Chuyển tới nội dung

Giải golf và tài trợ

Ở các giải golf chuyên nghiệp quốc tế, chất lượng và quy mô giải đấu luôn tỷ lệ thuận với tầm vóc và mức chi của nhà tài trợ. Vậy phong trào này ở Việt Nam ra sao?

Giải golf và tài trợ

Khái niệm “kinh tế thể thao” thể hiện rõ nét, khi tiền tài trợ càng nhiều, giá trị giải thưởng càng lớn thì sẽ thu hút càng nhiều golfer hàng đầu thế giới tham gia. Chất lượng chuyên môn của giải đấu tăng cao sẽ hấp dẫn được nhiều khán giả theo dõi và hiển nhiên thương hiệu mà nhà tài trợ muốn quảng bá thông qua giải đấu sẽ được khách hàng biết tới nhiều hơn. Nhiệm vụ của các nhà điều hành giải là làm sao để tất cả các khâu ăn khớp với nhau và khi giải đấu đã trở nên uy tín thì các hoạt động của nó diễn ra như một cái máy tự động vậy.

Có thể lấy hệ thống giải PGA Tour (Mỹ) là minh chứng tiêu biểu. Chỉ riêng tổng giá trị giải thưởng đã dao động 6 triệu USD/giải, trong khi hệ thống European Tour (Châu Âu) chỉ có giá trị giải thưởng bằng một nửa so với PGA Tour. Chính vì thế nên rất nhiều golfer đã rời bỏ châu Âu tới Mỹ để tham gia PGA Tour được thuận lợi hơn. Còn những hệ thống giải ở các châu lục khác như Sunshine Tour (châu Phi), Asian Tour (châu Á)... tình hình tài trợ khó khăn dẫn đến trị giá giải thưởng còn thấp hơn nữa (chỉ bằng khoảng 1/2 giá trị giải thưởng của châu Âu). Lẽ dĩ nhiên với mức tài trợ khiêm tốn như vậy, không thể có sự tham gia của các ngôi sao hàng đầu thế giới.

Giải golf và tài trợ

Nhằm khắc phục tình trạng khó thu hút được nhà tài trợ do chất lượng và mức phổ biến của giải đấu thấp, các hệ thống lớn mạnh như PGA Tour và European Tour đã thiết kế ra rất nhiều giải đấu hợp tác với các châu lục để tạo ra sức hấp dẫn mới cho người hâm mộ và sự quan tâm của nhà tài trợ. Còn nhớ năm 2015, người hâm mộ golf Việt Nam chứng kiến trực tiếp giải Ho Tram Open thuộc Asian Tour tổ chức ở Vũng Tàu với trị giá giải thưởng 1,5 triệu USD và chức vô địch thuộc về Sergio Garcia. Dễ thấy để có được một giải golf như thế thành công cần phải có vài chục nhà tài trợ lớn nhỏ hỗ trợ từ những hạng mục bé nhất.

Có thể thấy muốn có các giải đấu ngày càng lớn, càng uy tín thì ảnh hưởng của nhà tài trợ là đặc biệt quan trọng. Thực tế các tập đoàn lớn và các thương hiệu mạnh trên thế giới đều có mức tài trợ “khủng” để tạo ra nguyên giải đấu mang tên của mình như giải Honda Classic, hay HSBC Golf Championship...

Giải golf và tài trợ

TÀI TRỢ VÀ GIẢI GOLF PHONG TRÀO Ở VIỆT NAM

Giống như các giải golf chuyên nghiệp, ở các giải đấu nghiệp dư vai trò của nhà tài trợ cũng không hề nhỏ nếu khi muốn hướng tới những giải golf chất lượng chuyên môn cao. Ví dụ một số giải nổi tiếng vài năm gần đây được tổ chức ở Việt Nam như Lexus Cup, MercedesTrophy, TPBank WAGC... đã và đang gây được sự chú ý của đông đảo golfer chính là nhờ uy tín và khả năng tài trợ của các thương hiệu mà giải đấu mang tên.

Khác với golfer chuyên nghiệp thuần tuý chỉ là thi đấu để tìm kiếm tiền thưởng thì golfer nghiệp dư lại phải trả tiền để dành quyền vào chơi giải. Chính vì thế mà golfer sẽ không chịu bỏ ra mức chi phí quá cao để chơi một giải golf mang tính thư giãn, giải trí là chủ yếu. Trong khi chúng ta đều biết để tổ chức một giải golf thì ngoài khoản tiền người chơi trả phí chơi golf, BTC cần có nguồn kinh phí đáng kể để mua sắm giải thưởng (quà, cúp), ăn uống, đi lại... Nguồn thu này nếu không trông đợi vào tài trợ thì không có cách nào có được, đặc biệt là các giải thưởng lớn cho HIO ở các hố par-3 và các phần quà lucky draw.

Giải golf và tài trợ

NHIỀU BẤT CẬP CẦN KHẮC PHỤC

Khi quan sát các giải golf từ cấp CLB đến giải do doanh nghiệp tổ chức và thậm chí giải cấp quốc gia, dễ nhận thấy việc tài trợ đang ở mức “xin cho” là chủ yếu, rất ít nhà tài trợ chủ động tài trợ với tư duy để quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp hay thương hiệu của mình. Lý do chủ yếu là: Do chưa đánh giá hết tầm ảnh hưởng của giải đấu với cộng đồng vì dù sao đây cũng là môn chơi chưa phổ biến; Nhà tài trợ đã có các hoạt động quảng bá rộng khắp trên nhiều kênh trước đó hoặc tài trợ ở đây chủ yếu do quan hệ ngoại giao với BTC giải thậm chí bị “cưỡng ép” tài trợ…

Sự thờ ơ và chưa mặn mà ấy của nhà tài trợ còn có căn nguyên từ sự coi nhẹ và hời hợt của BTC giải sau khi đã nhận được tài trợ nhưng các công tác truyền thông, quảng bá trước, trong và sau giải không tương xứng với chi phí mà nhà tài trợ bỏ ra. Ngay cả những quyền lợi đơn giản nhất đôi lúc cũng bị bỏ quên một cách đáng trách như: quên nhắc tên, đọc tên sai, giảm bớt phần quà tài trợ, thậm chí thiếu cả lời cảm ơn....

Thực tế hiện nay không thiếu các sản phẩm hoàn toàn có thể tham gia quảng bá vào khu vực khách hàng là golfers, nhưng ngay cả ở mức tài trợ thấp nhất vẫn chưa nhận được sự quan tâm bởi BTC giải không chứng minh được quyền lợi truyền thông cho nhà tài trợ một cách đúng mực nhất và tệ hại hơn cả có thể làm ảnh hưởng xấu hình ảnh thương hiệu trong một số trường hợp do sự cẩu thả của những nhà tổ chức giải.

Giải golf và tài trợ

HÃY LÀ CẶP ĐÔI HOÀN HẢO

Phải nói rằng trong các hoạt động cộng đồng golf, hình thức giao lưu theo mô hình tổ chức giải golf luôn hấp dẫn người chơi. Trừ một số giải golf tổ chức không định kỳ, đã xuất hiện những giải golf uy tín có kế hoạch lâu dài, tổ chức thường niên. Song để thoát cảnh “ăn đong” tài trợ mỗi khi mùa giải đến, những nhà tổ chức giải và các bên tài trợ cần bàn bạc chi tiết để khai thác tối đa lợi thế truyền thông, tránh lãng phí cơ hội quảng bá hình ảnh. Nếu muốn giải golf và nhà tài trợ mãi đồng hành như một “cặp đôi hoàn hảo” chắc chắn không thể thiếu vai trò truyền thông. Bên cạnh các bài báo, banner, tờ rơi theo phương cách truyền thống, có thể truyền tải hình ảnh theo cách mới trên mạng xã hội. Các kênh thể thao của đài truyền hình đưa tin tức, phát trực tiếp (livestream) trên mạng Facebook đang là lựa chọn rất hiệu quả cho việc lan toả hình ảnh của giải đấu golf hiện nay.

Mặt khác, cũng nên nhớ rằng đối với các giải nghiệp dư BTC nên hạn chế tài trợ có giá trị cao cho chức vô địch hay các giải nhất nhì ba ở các bảng. Cần coi việc người chơi Amateur tìm kiếm những giải này để chứng minh khả năng chơi golf hơn là đi “săn” giá trị giải thưởng. Nên khuyến khích tài trợ tập trung vào các giải kỹ thuật và đặc biệt là HIO cũng như các giải lucky draw bởi vì nó tạo ra cơ hội cho tất cả mọi người, đặc biệt là giúp những người chơi trung bình cũng luôn tìm thấy niềm vui và cơ hội. Chính sự hấp dẫn này sẽ lôi kéo người chơi đến với giải đông vui hơn, tạo hiệu quả quảng bá cao hơn cho nhà tài trợ.

Về phía các nhà tổ chức giải cũng cần sáng tạo thêm nhiều hình thức mà có thể lưu giữ dấu ấn kéo dài cho các nhãn (label) tài trợ để tăng tính bền vững và ưu đãi cho đối tác đồng hành như in logo của nhà tài trợ lên áo T-shirt, mũ, ô, vật lưu niệm, túi đựng đồ...

Nếu các bên thực sự siết chặt mối tương tác đầy hiệu quả như gợi ý trên, chắc chắn mong muốn về một giải đấu chuyên nghiệp và hấp dẫn hơn hoàn toàn có cơ sở. Chỉ khi thiết lập được mô hình mà ở đó mọi người đều tìm thấy quyền lợi đích thực cho phía mình, lúc đó trách nhiệm và nhiệt thành sẽ xuất hiện không e ngại.

Trên con đường hình thành nên một công nghiệp golf ở Việt Nam, bên cạnh các thành tố “phần cứng” như sân golf, sân tập, cơ sở đào tạo... thì hệ thống các giải phong trào ở mọi cấp độ nên được coi là “phần mềm” thúc đẩy quá trình phát triển, nó là động lực tạo nên sức lan toả, làm gia tăng số lượng người chơi. Như vậy, vai trò của các giải golf phong trào là rất lớn.

Sức sống của giải golf hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ quan tâm của các đối tác tài trợ, cho nên ở các cuộc luận bàn về chuyện Việt Nam có giải golf chuyên nghiệp trong tương lai thiết nghĩ yếu tố tài trợ, sức mạnh truyền thông phải được đặt lên hàng đầu. Nhìn sang các nước xung quanh sở dĩ môn golf của họ phát triển tốt nhờ có vai trò to lớn của nhà tài trợ. Câu chuyện của Thái Lan với nhà tài trợ SINGHA luôn là ví dụ điển hình cần học hỏi ở cấp độ quốc gia.

0 lượt thích2095 lượt xem

Tin bài khác