Chuyển tới nội dung

Đừng ham giải mà để mất Tư cách nghiệp dư.

Thời gian gần đây, phong trào golf Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ nếu nhìn vào số lượng người chơi golf và đặc biệt là số lượng các giải golf được tổ chức. Nếu thường xuyên theo dõi trên các trang mạng xã hội, các trang báo điện tử sẽ thấy tin tức về các giải đấu phong trào xuất hiện rất nhiều.

Từ giải vô địch của các sân golf, các Câu lạc bộ golf, đến các giải đấu của doanh nghiệp tổ chức để tri ân khách hàng… “Nhộn nhịp” là từ có thể dùng để diễn tả cho các hoạt động của phong trào golf ở thời điểm này. Ở một góc nhìn rộng, sự nhộn nhịp này góp phần đưa golf đến gần hơn với xã hội, thúc đẩy ngành công nghiệp golf cùng phát triển.

Nhưng nếu nhìn ở góc độ sâu hơn, bên cạnh nhiều giải golf được tổ chức quy củ, đúng luật và mang nhiều ý nghĩa nhân văn được cộng đồng và giới chuyên môn đánh giá cao thì vẫn còn nhiều giải vấp phải nhiều ý kiến đánh giá trái chiều.

Thực tế cho thấy, việc có từ 3 đến 5 giải được tổ chức vào dịp cuối tuần là không hiếm gặp. Và để thu hút được người chơi trong giải của mình, nhiều nhà tổ chức thường quảng bá giải bằng những phần thưởng hấp dẫn, với giá trị cao vượt quy định cho golf nghiệp dư. Theo luật R&A đưa ra, các giải golf nghiệp dư không được phép có giải thưởng là tiền mặt và giới hạn tối đa cho giá trị thực tế của giải thưởng không được vượt quá 500 bảng Anh. Tuy nhiên, không biết một cách vô tình hay cố ý mà nhiều giải đấu vẫn đã và đang vi phạm quy định này, mặc dù trong điều lệ giải vẫn luôn có dòng chữ “Theo Luật golf 2016 được ban hành bởi R&A”?

Ngoại trừ giải thưởng HIO, các gôn thủ nghiệp dư chỉ được nhận các giải thưởng có giá trị tối đa không quá 500 Bảng Anh

Nhưng điều đáng nói ở đây là các giải đấu như vậy vẫn luôn có số lượng gôn thủ tham dự lớn và được giải thì vô tư lên nhận mà không quan tâm đến việc mình đã vi phạm luật về Tư cách nghiệp dư. Không hiểu do cả Ban tổ chức và gôn thủ không hiểu luật hay do họ đề cao lợi ích tài chính hơn? Đây là vấn đề đã được nói đến rất nhiều trên các diễn đàn Golf lớn như Golfer Vietnam – GVN, các trang báo về golf, hay trên website của Hiệp hội Golf Việt Nam cũng đã có hướng dẫn cụ thể và khuyến cáo các gôn thủ về Luật Tư cách nghiệp dư. Mặc dù vậy, điều này vẫn bị lờ đi và việc vi phạm ngày càng nhiều hơn.

Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA) cũng đã đẩy mạnh rà soát và đã có trường hợp gôn thủ ngỡ ngàng khi được thông báo mình mất Tư cách nghiệp dư. Như trường hợp gôn thủ Lưu Ngọc Đại tại VAO 2017, mặc dù anh đăng ký thi đấu ở bảng nghiệp dư nhưng do anh đã giành Best Gross và nhận giải có giá trị vượt quá quy định ở 1 giải đấu trước đó, ban tổ chức xác nhận thông tin này và anh Đại đã phải chuyển sang thi đấu ở bảng Non Amateur.

Trước đây, để bảo vệ Tư cách nghiệp dư có trường hợp sau khi nhận giải thưởng đã làm đơn trả lại cho Ban tổ chức vì giá trị vượt quá quy định của Luật cho phép như golf thủ trẻ Nguyễn Quang Trí ở giải FLC Golf Championship 2016 và gần đây nhất là Đoàn Xuân Khuê Minh ở giải Tam Dao Golf Club Championship 2018. Việc này chắc chắn không mang lại niềm vui cho cả hai phía người chơi và Ban tổ chức. Vậy tại sao không làm đúng ngay từ đầu?

Có một cách mà các Nhà tổ chức giải có thể làm, đó là những quà tặng có giá trị cao thay vì trao cho các giải chính, có thể chuyển làm quà Lucky Draw. Vì quà Lucky Draw không giới hạn về giá trị, người chơi ở trình độ nào cũng có thể nhận được giải, vừa không sai luật mà lại vừa đem lại niềm vui cho nhiều gôn thủ hơn.

Đơn xin từ chối nhận tiền mặt của 3 gôn thủ nghiệp dư khi tham dự giải golf Chuyên nghiệp của VGA tổ chức

Tổ chức giải, tạo sân chơi phát triển phong trào là việc làm cần được cổ vũ. Nhưng ngoài việc chỉ tập trung quảng bá giá trị giải thưởng lớn để hút người chơi, các nhà tổ chức cũng cần có những cách làm để giải đấu vừa chất lượng, vui vẻ và đúng quy định của luật. Về phía golfer, là một người chơi nghiệp dư hãy chơi golf vì những thách thức mà môn thể thao này mang lại, chứ không phải vì mục đích tài chính.

----------------------------------------------------------

Một số lưu ý của Luật về Tư cách nghiệp dư: (Xem đầy đủ tại: http://vga.com.vn/huong-dan-ve-luat-ve-tu-cach-nghiep-du-amateur-status-va-khuyen-cao-ve-quy-dinh-giai-thuong-luat-3/?fbclid=IwAR3GuUclF9nBEV2ChtYPxjlLP5xTCymGPz1prrGy6ILdMoY7NqDKFCb8bf4

1. Giới hạn giải thưởng (Luật 3-2a)

Giới hạn tối đa cho giá trị thực tế của giải thưởng (không phải tiền mặt) mà một gôn thủ Nghiệp dư có thể nhận khi tham gia thi đấu trong một sự kiện, một chuỗi sự kiện hay một giải đấu, một trận đấu trình diễn không được quá 500 Bảng Anh, tương đương 14.750.000 đồng (Mười bốn triệu bẩy trăm năm mươi ngàn đồng) hoặc một giới hạn thấp hơn khi có quy định chính thức từ Hiệp hội Golf Việt Nam (Ngoại lệ giải thưởng Hole in One).

2. Theo hướng dẫn Luật về Tư cách nghiệp dư do VGA ban hành thì một golf thủ nghiệp dư có thể tham dự một sự kiện trao thưởng tiền mặt với điều kiện trước khi giải đấu diễn ra, golf thủ đó phải có văn bản gửi lên Cơ Quan Quảnh Lý tuyên bố sẽ từ chối nhận giải thưởng tiền mặt đó.

3.Một số hạn chế đáng lưu ý khi mất Tư cách nghiệp dư:

*Không được chấp nhận chơi tại các giải Nghiệp Dư trong và ngoài nước và có thể bị kiện cáo hoặc tước giải thưởng.

*Có thể bị từ chối hoặc treo Handicap bởi Cơ Quan Quản Lý của một quốc gia hoặc các sân gôn.

*Một Gôn thủ thanh thiếu niên mất Tư Cách Nghiệp Dư có thể sẽ bị từ chối hoặc cắt học bổng gôn tại các trường Đại Học ở Hoa Kỳ (USA) và các quốc Gia Khác.

*Không được quyền đại diện cho Quốc Gia tham dự các sự kiện chỉ dành cho gôn thủ Nghiệp Dư Quốc Tế như SEAGAMES, ASIAD, Các giải vô Địch Nghiệp Dư Châu Á- Thái Bình Dương hay các giải đồng đội như Nomura Cup…v.v

0 lượt thích1336 lượt xem

Tin bài khác

Những tình huống golf

Những tình huống golf

Luật địa phương