Cơ hội nào để Việt Nam đăng cai các giải đấu quốc tế lớn?
Tin bài liên quan
Lịch sử các giải golf chuyên nghiệp quốc tế tại Việt Nam
Giải golf chuyên nghiệp quốc tế đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam là giải Heineken Vietnam Master 1994, được tổ chức tại sân golf Thủ Đức (Vietnam Country Golf Club) từ 5-8/5/1994, là giai đoạn sân vừa mới đưa vào hoạt động. Giải do Heineken tài trợ, với tổng giải thưởng 300 000 USD, một khoản tiền khá lớn thời đó. Nhờ nhà tài trợ Heineken mà giải đã thu hút được sự góp mặt các golf thủ nổi tiếng như Fuzzy Zoeller và Tom Lehman. Fuzzy Zoeller là quán quân 2 giải majors, vô địch Masters 1979 và vô địch US Open 1984, cùng với 10 chiến thắng PGA Tour. Còn Tom Lehman lúc đó (1994) bắt đầu nở rộ tài năng, vừa chiếm vị trí á quân của giải Master 1994, rồi tiếp ngay sau đó lên ngôi vô địch Memorial Tournament (19-22/5/1994) - chiến thắng PGA Tour đầu tiên của ông. Hơn hai năm sau, Tom Lehman chiếm giải Majors đầu tiên và duy nhất trong đời - Open Championship 1996 (18-21/7/1996). Nhưng do golf ở Việt Nam vào năm 1994 là thời kỳ mới du nhập, ở Việt Nam không mấy ai chú ý đến golf, cộng với sự thăng trầm của Hiệp hội golf chuyên nghiệp châu Á (The Asian PGA), nên suốt 10 năm, cho đến năm 2004, không có sự kiện golf nhà nghề thuần tuý nào được tổ chức tại Việt Nam.
Giải golf chuyên nghiệp quốc tế ghi dấu mốc lịch sử rõ nét ở Việt Nam là giải Carlsberg Masters Vietnam 2004. Ghi dấu mốc lịch sử rõ nét là bởi lẽ năm 2004 golf ở Việt Nam đã phát triển thành phong trào, và từ sau đó, các giải golf nhà nghề liên tiếp được tổ chức tại Việt Nam. Ở phương diện quốc tế khu vực, đánh dấu sự xuất hiện của Asian Tour thay thế cho Hiệp hội golf nhà nghề châu Á. Dù số tiền thưởng không lớn (150 000 USD), nhưng Carlsberg Master Vietnam 2004 nổi danh nhờ sự xuất hiện của Corey Pavin - nhà vô địch US Open 1995, 5 lần khoác áo đội tuyển Ryder Cup của Mỹ, 15 chiến thắng ở PGA Tour, và đội trưởng đội tuyển Ryder Cup 2010 của Mỹ.

Thaworn Wiratchant vô địch Carlsberg Masters Vietnam 2005 tổ chức trên sân ChiLinh Golf./ Nguồn ảnh: golfviet.vn
Sau đây là thống kê các giải golf chuyên nghiệp quốc tế được tổ chức tại Việt Nam, kể từ khi golf hồi sinh lại năm 1993 cho đến thời điểm hiện tại.
- Heineken Vietnam Master 1994 (5-8/5/1994), Vietnam Country Golf Club, Thủ Đức, TP HCM.
- Carlsberg Master Vietnam 2004 (4-7/11/2004), ChiLinh Golf, Hải Dương.
- Carlsberg Master Vietnam presented by Thai Airway 2005 (15-20/11/2005), ChiLinh Golf, Hải Dương.
- Hana Bank Vietnam Masters 2007 (22-25/11/2007), Phoenix Golf Resort, Lương Sơn , Hoà Bình.
- Mercedes Benz Master Việt Nam 2007 (13-17/11/2007), Vietnam Country Golf Club, Thủ Đức, TP HCM.
- Hana Bank Vietnam Masters 2008 (4-7/12/2008), Vietnam Country Golf Club, Thủ Đức, TP HCM.
- Mercedes Benz Master Việt Nam 2008 (20-23/11/2008), Van Tri Golf Club, Hà Nội.
- Mercedes Benz Master Việt Nam 2009 (11-15/11/2009), King’s Island Golf Club, Đồng Mô, Hà Tây.
- Mercedes Benz Master Việt Nam 2010 - Match Play (30/9-2/10/2010), Song Be Golf Resort, Sông Bé.
- Ho Tram Open 2015 (3-6/12/2015), The Bluffs Grand Ho Tram, Bà Rịa – Vũng Tàu.
- KLPGA Winter Tour Championship 2016 (21 -22/2/2016), Skylake Resort & Golf Club, Chương Mỹ, Hà Nội.
- The Dàlat at 1200 Ladies Championship 2016 (24-27/3/2016), The Dàlat at 1200, Lâm Đồng.
- Hyosung Championship 2017 (8-10/12/2017), Twin Doves Golf Club, Bình Dương.
- Korea Investmants & Securities Championship 2018 98-10/3/2018), Twin Doves Golf Club, Bình Dương.
- Hyosung Championship 2019 (8-10/12/2019), Twin Doves Golf Club, Bình Dương.
- PLK PacificLinks Korea Championship with SBS Golf 2022 (16-18/12/2022), Twin Doves Golf Club, Bình Dương.
- LIV Golf, International Series Vietnam 2023 (13-16/4/2023), KN Golf Links Cam Ranh, Khánh Hoà.
- BRG Open Golf Championship Da Nang 2023 (31/8-2/9/2023), Legend Da Nang Golf Resort, Đà Nẵng.
- Vinpearl DIC Legend Vietnam 2023 (30/11 – 2/12/2023), Vinpearl Golf Nha Trang, Khánh Hoà.
- BRG Open Golf Championship Da Nang 2024 (29 - 31/8/2024), Legend Da Nang Golf Resort, Đà Nẵng.
Ngoài các tên tuổi lớn đã nêu trên, trong các giải golf quốc tế tổ chức tại Việt Nam còn có sự tham gia của một số tay golf cự phách khác. Đó là sự xuất hiện của Pall McGinley và David Howell. Pall McGinley là thành viên đội tuyển Ryder Cup châu Âu 2002, 2004, 2006. Ông là đội phó tuyển Ryder Cup châu Âu 2010, 2012. Năm 2010 ông là đội trưởng tuyển Ryder Cup châu Âu. Còn David Howell cũng là thành viên tuyển Ryder Cup châu Âu các kỳ 2004, 2006. Vào thời điểm tham gia Hana Bank Vietnam Masters 2007, danh tiếng của Pall McGinley và David Howell rất lớn và đang ở phong độ rất cao.
Cần lưu ý đến các tay golf cự phách khác xuất hiện trong các giải golf quốc tế tại Việt Nam. Đó là Sergio Garcia và Daren Clarke tại Ho Tram Open 2015. Sergio Garcia là golfer nổi danh từ lúc còn trẻ. Anh sở hữu 37 chiến thắng nhà nghề. Anh là thành viên tuyển Ryder Cup châu Âu các kỳ 1999, 2002, 2004, 2006, 2008, 2012, 2014, 2016, 2018, 2021. Sau chức vô địch Ho Tram Open 2015, Sergio Garcia dành được ngôi quán quân giải Master 2017, hiện là giải Major duy nhất trong sự nghiệp của anh. Daren Clarke cũng là một golfer rất nổi danh. Anh sở hữu 27 chiến thắng nhà nghề, và là quán quân giải Major Open Championship 2011. Daren Clarke là thành viên đội tuyển Ryder Cup châu Âu các năm 1997, 1999, 2002, 2004, 2006. Năm 2016 anh là đội trưởng của tuyển Ryder Cup châu Âu.

Cần phải nhắc đến một tay golf lừng danh khác. Đó là nhà vô địch US Open 2005 Michael Campbell. Anh tham dự Heineken Vietnam Master 1994 khi còn trẻ, lúc chưa nổi danh. Và tham dự Vinpearl DIC Legend Vietnam 2023 trong tư cách cựu vô địch US Open khi phong độ đã qua thời kỳ hiển hách.
Như vậy, đã có 3 nhà vô địch US Open và 3 quán quân các giải Majors đến tham dự các giải đấu golf chuyên nghiệp quốc tế ở Việt Nam. Sự xuất hiện của các tay golf lớn này, cùng các thành viên tuyển Ryder Cup và các nhà vô địch PGA Tour, European Tour đã góp phần thúc đẩy golf Việt Nam tiến lên phía trước.
.jpg)
Vài nét về các giải golf nghiệp dư quốc tế tổ chức tại Việt Nam
Các giải golf nghiệp dư tầm quốc tế khu vực tổ chức ở Việt Nam không nhiều. Sau đây là 4 sự kiện chính.
- Vô địch nghiệp dư trung cao niên châu Á Thái bình dương 2013, Montgomerie Links, Quảng Nam
- Seagames 31,13-18/5/ 2022, Dam Vac Golf Club, Vĩnh Phúc.
- Vô địch nghiệp dư trung cao niên châu Á Thái bình dương 2023 (21-23/11/2023) Vinpearl golf Nam Hội An, Quảng Nam
- Vô địch đồng đội nghiệp dư châu Á – Thái bình dương, Nomura Cup 2024 (15-18/10/2024), Vinpearl Golf Hai Phong, Hải Phòng.
Giải Vô địch nghiệp dư trung cao niên châu Á Thái bình dương (Asia - Pacific Senior Amateur Championship) là 1 trong 8 giải của Liên đoàn golf châu Á Thái bình dương (APGC). Giải được tổ chức lần đầu vào năm 2006, đã qua 15 kỳ tổ chức. Năm 2023, Vô địch nghiệp dư trung cao niên châu Á Thái bình dương lần thứ 16 được tổ chức tại Vinpearl golf Nam Hội An, Quảng Nam. Tham dự có các golfer đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Úc, Trung Quốc, Guam, Hong Kong, New Zealand, Singapore, Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Myanmar, Pakistan, Papua New Guinea, Đài Bắc Trung Hoa, UAE, Việt Nam. Đội Úc đã xuất sắc chiếm trọn 4 giải: nhất cá nhân nam, nhất cá nhân nữ, nhất đồng đội nam, nhất đồng đội nữ.

Trong các giải golf nghiệp dư quốc tế tổ chức tại Việt Nam, đáng lưu ý nhất là Seagames 31 và Nomura Cup 2024. Tại Seagames 31, môn golf lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam từ 13-18/5/2022 tại sân golf Đầm Vạc, Vĩnh Phúc. Trong số các golf thủ Việt Nam, tay golf trẻ 15 tuổi Nguyễn Anh Minh là người được kỳ vọng nhất. Và thực sự Nguyễn Anh Minh đã thể hiện được tiềm năng đang vươn lên của mình. Vào ngày cuối thi đấu đơn, Nguyễn Anh Minh là một trong những ứng viên tranh huy chương vàng, khi có lúc cả 6 vận động viên dẫn đầu cùng có điểm -6. Nhưng mắn mắn đã không mỉm cười, điểm double bogey ở hố golf cuối cùng đã đẩy Anh Minh khỏi danh sách có huy chương.

Nhưng Nomura Cup 2024 – Vô địch đồng đội nghiệp dư châu Á – Thái bình dương 2024, tổ chức tại sân golf Vinpearl Golf Hải Phòng trong các 15-18/10/2024 vừa qua đã khẳng định tài năng của Nguyễn Anh Minh.
Nomura Cup (Vô địch đồng đội nghiệp dư châu Á – Thái Bình Dương), là giải đấu golf nghiệp dư đồng đội nam, được tổ chức 2 năm 1 lần vào các năm lẻ, bắt đầu từ năm 1963. Từ năm 2022, chuyển sang các năm chẵn. Nomura Cup 2024 là giải lần thứ 30. Nhật Bản và Úc là 2 quốc gia cùng có 10 lần lên ngôi quán quân. Đài Loan có 5 lần vô địch. Các quốc gia 1 lần vô địch bao gồm Hàn Quốc, New Zealand, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam.

Phải vui mừng khẳng định rằng, giải nhất cá nhân Nguyễn Anh Minh với -12 gậy, và giải nhất đồng đội nam với -20 gậy tại Nomura Cup 2024 là kỳ tích của golf Việt Nam, với sự đóng góp xuất sắc của các golf thủ Nguyễn Anh Minh, Lê Khánh Hưng và Hồ Anh Huy. Trong số các quốc gia Asean, trước Việt Nam, chỉ Thái Lan duy nhất 1 lần dành được ngôi vô địch đồng đội vào năm 2017, khi Nomura Cup tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia. Thắng lợi của đội tuyển golf Việt Nam tại Nomura Cup 2024 không phải ngẫu nhiên. Năm 2023, tại Seagames 32, Đội tuyển golf nghiệp dư nam của Việt Nam đã dành được 1 huy chương vàng cá nhân (Lê Khánh Hưng) và 1 huy chương đồng cá nhân (Nguyễn Anh Minh) cùng huy chương bạc đồng đội nam. Tiếp sau đó Nguyễn Anh Minh và Lê Khánh Hưng đã có thành tích nổi bật ở các giải đấu quốc tế, được mời vào đội tuyển President Cup 2024 – là một vinh dự lớn. Tại President Cup 2024, Nguyễn Anh Minh đã có sự trình diễn xuất sắc, chịu thua 1 trận, dành được 2 trận thắng, quý giá nhất là chiến thắng trong trận đấu đơn. Ngôi vô địch cá nhân và đồng đội của tuyển golf Việt Nam tại Nomura Cup 2024 mở ra nhiều hứa hẹn trong tương lai không xa.

Cơ hội nào để Việt Nam đăng cai các giải golf quốc tế lớn?
Muốn tổ chức hay đăng cai tổ chức một sự kiên golf quốc tế lớn cần những yếu tố cơ bản sau đây:
1.Tài chính
Tài chính là nhân tố số 1 quyết định việc tổ chức một giải golf lớn của mình hoặc đăng cai tổ chức một giải golf lớn. Chẳng hạn như Singapore đã tăng liên tục tổng số tiền thưởng của giải Singapore Open lên 3 triệu USD năm 2006, 4 triệu USD năm 2007, 5 triệu USD năm 2008, 6 triệu USD năm 2011 để trở thành sự kiện đồng tổ chức của European Tour hay PGA Tour.
Trong các nước AEAN, dù chưa sở hữu dàn golf thủ đông đảo và có thứ hạng như Thái Lan, nhưng nhờ vào sự giàu có tài chính, Singapore đã tổ chức được những giải golf lớn. Ngoài Singapore Open, gần đây còn có giải Porsche Singapore Classic, đồng sự kiện của DP World Tour, có tổng tiền thưởng 2.5 triệu USD. Cũng nhờ vị trí và sự giàu có mà liên tục các năm 2023, 2024 LIV golf đã đưa sự kiện của mình đến Singapore, với tổng tiền thưởng khủng 25 triệu USD mỗi năm, người vô địch nhận 4 triệu USD. Trong cùng thời gian, International Series của LIV chỉ đến Việt Nam 1 lần năm 2023 với tổng tiền thưởng 2 triệu USD.
Để đăng cai tổ chức một giải golf quốc tế lớn, cần đến năng lực tài chính lớn. Chẳng hạn như, đối với golf nghiệp dư, để đăng cai 1 trong 10 sự kiện của USGA (Hiệp hội golf Mỹ), cần lượng tài chính từ 750 000 USD – 1 triệu USD. Để có số tiền này, các nhà tổ chức phải nghĩ ra các sự kiện để thu được tiền, và đặc biệt là vận động quyên góp từ các nhà tài trợ.

Để tổ chức một giải đấu có tổng tiền thưởng 10 triệu USD của PGA Tour, ngoài tiền thưởng cho người chơi, cần có lượng tài chính từ 3 triệu USD đến 10 triệu USD tuỳ thuộc mục đích, để tổ chức giải. Ryder Cup giữa tuyển châu Âu và tuyển Mỹ, dù không trao giải thưởng bằng tiền mặt, nhưng cần đến khoảng 50 triệu USD – 100 triệu USD cho công tác tổ chức. Ban tổ chức sẽ thu được nguồn tài chính bù đắp từ bán quyền truyền hình trực tiếp và quảng cáo, cũng như từ tài trợ, từ bán vé và từ các nguồn thu khác. Đối với President Cup giữa tuyển Mỹ và tuyển Quốc tế ngoài châu Âu, kinh phí tổ chức dao động trong khoảng 20 triệu USD đến 50 triệu USD.
Các sân golf là chủ nhà của các sự kiện golf quốc tế lớn cũng có thể thu được lợi ích tài chính trực tiếp và gián tiếp khi đứng ra đăng cai tổ chức. Sân chủ nhà có thể thu được phí đánh golf, có thể một phần quỹ thưởng, từ nhà tài trợ, và lợi ích quảng bá hình ảnh, danh tiếng. Thông thường, ở Mỹ, các sân golf kiếm được khoảng từ 100 000 USD đến 1 triệu USD hoặc hơn nữa tuỳ uy tín giải đấu.
2. Golf thủ đẳng cấp
Những sự kiện golf quốc tế đỉnh cao thường được tổ chức ở những nơi mà quốc gia chủ nhà có các tay golf đẳng cấp có thể tham gia giải và tốt nữa là cạnh tranh ngôi vô địch. President Cup đến Hàn Quốc năm 2015 là nhờ Hàn Quốc có các golf thủ nằm trong đội tuyển và nhiều tuyển thủ chơi trên các giải đấu danh giá như PGA Tour và DP World Tour. Bởi thế, President Cup khi đến lượt đăng cai của tuyển Quốc tế, cũng chỉ chạy vòng quanh các nước có golf thủ tham dự là Australia (1998, 2011, 2019), Nam Phi (2003), Canada (2007, 2024) và Hàn Quốc (2015).
Việc đăng cai Nomura Cup 2024 tại Hải Phòng của Việt Nam là minh chứng rõ nét cho tiêu chuẩn này.
3. Vị thế và cơ sở vật chất
Về phương diện cơ sở vật chất thì nhiều quốc gia có đủ điều kiện. Nghĩa là có các sân golf đẳng cấp đáp ứng yêu cầu tổ chức các giải golf quốc tế lớn, cùng điều kiện ăn ở, đi lại. Muốn tổ chức các giải đấu lớn, sân golf chủ nhà cần đầu tư lớn cho công tác bảo dưỡng, phương tiện và cơ sở. Giải đấu càng danh giá thì chi phí này càng lớn.
Nhưng trong số nhiều quốc gia đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, chỉ có các quốc gia, các địa phương có vị thế tốt hơn sẽ có cơ hội đăng cai tốt hơn. Vị thế ở đây là nói về ảnh hưởng và tác động tổng hợp khi giải golf được tổ chức tại địa phương đăng cai. Điều này lý giải trường hợp LIV Golf đưa sự kiện chính đến Singapore liên tục trong 2 năm 2023 và 2024.

Golf không phải là ngoại lệ. Đăng cai Olympic hay World Cup về bóng đá, tiêu chí thứ ba về vị thế và cơ sở vật chất là “một trở ngại lớn” cho nhiều quốc gia. Trong đăng cai Olympic hay World Cup về bóng đá, ngoài tiêu chí xuất sắc về cơ sở vật chất, thì về tiêu chí vị thế, cần cả sự “xung trận” của chính phủ và nguyên thủ quốc gia.
Việc các golf thủ trẻ Việt Nam thể hiện xuất sắc ở Nomura Cup 2024 khi dành giải vàng đồng đội lẫn cá nhân, lé lên hy vọng về khả năng đăng cai các giải golf lớn quốc tế trong tương lai. Cùng với sự giàu có lên của đất nước, golf ở Việt Nam sẽ được nhiều người yêu chuộng hơn, và hệ quả là sự xuất hiện nhiều tài năng golf Việt Nam trên đấu trường quốc.
Sẽ có một ngày President Cup đến Việt Nam. Trước đó là LIV Golf, PGA Tour và DP World Tour.
By Dr. Nguyễn Ngọc Chu