Chuyển tới nội dung

Bùng nổ quy hoạch sân golf

Hàng loạt địa phương trong quy hoạch phát triển đều đặt mục tiêu xây dựng từ 6 - 12, thậm chí 22 hay 40 sân golf. Tiềm năng từ "mỏ vàng" golf du lịch chưa được khai thác hết, song đã có những cảnh báo thực tế từ những dự án golf giữ đất chậm triển khai.

Đầu năm 2019, khi quy hoạch sân golf VN đến năm 2020 hết hiệu lực, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2020 về đầu tư kinh doanh sân golf. Nghị định 52 được xem "cởi trói" cho việc đầu tư vào lĩnh vực golf với nhiều quy định thông thoáng hơn. Quy hoạch sân golf sẽ được các địa phương lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh, TP. Còn theo luật Quy hoạch, không còn quy hoạch sân golf quốc gia giai đoạn sau năm 2020, địa phương được cấp phép đầu tư sân golf theo nhu cầu, định hướng phát triển KT-XH riêng của từng tỉnh, TP.

Tấn Cư - Đồ họa: Tạ Chí Hiếu.

Đây là lý do trong hơn 2 năm trở lại đây, trong các quy hoạch phát triển của các địa phương đều quy hoạch số lượng sân golf như Quảng Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình… Đến nay, chưa có thống kê chính xác số lượng sân golf trên cả nước khi số lượng quy hoạch nở rộ, cũng như hàng loạt sân golf mới được các địa phương cấp phép xây dựng theo đề xuất của nhà đầu tư.

Được xác định là một trong những sản phẩm đủ sức vực dậy ngành công nghiệp không khói sau cú sốc dịch bệnh, cuộc đua thúc đẩy du lịch golf của các địa phương đang châm ngòi cho một cuộc bùng nổ sân golf từ Bắc tới Nam.

Cuộc đua thúc đẩy du lịch golf của các địa phương đang châm ngòi cho một cuộc bùng nổ sân golf từ bắc tới nam.

Hải Phòng - Điểm đến du lịch golf

Tại hội thảo "Hải Phòng - Điểm đến du lịch golf" diễn ra chiều 9.8 vừa qua tại sân Dragon Golf Links (khu du lịch quốc tế Đồi Rồng, Q.Đồ Sơn, Hải Phòng), lãnh đạo UBND TP.Hải Phòng khẳng định du lịch golf là một trong 4 sản phẩm mới mà ngành du lịch TP hoa phượng đỏ xác định sẽ hình thành và phát triển trong giai đoạn tới.

Dragon Golf Links.

Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở VH-TT Hải Phòng, đánh giá một trong những điểm sáng của thể thao Hải Phòng là khu vực thể dục thể thao ngoài công lập phát triển với nhiều loại hình và phương thức hoạt động phong phú. Trong khu vực thể dục thể thao ngoài công lập này, golf chính là môn được xây dựng và phát triển theo chủ trương xã hội hóa tốt. Hiện Hải Phòng có 4 sân golf để phục vụ tập luyện và thi đấu. Hằng ngày có khoảng 1.000 người chơi; vào các ngày cuối tuần, số người chơi tăng đến 1.500 người.

Tuy nhiên, Hải Phòng sẽ phải cạnh tranh rất lớn khi gia nhập đường đua du lịch golf. Hàng loạt địa phương khác tại khu vực phía bắc cũng xác định sẽ gia tăng số lượng sân golf trong vài năm tới.

Quảng Ninh kỳ vọng phát triển thành “tỉnh dịch vụ”

Hiện Quảng Ninh có 3 sân golf đang hoạt động, 2 sân golf đang trong giai đoạn thi công và 1 sân đang lựa chọn nhà đầu tư. Dự kiến từ nay đến năm 2025, Quảng Ninh sẽ khởi công thêm 5 sân golf trên địa bàn, hướng tới mục tiêu sở hữu 22 sân golf theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030. Quảng Ninh với lợi thế "thủ phủ" du lịch phía bắc, đang quyết liệt thể hiện ý đồ chiếm luôn ngôi vị trung tâm du lịch golf của khu vực.

FLC Quảng Ninh.

Song ngay khi Quảng Ninh công bố quy hoạch, một "tân binh" chỉ có 2 sân golf đang hoạt động, 3 sân được cấp chủ trương đầu tư, cũng bất ngờ tuyên bố muốn trở thành "thủ phủ du lịch golf", đó là tỉnh Hòa Bình. Ưu tiên xây dựng sân golf là một trong những giải pháp được Hòa Bình xác định để thúc đẩy ngành du lịch, cũng như động lực thúc đẩy tăng trưởng KT-XH được đề cập trong hồ sơ quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh này đã bổ sung vào quy hoạch 16 sân golf với tổng diện tích 1.755 ha. Định hướng đến năm 2050, Hòa Bình sẽ có thêm 17 dự án. Như vậy, nếu thực hiện đúng kế hoạch phát triển trên, Hòa Bình có thể sở hữu gần 40 sân golf.

Miền Trung Việt Nam định hướng vươn tầm quốc tế

Không chịu kém cạnh, khu vực miền Trung có lợi thế về địa hình, cảnh quan, thời tiết để phát triển loại hình du lịch cao cấp này, cũng đang nỗ lực tăng tốc. Vừa tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch golf Đà Nẵng 2023 (lần 2) vào ngày 24.8, TP.Đà Nẵng không chỉ tổ chức một sân chơi cho các golf thủ chuyên nghiệp hàng đầu thế giới quần tụ mà còn bổ sung các hoạt động tại khu vực Công viên APEC, để người dân, du khách trải nghiệm bộ môn du lịch golf. Đà Nẵng mong muốn đưa du lịch golf Đà Nẵng vươn tầm quốc tế, củng cố vị trí điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á. Lân cận là tỉnh Quảng Nam cũng định hướng du lịch golf là đột phá trong phát triển sản phẩm du lịch ở tỉnh này những năm tới.

Lễ hội Du lịch Golf Đà Nẵng 2023.

Trong quy hoạch phát triển giai đoạn 2021 - 2030 đã được phê duyệt, tỉnh Thanh Hóa cũng đặt mục tiêu phát triển 13 sân golf gắn với phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái cao cấp. Tương tự, quy hoạch đã được duyệt của tỉnh Hà Tĩnh cũng có 6 dự án sân golf đi kèm dịch vụ khách sạn; khu du lịch nghỉ dưỡng nằm trong danh mục các dự án kêu gọi đầu tư...

Miền Nam Việt Nam không ngoài đường đua

Ít được nhắc tới trong bản đồ du lịch golf ở VN, song TP.HCM cũng không đứng ngoài đường đua. Hồi tháng 3, Lễ hội Du lịch golf TP.HCM lần đầu tiên được tổ chức tại sân golf Tân Sơn Nhất, sau khi đón đoàn khách 20 golf thủ quốc tế đầu tiên (chủ yếu là doanh nhân) đến từ Singapore vào tháng 2. Lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM khẳng định: Là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa sầm uất cả nước với hệ thống sân golf hiện đại, đẳng cấp quốc tế, TP.HCM hoàn toàn đủ khả năng thu hút khách đến. Phát triển du lịch golf không những giúp đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh du lịch mà còn thu hút khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày tại TP. Vì thế, thời gian tới, ngành du lịch TP sẽ phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Golf VN tổ chức các giải đấu golf chuyên nghiệp cho khách trong nước và quốc tế tại TP.HCM.

Sân golf Đồi Cù, Đà Lạt.

Ở tầm thế giới, VN cũng đã được tôn vinh là "Điểm đến du lịch golf tốt nhất thế giới" 2 lần vào năm 2019 và 2021. Sau đại dịch, VN đã nỗ lực kết nối lại thị trường, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi đa dạng của du khách. Một trong những loại hình du lịch được chú trọng phát triển trong những năm gần đây và ngành du lịch mong muốn du khách đến VN trải nghiệm, đó chính là du lịch golf.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia, đánh giá địa hình đất nước có nhiều đồi núi, đường bờ biển dài, phong cảnh đẹp là những lợi thế để VN phát triển các sân golf hiện đại, đẳng cấp thế giới. Chúng ta hiện có khoảng 80 sân golf và mục tiêu đến năm 2025 sẽ có khoảng 200 sân golf để phục vụ các golf thủ và du khách.

Khẳng định VN càng có nhiều sân golf càng có lợi, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch VN, cho rằng thực tế đất làm sân golf là những khu vực đồi trọc, đất cát vùng biển, đất trống không làm nông nghiệp được. Không địa phương nào lấy đất nông nghiệp hay chặt phá rừng nguyên sinh để làm sân golf. Vì thế, xét về mặt tài nguyên, xây sân golf không gây tác hại. Bên cạnh đó, môn thể thao golf cũng đã hình thành và phát triển ở khắp nơi trên thế giới, từ châu Âu đến châu Mỹ, châu Á.

Theo TS Nam, các nguyên tắc xử lý về môi trường đã được "nằm lòng" và không phải thứ gì quá mới mẻ hay phức tạp, cần xây dựng tiêu chuẩn mới về việc xử lý tác động tới môi trường. Nếu kiểm soát chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy định thì hệ lụy về môi trường hoàn toàn không phải vấn đề trong chiến lược phát triển mạng lưới sân golf. VN lo ngại 100 - 200 sân golf là nhiều nhưng thực tế Hàn Quốc đã có tới gần 500 sân golf, con số này tại Nhật Bản còn lên tới hàng nghìn. Đây đều là những quốc gia đang đặt mục tiêu phát triển bền vững lên hàng đầu.

Nguồn: Báo Thanh niên.

0 lượt thích1775 lượt xem

Tin bài khác