Chuyển tới nội dung

Nhà giàu Nga thời khủng hoảng

Mặc cho phần lớn dân số Nga đang phải tiết kiệm từng đồng, sự suy giảm của đồng rúp lại là cơ hội để nhà giàu Nga mạnh tay chi cho những món đồ đắt tiền. Mặc cho những cửa hàng thi nhau đóng cửa do làm ăn thua lỗ, các nhãn hiệu xa xỉ vẫn cứ đạt được những doanh thu khiến người ta phải ngỡ ngàng…

Nhà giàu Nga thời khủng hoảng

Nhà giàu Nga mạnh tay mua sắm hàng xa xỉ

Nếu như các năm trước, thị trường hàng hiệu ở Anh, Pháp chứng kiến những cuộc chi mạnh tay mua sắm hàng hiệu từ giới tài phiệt Nga qua các chuyến du lịch. Thì năm 2015, có một thực tế ngược lại, người Nga chi tiền mua hàng hiệu ở nước ngoài giảm trông thấy. Nhưng doanh số của các nhãn hiệu xa xỉ kinh doanh tại Nga lại tăng chóng mặt. Trung tâm phân tích Mintel, London mới đây khẳng định, hàng xa xỉ được người Nga ưa chuộng nhất. Năm qua, nhóm hàng này đã thu được 10 tỷ bảng doanh thu trong đó, 10% khoảng 1 tỷ bảng là số tiền mà người Nga chi cho việc mua sắm hàng xa xỉ tại London.

Vậy tại sao lại có cuộc đảo chiều này? Hẳn nhiên, không phải khủng hoảng mà người Nga ngừng mua sắm hàng hiệu. Nguyên nhân của hiện tượng này chính là đồng rúp mất giá. Điều đó cũng có nghĩa, việc mua sắm hàng hiệu tại Nga sẽ giúp cho người Nga tiết kiệm tới 30-40% so với mua sắm ở nước ngoài. Tờ The Time từng phân tích, khoảng thời gian đồng rúp suy thoái, số tiền người Nga chi cho hàng hiệu tại Anh giảm 27% nhưng con số này lại được họ mua sắm ở trong nước. Tờ báo này cũng khẳng định, đồng rúp có vấn đề cũng không hề gì với các tín đồ thời trang.

Nhà giàu Nga thời khủng hoảng 2

Thực tế trên mới đây một lần nữa được phản ánh trên tờ Bloomberg. Bloomberg đã dẫn một ví dụ khá thú vị về một tay chơi hàng xa xỉ trẻ tuổi tại Nga, Yaroslav Gafurov. Yaroslav Gafurov cho biết, đồng rúp mất giá là thời điểm hoàn hảo để bổ sung thêm những món đồ mà anh ta thích, nghĩa là ô tô hạng sang và đồng hồ đắt tiền. Theo tiết lộ của Yaroslav Gafurov trên tờ Bloomberg thì anh ta đã chi cả núi đồng rúp (quy đổi ra khoảng 1 triệu USD) để sắm một chiếc Rolls Royce trị giá khoảng 250.000 USD, một cặp Bentley (một chiếc đang ở giai đoạn đặt hàng), một chiếc Mercedes và một BMW. Ngoài chừng này chiếc xe, Yaroslav Gafurov còn chi khoảng 70.000 euro để sở hữu những chiếc đồng hồ cao cấp. Yaroslav Gafurov cũng khẳng định thêm rằng, anh đã tậu được dàn xe với giá thấp hơn nhiều so với số tiền phải thanh toán ở châu Âu. Trong khi đó, ông Vladimir Kholyaznikov – Giám đốc Bán lẻ thời trang online KupiVIP cho biết thêm khi người ta mua USD ở tý giá cao hoặc mua món hàng sang trọng với tỷ giá hối đoái thấp hơn, họ xem đó là một cơ hội mua bán tốt.

Nhà giàu Nga thời khủng hoảng 3

Và cơ hội của các nhãn hàng

Bất chấp các nhà hàng thi nhau đóng cửa, các cây ATM thường xuyên hết sạch tiền, phần lớn người dân Nga ra sức tiết kiệm. Thì dường như, kinh doanh hàng hiệu lại có một năm làm ăn đáng ngạc nhiên tại Nga. Yaroslav Gafurov có thể chỉ là một điển hình. Nhưng báo cáo của công ty nghiên cứu Romir mới đây cho thấy đây là một hiện tượng tại Nga. Theo báo cáo này thì kết quả kinh doanh của các nhãn hàng xa xỉ tại Nga năm 2015 rất khả quan, ngay cả khi doanh số bán lẻ giảm 10%. Còn các nhãn hiệu xa xỉ đồng loạt có một cái nhìn lạc quan trước xu thế này và dự đoán nó vẫn tiếp tục trong năm 2016. Prada cho biết doanh số ở Nga năm 2015 tăng đáng kể. Jimmy Choo cuối năm 2015 đã mở các cửa hiệu mới tại GUM, Moscow trong khi Hermes tăng gấp đôi không gian bán hàng tại đây. Michael Kors mới đây đã mở thêm 4 cửa hiệu ở Moscow. Cũng theo ông Denis Bogatyrev, Giám đốc Điều hành Tập đoàn BNS thì những chiếc túi và những đôi giày đắt tiền của những nhãn hiệu nổi tiếng vẫn là những món hàng bán chạy giữa cuộc khủng hoảng còn những nhãn hiệu ít tên tuổi không thu hút khách.

Nhà giàu Nga thời khủng hoảng 4

Đó là nhóm hàng thời trang, còn các mặt hàng có giá trị bằng cả gia tài như xe hơi sang trọng hay đồng hồ cao cấp thì cũng chẳng kém cạnh. Nga từ lâu vẫn cứ là thị trường đầy tiềm năng của họ. Và đồng rúp mất giá lại càng là cơ hội hốt bạc của những nhãn hiệu này. Rolls Royce xác định Nga sẽ là thị trường tiêu thụ Rolls Royce mạnh nhất ở lục địa già. Trong khi đó Bentley thừa nhận họ đặt rất nhiều kì vọng vào Nga và thị trường này sẽ là một trong những thị trường chính của loại xe thể thao mới của Bentley năm 2016.

Đồng rúp mất giá chỉ còn 1 nửa trong vòng hai năm qua quả thật đã thu hẹp đối tượng mua sắm hàng hiệu nhưng cũng đồng nghĩa, khách hàng mua lại là những đối tượng rất “chất”, cực giàu và họ vẫn coi mua sắm hàng hiệu là ưu tiên hàng đầu và đây là cơ hội để tích lũy sự giàu sang, lưu giữ được giá trị. Và quan trọng hơn cả, với nhà giàu Nga thì mua sắm hàng xa xỉ, từ lâu đã là một lối sống.

0 lượt thích333 lượt xem

Tin bài khác