triển chương trình giáo dục golf trong trường học: Các trường học có thể đưa golf vào chương trình thể dục, đặc biệt là ở các trường học cấp 1, cấp 2. Cần có sự hợp tác giữa các tổ chức thể thao và ngành giáo dục để tạo ra những sân chơi thể thao bổ ích cho học sinh.

Ở phạm trù phát triển phong trào golf địa phương, bà Nguyễn Vân Anh - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Golf TP.HCM đưa ra thế mạnh của xu hướng này. Đó là các câu lạc bộ (CLB) dễ dàng tập hợp cộng đồng, dễ huy động nguồn thu tạo ra nhiều giải đấu đa dạng về cách thức tổ chức vì mỗi CLB đều có một chất riêng, ai hợp ở đâu thì sinh hoạt ở đó. Các giải đấu phong trào trở thành bữa ăn quen thuộc hàng ngày, tạo sự kết nối mối quan hệ và golf vui vẻ. Tuy nhiên, phong trào golf khu vực phía Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển trong tương lai nếu được gia tăng về số lượng sân gôn, các chính sách ưu đãi dành cho hội viên và các giải đấu của Hội.
Bình luận viên Nam Giang – sáng lập Golf Edit, The Golfers – có những phân tích thực tiễn về cơ hội cho du lịch và thể thao khi đầu tư đúng mức và chuyên nghiệp dành cho bộ môn này. Ông chỉ ra ‘hiện nay tại Việt Nam, các giải đấu được quan tâm nhiều hơn khi có truyền hình, livestream. Bước đột phá từ VG Corp trong truyền dẫn hình ảnh giải đấu, quay chuyên nghiệp đã giúp tất cả mọi người có cơ hội xem golf dễ dàng. Đã có những livestream đạt tới 40-50 ngàn lượt xem trong ngày. Hàng trăm các tin bài được đưa theo mỗi dịp giải đấu được tổ chức.’
Mặc dù vậy, nguồn doanh thu cho truyền thông tại Golf vẫn đang ở con số khiêm tốn. Bản thân trong truyền thông golf cũng vấp phải sự cạnh tranh lẫn nhau khi các đối tác sẽ lựa chọn những kênh cốt lõi, có sự lan toả tốt và định hướng tích đến người dùng.
Khép lại hội thảo ‘Phát triển bền vững ngành công nghiệp golf Việt Nam’, Sở Văn hóa – Thể thao Khánh Hòa đánh giá cao nỗ lực của Ban tổ chức Lễ hội Golf Việt Nam - Nha Trang 2024 cùng các ban, ngành. Sở này nhận định Lễ hội không chỉ tạo cơ hội cho người dân địa phương, cộng đồng những người yêu thích môn golf tham gia thi đấu, trải nghiệm mà còn thúc đẩy sự phát triển loại hình, sản phẩm du lịch kết hợp thể thao, đặc biệt là du lịch golf; qua đó góp phần quảng bá các giá trị truyền thống văn hóa, ẩm thực, con người, hình ảnh Nha Trang - Khánh Hòa đến với bạn bè trong nước và quốc tế.