Chuyển tới nội dung

Hướng phát triển du lịch golf Đà Nẵng và Duyên hải Trung bộ

Việc xúc tiến mạnh mẽ du lịch golf tại Đà Nẵng và miền Trung Việt Nam sẽ mang đến triển vọng về hồi phục du lịch, đặc biệt hướng tới du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế theo góc nhìn của các chuyên gia trong ngành.
Chương trình Xúc tiến du lịch golf Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam năm 2022

Chương trình Xúc tiến du lịch golf Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam năm 2022 do Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng tổ chức vào lúc 14h00 ngày 28/12/2021 và được kết nối trực tiếp với khách tham dự từ xa. Chương trình cung cấp thông tin về du lịch golf trong bối cảnh COVID-19 và thảo luận các giải pháp xúc tiến quảng bá du lịch golftrong năm 2022.

“Với lợi thế hạ tầng lưu trú hiện đại cùng với hệ thống các sân golf đẳng cấp thế giới do các tay golf huyền thoại thiết kế trong bộ sưu tập Signature Collection, Đà Nẵng và các địa phương miền Trung có nhiều lợi thế trong việc phát triển du lịch golf tầm khu vực và thế giới. Trong bối cảnh “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, du lịch golf nói riêng và các loại hình du lịch chất lượng cao gắn với thể thao – nghỉ dưỡng – chăm sóc sức khỏe đang là xu hướng du lịch mới được du khách lựa chọn. Nắm bắt xu hướng và cơ hội này, ngành du lịch thành phố Đà Nẵng phối hợp cùng các địa phương duyên hải miền Trung đẩy mạnh xúc tiến thu hút du khách golf trong năm 2022 và các năm tiếp theo”, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Bình - PGĐ Sở Du lịch Thành phố Đà Nẵng

Ông Phạm Thành Trí – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam nhấn mạnh cơ hội của du lịch golf Việt Nam thông qua mối quan hệ kinh tế và văn hóa với hai thị trường golf hàng đầu châu Á là Nhật Bản và & Hàn Quốc. Tuy nhiên, để tăng trưởng du lịch golf Việt Nam, ông Trí đề xuất chính phủ cần có chính sách thuế tốt hơn về golf, nâng cao vai trò của lữ hành đối với du lịch golf, đa dạng hóa sản phẩm golf cũng như đẩy mạnh truyền thông quảng bá.

 “Không chỉ có cơ hội thị trường lớn, du lịch golf Việt Nam đang có những lợi thế truyền thông khi được Việt Nam được bình chọn là Điểm đến golf tốt nhất châu Á và thế giới trong các năm 2019 và 2021. Trong năm tới, Hiệp hội Golf Việt Nam đề xuất tổ chức Lễ trao giải World Golf Awards 2022 tại Đà Nẵng để quảng bá điểm đến golf mới nổi này", ông Phạm Thành Trí chia sẻ.

Đi sâu vào thị hiếu khách golf Hàn Quốc, ông Phạm Khắc Tuyên, Bí thư Thứ nhất phụ trách Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết Việt Nam là điểm đến golf mà khách Hàn Quốc mong muốn trải nghiệm, nhất là vào mùa đông khi Hàn Quốc không có nhiều điểm đánh golf thuận lợi trong thời điểm này. Ông Tuyên đề nghị tổ chức một chương trình quảng bá golf xuyên suốt Việt Nam với miền Trung là điểm nhấn, đặc biệt cần có sự tham gia của người nổi tiếng để tạo tiếng vang đối với thị trường. Quan trọng hơn, Việt Nam cần tạo dựng văn hóa golf theo chuẩn mực quốc tế.

Ông Phạm Khắc Tuyên, Bí thư thứ nhất phụ trách thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc

Tiềm năng tăng trưởng của du lịch golf thế giới nói chung và châu Á nói riêng được ghi nhận qua báo cáo khảo sát được xuất bản vào tháng 9/2021 của Sports Marketing Survey (SMS). Khảo sát được tiến hành đối với 9 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á trong năm 2021 về hành vi đánh golf thời COVID-19 và thu về hơn 10,000 phản hồi.

Theo ông Eric Lynge, Giám đốc Sports Marketing Survey, kết quả khảo sát cho thấy hơn 50% du khách châu Á đang lên kế hoạch cho kỳ nghỉ golf. Đa số kế hoạch kỳ nghỉ golf là chuyến đi trong nước do những quy định hiện hành hạn chế đi lại giữa các quốc gia, tuy nhiên kết quả này cũng dự báo tiềm năng tăng trưởng của du lịch golf trong thời gian tới.

Du lịch golf có sức mua gấp từ 6 đến 8 lần so với các loại hình du lịch thuần túy. Khảo sát của Sports Marketing Survey cho thấy mức độ chi tiêu dự kiến của khách golf cao hơn so với trước đây. Khoảng một nửa số người chơi golf ở Phillipines, Singapore và Hàn Quốc cho biết sẽ chi tiêu cho golf nhiều hơn trong vòng một năm tới. Đáng chú ý là sự gia tăng số lượng người mới bắt đầu chơi golf ở hầu hết các thị trường được khảo sát.

Ông Vũ Xuân Nguyên - Đại diện Công ty SGolf

Về giải pháp phát triển golf cho điểm đến Việt Nam, ông Eric nhấn mạnh việc phân khúc thị trường dựa trên hiểu biết về thị trường khách cũng như các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định mua. Việc phân khúc tốt thị trường golf cũng sẽ giúp các nhà quản lý đa dạng hóa các sản phẩm golf của điểm đến. Theo gợi ý của ông Eric, value seeker (khách chuộng các giá trị tăng thêm và giá cả phải chăng) và adventurous spender (khách golf yêu thích phiêu lưu trải nghiệm) có thể là phân khúc tiềm năng đối với Đà Nẵng, một điểm đến golf mới với dịch vụ đi kèm đa dạng và giá cả cạnh tranh.

Bà Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch, đơn vị tổ chức Chương trình Xúc tiến du lịch golf cho biết: “Để xúc tiến du lịch golf và tạo thuận lợi trong việc liên kết với các bên liên quan, chúng tôi đang đề xuất kế hoạch xúc tiến golf định kỳ thường niên từ năm 2022 gồm Giải golf Danang FantastiCity Open vào tháng 4, famtrip và media trip về golf vào tháng 7”.

Chương trình Xúc tiến Du lịch golf đến Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam năm 2022, tiếp nối chuỗi hoạt động xúc tiến du lịch golf miền Trung năm 2021, để chuẩn bị và thúc đẩy phục hồi du lịch với tinh thần thích ứng mạnh mẽ, sáng tạo và kết nối.

Bài trình bày của các diễn giả gồm:

  • Phạm Thành Trí – Phó Chủ tịch thường trực HHDL Golf VN, HHDLVN
  • Ông Adam Calver – Chủ tịch Liên minh sân golf Miền Trung
  • Ông Eric Lygne, Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu và Tư vấn Thể thao Sports Marketing Surveys.
  • Nguyễn Thị My Ly, Phó Giám đốc và Thư ký tòa soạn Tạp chí VietnamGOLF & Leisure
1 lượt thích

Tin bài khác