Chuyển tới nội dung

Cột mốc mới của Golfer Việt

Ngày 14/07 vừa qua, Hanako Kawasaki đã đánh một vòng golf xuất thần vào ngày cuối cùng của giải đấu VJO 2019 với số điểm được nhiều tờ báo giật tít là “Vô tiền khoáng hậu”. Đây là vòng đấu đáng kinh ngạc của cô gái mang 2 dòng máu Việt-Nhật và là cột mốc mới của golf Việt Nam.

By Minh Châu

Hanako Kawasaki

KỈ LỤC CỦA GOLFER VIỆT

Số điểm (-8) của Hanako Kawasaki tại vòng đấu của một giải đấu chính thức (được sử dụng để tính điểm cho Bảng Xếp hạng Nghiệp dư Thế giới) là một số điểm đáng kinh ngạc. Ở bất cứ giải đấu nào trên thế giới, khi một golfer ghi số điểm tương tự chắc chắn sẽ là tiêu điểm của tất cả truyền thông. Tuy nhiên, khi việc này diễn ra ở Việt Nam lại mang một ý nghĩa rất khác.

Trong lịch sử tất cả các giải đấu tại Việt Nam, từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư, từ nam đến nữ, từ già đến trẻ, đây là lần đầu tiên một golfer người Việt đạt được số điểm này. Chính điều đó đã khiến những cái tít “vô tiền khoáng hậu” được giật lên.

Quay lại năm 2018 khi Trần Lê Duy Nhất bắt đầu tham gia các giải đấu chuyên nghiệp tại Việt Nam, tôi đã nêu một vấn đề rằng số tiền mà Trần Lê Duy Nhất kiếm được khi tham gia các giải đấu tại Asian Tour cũng tương đương số tiền mà golfer Lê Hữu Giang kiếm được trong cùng một khoảng thời gian. Việc Trần Lê Duy Nhất góp mặt nhiều hơn tại các sự kiện chuyên nghiệp ở Việt Nam ít nhiều cho thấy sự tiến bộ của làng golf Việt nói chung, đặc biệt trong việc phát triển những giải đấu chất lượng. Đó là một cột mốc rất quan trọng trong việc phát triển golf nước nhà.

Đến khi điểm số (-8) của Hanako Kawasaki được ghi tại sân golf KN Golf Links Cam Ranh, đây lại là một cột mốc mới đối với nền golf Việt. Công bằng mà nói, chính Hanako cũng không phải vô cớ mà nói đến từ “may mắn” khi trả lời phỏng vấn sau vòng đấu đó. Bởi, chính Hanako cũng đã đối mặt với sân KN Golf Links Cam Ranh trong giải Vô địch Golf Nữ Việt Nam Mở rộng 2019 (VLAO) một tuần trước đó. Hanako không phải là người có thứ hạng cao nhất (golfer Hồng Kông - Mimi Ho là người vô địch) và cũng không phải là golfer Việt Nam có thứ hạng cao nhất (Thảo My). “May mắn” đó đã mang lại “quả ngọt” cho du học sinh Mỹ này chức vô địch VJO thứ hai (sau năm 2017). Còn làng golf Việt Nam lại có một may mắn khác, đó là hiểu hơn về khả năng của golf thủ nước nhà.

Thảo My

63 Thể thao nói chung và golf nói riêng, luôn xem việc chinh phục những cột mốc làm thành quả và mục tiêu phấn đấu. Việc Hanako kết thúc một vòng đấu với số điểm (-8) đặt ra giới hạn mới cho các golfer Việt Nam, và quan trọng hơn là tạo ra niềm tin chúng ta có khả năng thể hiện tốt hơn thế. Trong rất nhiều năm, mục tiêu “khiêm tốn” của các golfer Việt Nam tại các giải đấu nghiệp dư trong khu vực thường là học hỏi, cọ xát. Còn ở các giải chuyên nghiệp, đa phần các golfer Việt tham gia đều thuộc thành phần đặc cách để khuyến khích sự phát triển hoặc mang tính chất thương mại. Cho đến các giải đấu được tổ chức tại Việt Nam, khi có mặt các golfer nước ngoài, các golfer Việt thường thua thiệt trong việc tranh đua các thứ hạng cao. Điểm số của Hanako ở vòng đấu mà tôi nhắc đến đã tạo ra rất nhiều niềm tin cho tương lai của golf Việt. Nên nhớ rằng, niềm tin là cốt lõi trong mọi việc.

NIỀM TIN VƯƠN CAO

Tại VJO 2017, Hanako cũng là người đầu tiên giành được chức vô địch khi giải đấu có sự góp mặt của các golfer nước ngoài. Trước đó, golfer Trần Lê Duy Nhất lên ngôi ở một số giải đấu nằm trong hệ thống chuyên nghiệp Asian Tour Mở rộng. Đó đều là những cột mốc cực quan trọng để chúng ta có được niềm tin về khả năng của các golf thủ Việt.

Ở giải Vô địch Nghiệp dư Quốc gia 2019 vừa qua cũng tại sân golf KN Golf Links Cam Ranh, Đoàn Uy trở thành golfer trẻ nhất trong lịch sử golf Việt Nam vượt qua nhát cắt ở độ tuổi 12. Trước đó, Đặng Quang Anh cũng trở thành nhà vô địch trẻ tuổi nhất (13 tuổi) trong lịch sử giải Vô địch Đối kháng Quốc gia 2018. Tất cả tinh hoa của golf Việt đang hội tụ nhiều hơn vào thế hệ golf trẻ. Bên cạnh đó là những golfer cùng thế hệ như Trần Lam, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Nhất Long, hoặc ở nữ là Hanako, Thảo My, Đoàn Xuân Khuê Minh…

Tran lam Bảo Long

Khi nhìn vào các quốc gia trong khu vực, Hàn Quốc đã là cường quốc của golf nữ thế giới trong nhiều năm, Thái Lan đang tăng tốc trở thành một đối trọng với những thế hệ golfer tài năng, cùng Nhật Bản là ba quốc gia phát triển nhất tại châu Á khi nói đến golf. Trong khi Việt Nam hiện tại còn chưa thể so sánh được với các quốc gia tại Đông Nam Á như Lào, Philippines, Malaysia hay Singapore cả về số lượng lẫn chất lượng. Thì chính những gì các golfer trẻ đã làm được trong vài năm trở lại đã thật sự gieo rất nhiều niềm tin rằng chúng ta sẽ có thể vươn lên, dù con đường vẫn còn dài và chông gai.

Cuộc sống đã chứng minh rằng, khi không có niềm tin thì chúng ta đã thất bại ngay khi chưa bắt đầu bất cứ thử thách nào. Khó có thể nói đến khi nào Việt Nam mới xuất hiện một ngôi sao tầm cỡ khu vực chứ chưa nói đến tầm cỡ thế giới. Nhưng nếu chúng ta không có niềm tin thì có lẽ chẳng bao giờ chúng ta có được một nền golf vững mạnh. Do đó, hãy tin đi, một khi chúng ta vượt qua được giới hạn của bản thân thì những cột mốc đó chính là niềm tin để chúng ta tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới.

1 lượt thích2450 lượt xem

Tin bài khác