Chuyển tới nội dung

Cú bắt tay giữa PGA Tour và LIV Golf: Các chuyên gia golf Việt nói gì?

Việc hai “ông lớn” PGA Tour và LIV Golf hợp nhất liệu sẽ mở ra một cục diện mới tác động tới môn thể thao golf và người chơi toàn cầu? Hãy cùng lắng nghe các chuyên gia golf Phùng Lộc (HLV golf), Trịnh Thành (Chủ tịch Golf Pro), và Tạ Anh Chiến (Chủ tịch OB Golf Club) nhận định về bước ngoặt lịch sử này.
Việc hợp nhất liệu sẽ mở ra một cục diện mới tác động tới môn thể thao golf và người chơi toàn cầu./ Ảnh: New York Post

Forum 1: Đến CEO của LIV Golf - Greg Norman - cũng chỉ được biết doanh nghiệp do ông điều hành hợp nhất với PGA Tour khi thông tin sắp phát sóng trên truyền hình. Anh nghĩ sao về điều này?

Phùng Lộc: “Tôi cảm thấy bất ngờ và bối rối bởi ngày ấy đến quá sớm.”

Dù đã đoán trước việc sáp nhập sẽ xảy ra vào một ngày nào đó, nhưng tôi vẫn cảm thấy bất ngờ và bối rối bởi ngày ấy đến quá sớm. Greg Norman phát biểu ông chỉ biết thông tin qua truyền hình thì thật khó tin. Trước tiên, xét về vị thế, ông là một nhà kinh doanh sành sỏi và đang điều hành hệ thống giải đấu có vốn đầu tư hơn 3 tỷ đô la Mỹ. Hơn thế, những vấn đề liên quan đến sáp nhập đã được bàn thảo trước đó 7 tuần với 4 phiên họp có sự tham gia của 5 lãnh đạo chủ chốt từ 2 tổ chức. 

Tạ Anh Chiến: “Những nhà tài phiệt đầy quyền lực mới là người đứng sau chi phối miếng bánh béo bở trị giá hàng chục tỷ đô la.”

Tôi không ngạc nhiên khi Greg Norman chia sẻ ông chỉ biết thông tin sáp nhập qua truyền hình. Vì một số hệ thống giải golf lớn trên thế giới từ lâu đã bị thống trị bởi những nhà tài phiệt đầy quyền lực, chính họ mới là người đứng sau chi phối miếng bánh béo bở trị giá hàng chục tỷ đô la, chứ không phải các nhân vật thường xuất hiện trên truyền thông báo chí.

Trịnh Thành:“Đây là một chiến thắng không chỉ của LIV Golf.”

LIV Golf và PGA Tour sáp nhập là thông báo gây sốc với giới golf toàn cầu, có lẽ do mọi sự diễn biến quá nhanh. Trước khi sự kiện hợp tác được công bố, tôi đã nhiều lần viết bài phân tích rằng không sớm thì muộn các hệ thống này sẽ cùng bắt tay nhau, tạo ra sân chơi chung cho các golfer trên khắp thế giới. Đây là một chiến thắng không chỉ của LIV Golf, mà còn của các golfer chuyên nghiệp và người hâm mộ toàn cầu. Mọi người sẽ được chứng kiến các cao thủ cùng hội tụ so tài, không chỉ ở các giải Major hiện cho phép mà cả ở các hệ thống khác nữa. 

Forum 2: Anh đánh giá thế nào về tương quan giữa PGA Tour và LIV Golf trước và sau sự kiện này? Đây có thể coi là việc bắt tay đôi bên cùng phát triển, hay là thương vụ “cá lớn nuốt cá bé”?

“Đôi bên” cùng phát triển, hay là thương vụ “cá lớn nuốt cá bé”?

HLV Phùng Lộc: “Hy vọng sự kết hợp này sẽ mang tới một làn gió tươi mát.”

PGA Tour đã có gần trăm năm lịch sử, có hàng trăm giải đấu với tính cạnh tranh cao và mức tiền thưởng hấp dẫn. Rõ ràng vị thế của PGA Tour là số một, là thước đo của nhiều giá trị trong làng golf, hàng vạn golfer chuyên nghiệp trên thế giới vẫn hằng mong ước có được một vị trí trên PGA Tour. LIV Golf ra đời với hậu thuẫn tài chính từ PIF (Quỹ đầu tư công của Arab Saudi) tạo ra mối đe dọa lớn tới vị thế của PGA Tour. Sau 2 năm với rất nhiều tranh cãi và kiện tụng thì quyết định kết hợp về mặt thương mại là một giải pháp để chấm dứt những rắc rối và cùng nhau hướng tới tương lai tốt đẹp. PGA Tour chính là bên chủ động đề nghị hợp tác. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đưa ra nhận định về thương vụ này. Cá nhân tôi hy vọng sự kết hợp này sẽ mang tới một làn gió tươi mới, đóng góp cho sự phát triển của golf ở nhiều mặt trong tương lai.

Tạ Anh Chiến: “Một bên có quyền lực (về golf) và một bên có tiền sẽ là cặp đôi hoàn hảo.”

Việc PGA Tour và LIV Golf đang xung đột cực gắt lại quay ra bắt tay hợp tác có lẽ cũng là điều dễ hiểu trong các “cuộc chiến” kinh tế. PGA Tour vốn quen với vị thế gần như độc quyền trước đó (ngay cả European Tour cũng lép vế, nói gì đến những hệ thống khác như Asian Tour, Sunshire Tour...). Vì thế, họ khá hốt hoảng khi LIV Golf đưa ra cung cách chơi mới vô cùng hấp dẫn kèm theo đó là nguồn ngân sách dồi dào. Thực tế, PGA Tour đã tìm đủ cách ngăn chặn sự xâm lấn của LIV Golf, song golf chuyên nghiệp vốn là cuộc chơi mà nơi nào vui thì đông người tới, khái niệm “kinh tế thể thao” vẫn là cốt lõi. Sau một thời gian ồn ào, họ đã tìm được tiếng nói chung mà ở đó quyền lợi và sự phát triển cùng song hành. Tôi cho rằng một bên có quyền và một bên có tiền sẽ là cặp đôi hoàn hảo, chứ không có ai nuốt nổi ai ở đây cả.

Trịnh Thành: “Kẻ nhiều tiền sẽ chiếm thế thượng phong.”

Trước khi LIV Golf xuất hiện thì PGA Tour và DP Wolrd Tour đang là hai hệ thống quy tụ nhiều golfer hàng đầu thế giới nhất. Cách đây 13 năm, hai tổ chức này đã bắt tay nhau cùng tạo ra hệ thống giải đấu dày đặc khắp châu Âu và Mỹ. Ở đây có thể ngầm hiểu DP World Tour (tên gọi cũ là European Tour) là hệ thống cấp thấp hơn PGA Tour, nơi các golfer thể hiện tài năng và tìm kiếm thẻ nâng hạng lên PGA Tour. Do vậy, LIV Golf ra đời, xung đột với cả 2 hệ thống giải đấu nói trên chứ không chỉ riêng PGA Tour. Tuy nhiên, PGA Tour lên tiếng mạnh mẽ nhất vì họ là tổ chức lâu đời. Thử hỏi bạn đang là một thương hiệu có tuổi đời cả trăm năm, tự nhiên có một ông đối thủ lắm tiền nhiều của ra đời, nhăm nhe đe dọa ngôi vị của bạn thì sao? Phải quyết liệt chiến đấu giữ miếng bánh của mình chứ? LIV Golf xuất hiện, các tên tuổi golf hàng đầu thế giới nhanh chóng ký hợp đồng với họ và thu về số tiền lót tay hàng trăm triệu đô la (chưa kể giải thưởng trị giá quá “khủng” trong 2 mùa giải vừa qua). Hầu hết các tên tuổi lớn đến với LIV Golf đều đang thi đấu trên PGA Tour, các hệ thống khác đều không phải đối thủ của LIV Golf. Sự kiện này không phải “cá lớn nuốt cá bé” mà theo tôi nó là quy luật, kẻ nhiều tiền sẽ chiếm thế thượng phong.

Forum 3: Cú bắt tay giữa PGA Tour và LIV Golf sẽ mở ra một đế chế mới của làng golf. Nhìn nhận một cách khách quan, đế chế này sẽ mang đến triển vọng hay tiếc nuối gì cho tương lai golf?

Tương lai sẽ khó có những giải đấu thuộc chuỗi International Series ghé thăm Việt Nam hay các nước trong khu vực.

Phùng Lộc: “Ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong tâm trí tôi là sự tiếc nuối.”

Theo thống kê năm 2022, doanh thu của PGA Tour là 1,5 tỷ đô la, còn LIV Golf được rót 3 tỷ đô la từ PIF. Sau khi 2 tổ chức này bắt tay thì tổng giá trị thương mại sẽ trở nên rất lớn. Tôi háo hức chờ đợi những điều mới mẻ và lợi ích đến từ sự kết hợp này dành cho các golfer tham gia cùng người hâm mộ trên toàn thế giới. Những điều có thể dự đoán được đó là giá trị tiền thưởng ở các giải đấu thuộc PGA Tour sẽ tăng lên rất nhiều, đồng thời các giải đấu cũng sẽ trở nên giàu cảm xúc hơn với nhiều thay đổi thú vị. Tuy nhiên, ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong tâm trí tôi khi biết về sự kết hợp này lại là sự tiếc nuối. Tương lai sẽ khó có những giải đấu thuộc chuỗi International Series ghé thăm Việt Nam hay các nước trong khu vực mà có sự góp mặt của các golfer hàng đầu đang thi đấu tại LIV Golf, vì sự kết hợp này đã cho phép các golfer quay trở lại PGA Tour.

Tạ Anh Chiến: “Ở vai trò kiến tạo cuộc chơi, ‘nhà cái’ luôn biết cách cân bằng quyền lợi.”

Nỗi lo PGA Tour và LIV Golf khi về một nhà sẽ trở thành một tổ chức khổng lồ thao túng làng golf theo hướng tiêu cực thực tế là chưa có cơ sở. Ở vai trò kiến tạo cuộc chơi, “nhà cái” luôn biết cách cân bằng quyền lợi và tiếp tục thúc đẩy golf phát triển để nuôi dưỡng nguồn thu. Vì thế, chắc chắn sự hợp nhất chỉ đem lại tương lai tốt đẹp mà thôi.

Trịnh Thành: “Không có bất cứ tiếc nuối nào khi các tổ chức này bắt tay nhau.”

Tất nhiên, PGA Tour và một số tượng đài golf sẽ cảm thấy miễn cưỡng chấp nhận chuyện này nhưng nhìn chung cú bắt tay này là sự hợp tác hoàn hảo, là mong ước của cá nhân tôi cũng như nhiều người hâm mộ khắp thế giới. Mặc dù bản giao kèo hợp tác chưa được công bố chi tiết, nhưng theo tôi, hình thái mới trong tương lai sẽ là sự phân định khung thời gian cho các giải đấu. Lịch thi đấu sẽ được cấu trúc lại để không ảnh hưởng đến 4 giải Major và các giải thuộc hệ thống PGA Tour xen kẽ với LIV Series. Lúc đó LIV Golf sẽ có nhiều cơ hội được chào đón các golfer đỉnh cao thế giới tham gia. Về phía PGA Tour, họ cũng sẽ cấp thẻ trở lại cho các golfer đủ điều kiện thi đấu trên Tour như trước đây. Cùng với đó, hai giải đấu đồng đội Ryder Cup và President Cup sẽ có những lực lượng mạnh nhất tham gia trình diễn. Tôi không thấy có bất cứ tiếc nuối nào khi các tổ chức này bắt tay nhau.

Forum 4: Nếu tất cả các Tour cùng bắt tay nhau, sáp nhập trở thành một xu hướng, người chơi golf sẽ được hưởng lợi ích gì?

Phùng Lộc: “Việc tất cả các tour bắt tay hay hợp nhất là điều không thể.”

Hiện tại có rất nhiều hệ thống thi đấu chuyên nghiệp đang tồn tại độc lập với cách vận hành và những giá trị đặc trưng. Rất nhiều giải đấu được liên kết với nhau cùng trực thuộc nhiều hệ thống Tour khác nhau, với tôi đó đang là cách thức hợp lý. Có thể tương lai sẽ có nhiều hệ thống sáp nhập với nhau để cùng phát triển và chia sẻ những giá trị chung, tuy nhiên việc tất cả các tour bắt tay hay hợp nhất theo tôi là điều không thể.

Tạ Anh Chiến:“Trong thế giới phẳng, khả năng dùng quyền lực và tiền bạc để thâu tóm tất cả hệ thống giải golf về một mối là không thể.”

Thực chất, việc hợp tác giữa các hệ thống giải lớn như PGA Tour, DP World Tour... với các giải châu lục khác đã diễn ra từ lâu, phải chăng đó cũng là sáp nhập (từng phần) nhằm tìm kiếm nguồn tài trợ đủ lớn để duy trì các giải golf thường niên? Trong một thế giới phẳng và toàn cầu hóa mạnh mẽ, khả năng dùng quyền lực và tiền bạc để thâu tóm tất cả hệ thống giải golf về một mối là không thể. Chỉ cần so sánh với các hệ thống giải bóng đá hay tennis là đủ hiểu.

Trịnh Thành: “Cần lắm các giải đấu có chất lượng chuyên môn cao.”

Tất cả các hệ thống nên bắt tay và cùng ngồi với nhau để đưa ra lịch trình phù hợp nhất cho các golfer thế giới được có cơ hội tranh tài, phân hạng thấp cao. Theo góc nhìn cá nhân tôi, sự hợp tác giúp nhiều tour player lựa chọn thời gian thi đấu phù hợp, tạo cơ hội cho golfer trẻ trên toàn thế giới thể hiện tài năng ở nhiều đấu trường. Thông qua hệ thống giải đấu, golfer sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, người hâm mộ thì được dịp chứng kiến nhiều giải đấu chất lượng. Từ đó, các nhà tài trợ sẽ đổ tiền nhiều hơn cho bộ môn golf phát triển. 

Từ sự vụ đối đầu 2 năm qua giữa LIV Golf và PGA Tour, golf Việt Nam cũng có thể rút ra bài học cho mình. Hiện nay, có quá nhiều giải đấu phong trào mang tính quảng bá thương hiệu hoặc cá nhân; chúng ta cần lắm các giải đấu có chất lượng chuyên môn cao, quy tụ nhiều golfer tên tuổi trong nước. Cách tốt nhất cần làm là ủng hộ và cổ động các giải đấu với nhiều tên gọi và thể thức khác nhau cùng tồn tại. Bên cạnh đó, các tổ chức phải được phát triển mạnh hơn nữa và thành lập riêng biệt như Hiệp hội Golf Chuyên nghiệp, Hiệp hội Golf Trẻ, Hiệp hội Golf Nữ, Hiệp hội Golf Trung niên. Có vậy, golf Việt mới thực sự cất cánh và thăng hoa.

3 lượt thích881 lượt xem

Tin bài khác