Chuyển tới nội dung

Giải VĐ Nghiệp dư châu Á - TBD đã giúp golf chuyển mình mạnh mẽ đến thế nào?  

Giải Vô địch Nghiệp dư Châu Á - TBD (Asia Pacific Amateur Championship - AAC) là cái nôi của những nhà vô địch major, thúc đẩy và truyền cảm hứng cho các giải đấu nghiệp dư ở các nước đang phát triển nền sinh thái golf.

Mở đường cho golfer nghiệp dư tiếp cận giấc mơ major

AAC sẽ diễn ra trong tuần này tại Royal Melbourne

Năm 2009, The R&A và The Masters Tournament bắt tay cùng Liên đoàn Golf Châu Á TBD để cho ra mắt giải đấu, nhằm mục tiêu phát triển môn thể thao golf trong khu vực. 14 năm trôi qua, có thể khẳng định rằng mục tiêu đó đã thành công ngoài kỳ vọng mong đợi của BTC, người hâm mộ và cả chính các tuyển thủ tham dự giải.

Giải vô địch Nghiệp dư Châu Á Thái Bình Dương (AAC) sẽ chính thức khởi tranh vào ngày mai (26/10) trên sân Royal Melbourne Golf Club (Úc). Giải đấu chính là bước đệm của nhiều gương mặt VĐV chuyên nghiệp thành danh ngày nay và cũng chính là ngọn lửa truyền nhiệt huyết đến vô số những tay golf trẻ để họ tiếp tục theo đuổi con đường mơ ước. Bên cạnh đó, AAC chính là hình mẫu giải nghiệp dư quốc tế có quy mô chuyên nghiệp, bài bản để các giải nghiệp dư ở các quốc gia trong khu vực chuyển mình. AAC đã thay đổi bộ mặt của môn golf.

Kỳ tổ chức thứ 14 của AAC diễn ra tại Royal Melbourne

Nhà vô địch AAC sẽ giành được suất tham dự hai trong số bốn giải golf nhà nghề danh giá nhất hành tinh là The Open Championship và The Masters, cùng với đó là tấm vé đặc cách thi đấu tại The Amateur Championship. Á quân giải sẽ tiếp tục tranh suất dự The Open qua các vòng loại trực tiếp. 

Những đặc quyền đó có ý nghĩa vô cùng lớn và có thể thay đổi cuộc đời, sự nghiệp của VĐV, đồng thời minh chứng sức ảnh hưởng của giải đấu đối với cả cộng đồng golf nói chung. Không chỉ tiêu chuẩn của môn golf nghiệp dư được cải thiện trên toàn khu vực Châu Á Thái Bình Dương, mà còn khẳng định sự đầu tư ngày càng tăng khi các quốc gia trong khu vực đang định hướng phát triển môn golf một cách nghiêm túc và khai phá ra những gương mặt tiềm năng của châu Á.

Trong báo cáo toàn cầu mới nhất của The R&A, được công bố vào tháng 8 năm nay, dữ liệu cho thấy số lượng người chơi golf trên các sân 9 và 18 hố ở châu Á đã tăng thêm 2,5 triệu người từ năm 2012 đến năm 2022 (hiện là hơn 16 triệu người). Tại Châu Đại Dương, số lượng golfer đã tăng từ 1,65 triệu lên 2,8 triệu trong cùng kỳ. AAC chắc chắn đã đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền cảm hứng cho mọi người trong khu vực.

Những chứng nhân lịch sử của AAC

Hideki Matsuyama vô địch AAC năm 2010 và 2011

Giải AAC đầu tiên diễn ra vào năm 2009 tại Mission Hills Golf Club (Trung Quốc) và chiến thắng thuộc về Changwon Han, 17 tuổi, VĐV người Hàn Quốc. Năm sau đó, AAC được tổ chức tại Kasumigaseki Golf Club (ngoại ô Tokyo, địa điểm tổ chức môn golf tại Thế vận hội 2020). Rất đông người hâm mộ đã chứng kiến sự lên ngôi của Hideki Matsuyama - khi đó anh ấy là một chàng trai 18 tuổi nhút nhát - nhưng rõ ràng Matsuyama có một triển vọng đặc biệt. Điều đó được minh chứng trong năm 2021, khi Matsuyama trở thành tuyển thủ Nhật Bản đầu tiên giành được danh hiệu Major nam tại The Masters.

Nhà vô địch The Open 2022 Cam Smith

Chiến thắng của Matsuyama tại The Masters 2021 đã trở thành lời khẳng định đanh thép về tác động của AAC đối với thể thao thế giới. Ngôi sao người Nhật đã vô địch AAC trong hai năm liên tiếp 2010 và 2011, đồng thời tiếp tục có một sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp xuất sắc. Nhà vô địch The Open 2022 Cameron Smith cũng là cựu vương AAC, vì vậy điều đó có nghĩa là cả hai giải đấu hàng đầu dành cho nam của The R&A và The Masters đều thuộc về những người chơi thi đấu trong AAC – chỉ riêng thực tế đó đã lời giải thích rõ ràng cho khoản đầu tư mà các cơ quan quản lý đã bỏ ra.

Bước đệm của các sự kiện nghiệp dư quốc tế

Giải vô địch nghiệp dư Mỹ Latinh ra đời sau thành công của AAC

AAC là giải đấu đầu tiên trong chuỗi giải đấu quốc tế mà R&A tổ chức hoặc đồng tổ chức để phát triển môn golf ở nhiều khu vực khác nhau trên toàn cầu. Giải vô địch nghiệp dư châu Mỹ Latinh (Latin America Amateur Championship- LAAC) được bắt đầu vào năm 2015 và đã đào tạo ra nhiều VĐV ưu tú bao gồm Joaquin Niemann, Sebastian Munoz và Mito Pereira. 

Năm 2018, Giải vô địch nghiệp dư nữ châu Á Thái Bình Dương (Women’s Asia Pacific Amateur Championship) được thành lập và kể từ năm 2021, The R&A cùng với Quỹ Annika đã điều hành Giải vô địch nghiệp dư nữ châu Mỹ Latinh (Women’s Amateur Latin America).

Mới đây, để thúc đẩy sự phát triển của các giải đấu nghiệp dư nam quốc tế, The R&A đã công bố tại The Open năm nay rằng Giải vô địch nghiệp dư châu Phi (African Amateur Championship) sẽ được ra mắt vào tháng 2/2024 tại Leopard Creek Golf Club (Nam Phi). Người chiến thắng trong sự kiện đó sẽ giành được quyền tham dự The Open lần thứ 152 tại Royal Troon.

AAC đã mở đường cho những sáng kiến toàn cầu này, mở rộng phạm vi chơi golf trên khắp các khu vực đang phát triển nền công nghiệp golf, tập trung sự chú ý của các hiệp hội quốc gia và những người chơi hàng đầu để cải thiện trình độ và tiến lên phía trước.

Cơ hội đổi đời

Đối với những golfer nghiệp dư ưu tú, giải đấu này có thể định hình và thay đổi cuộc sống. Một ví dụ cụ thể về điều đó là có rất nhiều tuyển thủ tham gia AAC tuần này tại Royal Melbourne hiện đang theo học tại các trường đại học ở Hoa Kỳ. Trên thực tế, trong số 120 người tham gia AAC lần thứ 14 này, có không dưới 37 người chơi đang học đại học ở Hoa Kỳ. Những người chơi từ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ngày càng được các trường đại học Hoa Kỳ “săn đón”, và đây chính là cơ hội vàng để các tuyển thủ đi theo “giấc mơ Mỹ” để hoàn thiện trình độ học vấn và kinh nghiệm chơi golf cạnh tranh hạng nhất cùng một lúc. AAC đã là làn sóng mở đầu cho xu hướng này.

Người chơi từ 36 quốc gia sẽ tranh tài tại AAC năm nay

Khi Hideki Matsuyama vô địch vào năm 2010, anh được xếp hạng 544 trên Bảng xếp hạng Golf nghiệp dư thế giới (WAGR). Kể từ đó, số lượng người chơi Châu Á - Thái Bình Dương ở các vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng đó ngày càng tăng lên đều đặn. Khi Keita Nakajima vô địch AAC 2021 ở Dubai, anh là tay golf nghiệp dư được xếp hạng số 1 thế giới. Tuần này, có 9 tuyển thủ thi đấu đạt thứ hạng trong top 100 WAGR.

Giải Vô địch Nghiệp dư Châu Á Thái Bình Dương AAC năm nay sẽ có 120 tay golf đến từ 36 quốc gia. Trong đó, ngoài các quốc gia được coi là “thánh địa golf châu Á” như Nhật Bản, Úc và Hàn Quốc, sẽ có thêm nhiều đại diện đến từ các nước mà nền công nghiệp golf ít thịnh hành hơn như Bhutan, Papua New Guinea và Lào. Cơ hội để những người chơi golf từ các quốc gia này thi đấu trên một đấu trường như vậy không chỉ là một trải nghiệm tuyệt vời đối với chính bản thân họ, mà còn là một cú hích lớn đối với các liên đoàn quốc gia đó - và chính điều đó sẽ thúc đẩy bước đà để golf được đón nhận trên toàn thế giới.

AAC được ra đời với “trọng trách” thu hút nhiều người chơi hơn và khuyến khích những người chơi ưu tú từ Khu vực Châu Á Thái Bình Dương phát huy hết tiềm năng. Xét cả hai khía cạnh, đây là một dự án cực kỳ thành công: 

  • Có nhiều người chơi hơn ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương kể từ khi giải đấu bắt đầu, và 
  • Có nhiều người chơi hơn trên toàn cầu, một phần nhờ vào việc thành lập các giải đấu được tạo ra sau AAC. thành công - những sự kiện như LAAC. 

Các tay golf từng thi đấu tại AAC hiện đã giành được các giải Major và nhiều người khác đã tiếp tục theo đuổi ước mơ ở cấp độ thi đấu chuyên nghiệp. 

Với tất cả những điều AAC đã đem lại, giải đấu chính là chìa khóa đã mở ra con đường chinh phục golf của nhiều thế hệ golfer, và cũng là yếu tố giúp golf thế giới chuyển mình nhanh chóng.

0 lượt thích792 lượt xem

Tin bài khác