Chuyển tới nội dung

Giải mã Maki-e  

Đồng hồ có mặt số sử dụng kĩ thuật Maki-e không nhiều. Số nghệ nhân thuần thục kĩ thuật này cũng rất ít. Và giá của những chiếc đồng hồ được gắn với cái tên maki-e luôn cao ngất ngưởng. Vậy maki-e là gì và vì sao kĩ thuật này lại giá trị đến thế?

Maki-e hay còn được biết với cái tên Urushi có nguồn gốc từ xứ sở mặt trời mọc. Nó vốn dĩ là một loại hình thức của nghệ thuật sơn mài để tạo nên những bức họa sơn mài với độ bền tính đến vài thế kỉ. Đây là một loại hình sơn mài mà các sensei (bậc thầy) Nhật Bản đã đưa nó đạt tới đỉnh cao nghệ thuật nhờ những kĩ thuật tinh xảo bậc nhất kèm những bí truyền được lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác mà chỉ những sensei mới thực hiện được. Phải nói là, maki-e có lịch sử rất lâu đời, khoảng 1.400 tuổi. Hay ở chỗ, ngay cả ở thời kì cực thịnh hay khi bị thất truyền, maki-e cũng gắn liền với giới danh gia vọng tộc Nhật Bản. Sự quý hiếm, kĩ thuật tinh xảo và vẻ đẹp thách thức với thời gian của nó được coi như một trong những đại diện cho giới quý tộc xứ Phù Tang.

Đây chính là lý do để các nhãn hàng xa xỉ, đặc biệt là đồng hồ tìm đến loại hình nghệ thuật này và mang nó vào những cỗ máy đếm thời gian. Maki-e xưa nay cũng chẳng phải là môn nghệ thuật dành cho số đông nên những chiếc đồng hồ sử dụng kĩ thuật maki-e cũng luôn gắn với hai chữ limited edition – phiên bản giới hạn. Trong số những nhãn hiệu đồng hồ tìm đến maki-e, không thể không kể đến Chopard, Speake Marin, Vacheron Constantin, Jaquet Droz…

Speake Marin là một ví dụ minh chứng rõ nhất cho sự quý hiếm của đồng hồ maki-e. Để có thể đưa những lớp sơn maki-e (nghe đồn thời xưa Nhật Bản phủ lên những tấm áo giáp và độ bền của nó có thể kéo dài tới 700 năm – 7 thế kỉ) lên mặt số đồng hồ, Speake Marin đã phải tìm đến các nghệ nhân Nhật Bản để đặt hàng. Cũng từ đây, Speake Marin có những tiết lộ khiến nhiều người phải giật mình. Theo đó, sự cầu kì và phức tạp của maki-e khiến có những mặt số nghệ nhân phải mất tới cả nửa năm thậm chí cả năm trời chỉ để hoàn thiện. Trung bình để có một bức tiểu họa với kĩ thuật maki-e cần thực hiện tối thiểu 30 bước.

Trước hết, họ sẽ phải phác thảo họa tiết đó trên giấy rồi vẽ lại lên mặt ngọc trai. Tiếp đó là các bước cơ bản để mặt số ăn sơn. Kế đến là những thao thác để mặt số ăn sơn đen (black urushi). Chỉ riêng khâu này, người nghệ nhân phải kiên trì thực hiện đi thực hiện lại ít nhất bốn lần. Sau đó, họ sẽ đi nét với vàng bột. Lúc này, tùy theo thiết kế ban đầu, mặt số sẽ ăn các loại sơn khác nhau rồi sẽ được nghệ nhân vẩy bột vàng. Tiếp nữa, lớp sơn đen kia sẽ được phủ thêm lần nữa để lớp bột vàng sẽ tồn tại thách thức với thời gian. Sau đó, một lớp tro sẽ được thổi vào để tạo tuổi cho tác phẩm. Nghe có vẻ đơn giản nhưng mỗi bước đều được các nghệ nhân thực hiện với những bí truyền lưu giữ từ đời này sang đời khác. Ví dụ, trước khi phủ bốn lớp black urushi, người nghệ nhân phải tạo ra những vết xước để giữ cho lớp sơn được bền hơn. Ở đây, vết xước như thế nào là cả một câu chuyện mà chỉ những người nắm giữ những bí truyền mới có thể tạo ra những vết xước để sơn vừa ăn vừa bền màu nhất. Hay những lớp sơn chẳng hạn, thông thường, họ phải đợi 24 giờ mới có thể tạo được một lớp sơn mới và một mặt số Maki-e có đến hàng chục lớp sơn.

 

Cầu kì và phức tạp luôn đòi hỏi những kĩ thuật thuần thục bậc nhất từ những người thợ bậc thầy. Nó quý hiếm, độc bản cũng chính bởi vậy.

0 lượt thích 823 lượt xem

Tin bài khác