Chuyển tới nội dung

Những golfer kiêm phi công cừ khôi

Không chỉ chơi golf tốt, rất nhiều golfer nổi tiếng còn sở hữu tấm bằng lái máy bay xuất sắc. Dưới đây là danh sách những PGA kiêm phi công cừ khôi.

Cameron Beckman

Nhà vô địch 3 giải đấu PGA Tour - Cameron Beckman từng chơi cho đội tuyển golf của trường đại học Texas. Sau khi tốt nghiệp năm 1993, chàng trai gốc Minnesota chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp với mong muốn theo đuổi sự nghiệp golf trọn đời. Tuy nhiên, bên cạnh golf, máy bay cũng là một thú vui khó cưỡng với Beckman. Chia sẻ với Dallas Morning News, Beckman cho biết: “Lái máy bay giống như chơi golf, bạn phải tập trung từng giây từng phút nếu không sẽ thất bại”.

Morgan Hoffmann

Tay golf chuyên nghiệp người Mỹ Morgan Hoffmann sinh ra trong gia đình có cha là phi công lái Cessna 172, và mẹ làm tiếp viên hàng không của Delta. Ngay từ năm thứ hai đại học, Hoffmann đã quyết định học thi lấy bằng phi công. Hoffmann còn tậu riêng cho mình một chiếc Piper Lance, mua lại từ người bạn thân David Booth, một vận động viên khúc côn cầu. Khi trò chuyện với trang thể thao ESPN, Hoffmann tâm sự: "Lái máy bay giúp tôi trở nên chừng mực hơn trong cuộc sống, đặc biệt là khi chơi golf. Khả năng quản lý thời gian của tôi cũng cải thiện hơn rất nhiều”.

Maverick McNealy

27 tuổi, xếp hạng 68 trên thế giới, McNealy hiện đang sống ở Las Vegas, Nevada. Sở thích chinh phục không trung của tay golf chuyên nghiệp này lớn tới mức anh chấp nhận bỏ lỡ cả giải Arnold Palmer Invitational để dành thời gian hoàn thành khóa đào tạo phi công. McNealy thậm chí còn đặt mục tiêu giống như huyền thoại Arnold Palmer đó là sẽ lái máy bay đến các sự kiện golf.

Arnold Palmer

Tay golf nổi tiếng đầu tiên tự lái máy bay đến các giải đấu là Arnold Palmer. Ban đầu, Palmer thường lái xe đến tham dự các giải đấu. Tuy nhiên, khi hai công chúa nhỏ chào đời, ông muốn tiết kiệm thời gian di chuyển và bắt đầu học lái máy bay. Palmer học lái chiếc Cessna 172 năm 1958 và sau khi lấy bằng, ông đã thuê một chiếc Cessna 175 để bay khắp đất nước tham gia thi đấu. Tình yêu máy bay của Palmer tăng theo cấp số nhân cùng với việc ông liên tục mua và sở hữu các động cơ, thiết bị cho phép ông có thể bay trong mọi điều kiện thời tiết.

Năm 1961, Palmer mua chiếc máy bay đầu tiên Aero Commander 500, và sau đó vài năm, ông tiếp tục sở hữu chiếc Aero Commander 560F mạnh mẽ hơn. Để thỏa mong muốn bay nhanh hơn và có tầm bay xa hơn, Palmer còn tậu cả Rockwell Jet Commander vào năm 1966. Trong những năm tiếp theo, Palmer mua thêm Learjet, Cessna Citation Jets và cuối cùng là chiếc Citation X trước khi qua đời ở tuổi 87.

Tiger Woods

Nhà vô địch 82 lần ở PGA Tour, Tiger Woods ngoài niềm đam mê golf còn nổi tiếng với việc chịu chi cho những chuyên cơ sang trọng. Gulfstream G550 là một trong số đó. Chiếc máy bay phản lực trị giá 54 triệu đô la Mỹ này có thể vận chuyển được 19 hành khách, gồm 8 phòng ngủ và 4 khu vực sinh hoạt chung. Máy bay có 2 phi công phục vụ. G550 được chạy với hai động cơ Rolls Royce và có tốc độ tối đa 679 dặm/giờ. Ngoài việc sở hữu chiếc G550, Tiger cũng dành thời gian học lái và có chứng chỉ phi công. Thế nhưng, như nhiều golfer chuyên nghiệp khác, anh thường thuê cơ trưởng riêng cho mình.

Jack Nicklaus

“Gấu vàng” Jack Nicklaus là một golfer đam mê không gian và những tiện ích mà chiếc máy bay phản lực Gulfstream mang đến. Ông không tiếc những lời có cánh dành cho Gulfstream III. Thậm chí bộ sưu tập của ông còn có đầy đủ các dòng Gulfstream từ Lears, Cessnas, Sabreliners, cho đến JetStars…. Và Jack Nicklaus cũng là người mê lái máy bay, ông từng tham gia khóa học lái máy bay phản lực và trực thăng.

Scott McCarron

Scott McCarron sinh ra và lớn lên ở California, cái nôi của nhiều golfer chuyên nghiệp. Mặc dù có mặt trong đội tuyển golf của trường đại học Nam California, thế nhưng sau khi tốt nghiệp, McCarron đã không ngay lập tức theo đuổi sự nghiệp chơi golf. Thay vào đó, anh phụ cha công việc kinh doanh thời trang golf trong 4 năm trước khi chính thức chơi golf chuyên nghiệp. McCarron quan tâm đến việc học lái máy bay khi xem bộ phim “Top Gun” hồi học đại học. Sau khi lấy bằng phi công, McCarron thuê chiếc Piper Archer 2 và bắt đầu thực hành lái. Mặc dù rất thích bay lượn và đã có bằng phi công, nhưng McCarron chưa sắm máy bay cho riêng mình.

Phil Mickelson

Golfer thuận tay trái nổi tiếng Phil Mickelson cũng là một phi công được cấp bằng chứng nhận, tuy nhiên anh vẫn thuê riêng một phi công chuyên nghiệp để đưa đón mình tới các giải đấu. Đam mê lái máy bay ngay từ khi còn trẻ của Phil được cha anh - một cựu phi công hải quân - truyền cảm hứng. Sinh ra và lớn lên ở San Diego, Phil theo học đại học bang Arizona và xuất sắc giành học bổng golf. Tốt nghiệp và trở thành golfer chuyên nghiệp cũng là lúc Phil có chứng chỉ phi công. Với những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp, Phil đã tự thưởng cho mình một chiếc Gulfstream V trị giá 40 triệu đô la. Mãi 20 năm sau, Phil mới quyết định chia tay Gulfstream V để sử dụng dịch vụ thuê máy bay riêng. 

Bay bằng chuyên cơ riêng tốn bao nhiêu tiền?

  • Máy bay nhỏ chở được 4-6 hành khách, giá 1.300-3.000USD/giờ bay.
  • Máy bay phản lực hạng trung chở khoảng 9 hành khách, giá 4.000-8.000USD/giờ bay.
  • Các máy bay phản lực tư nhân lớn hơn có sức chứa 14-19 khách, giá 8.600-13.000USD/giờ bay.

(Theo Air Charter Service)

0 lượt thích1223 lượt xem

Tin bài khác