Chuyển tới nội dung

Xì gà - thú giải trí đầy đam mê

Thế giới không có nhiều những thú chơi mà lịch sử của nó gắn liền với những cái tên quyền lực như xì gà. Thế giới cũng rất hiếm những thú chơi như xì gà với những câu chuyện đẹp tựa như giai thoại…

Untitled

Từ những câu chuyện đẹp tựa giai thoại

Khó ai có thể nói chính xác xì gà ra đời từ năm nào bởi khi khai quật ở Guatemala người ta đã tìm thấy chiếc bình gốm cho thấy người Maya đã từng hút một loại lá. Người ta chỉ biết rằng, nguồn gốc của xì gà bắt đầu từ Nam Mỹ và được nhà thám hiểm Colombus khám phá đầu tiên khi ông đặt chân lên châu Mỹ năm 1492. Lịch sử ghi lại rằng, khi dừng chân ở đảo Hispaniola, ba thủy thủ của Colombus là Rodrigo de Jerez, Hector Fuentes và Luis de Torres đã nhìn thấy thổ dân ở đây hút loại lá khô được cuốn thành ống… Ngay lập tức, nhà thám hiểm đưa nó về Tây Ban Nha. Cũng từ đây, xì gà bắt đầu len lỏi vào thế giới thượng lưu châu Âu và trở thành một trong những thú chơi đầy tước vị.

Untitled

Lịch sử đã ghi lại rất nhiều câu chuyện đẹp tựa giai thoại liên quan đến xì gà. Chuyện kể rằng, vua Edward VII vốn mê mệt những điếu xì gà nhưng nữ hoàng Victoria, mẹ ông lại không thích sở thích này của con trai. Thế nên, vua Edward VII đã không dám trái lời và chỉ đến khi bà mất, vào một bữa tiệc, vua Edward VII đã nói với các vị khách của mình: “Này, các quý ông, các ông đã có thể hút!”. Lịch sử cũng ghi lại một câu chuyện nữa hấp dẫn không kém. Đấy là năm 1559 khi Jean Nicot, đại sứ Pháp tại Bồ Đào Nha đàm phán việc kết hôn giữa công chúa Marguerite de Valois (6 tuổi) với vua Bồ Đào Nha, Sebastian (5 tuổi). Khi về Pháp, vị đại sứ này đã mang theo “đặc sản” xì gà giới thiệu với giới danh gia vọng tộc Pháp. Nữ hoàng Catherine de Medici thích nó ngay lập tức. Đức cha xứ Malta sau đó còn đem nó giới thiệu với các thầy tu của ông. Giới thượng lưu Pháp biết đến xì gà từ đây. Cái tên nicotine, chất gây nghiện trong thuốc lá ra đời cũng chính từ tên vị đại sứ Pháp Jean Nicot.

Untitled

Nhắc đến những câu chuyện liên quan đến xì gà mà không nhắc đến câu chuyện cựu tổng thống Mỹ Kennedy thì quả là một thiếu sót. Chuyện kể rằng, năm 1962 khi cuộc khủng hoảng “Vịnh con lợn” lên tới đỉnh điểm, cựu tổng thống Kennedy đã gọi thư kí báo chí của mình là ông Pierre Salinger tới văn phòng và nói “Tôi cần rất nhiều xì gà”cùng yêu cầu phải có cỡ 1.000 điếu vào sáng hôm sau. Và sáng hôm sau, khi người thư kí báo chí mang đến cho Kennedy 1.200 điếu Petit Upmann, vị tổng thống này ngay sau đó đã kéo mở ngăn kéo bàn và kí bản sắc lệnh cấm toàn bộ các hoạt động thương mại của Cuba bao gồm cả buôn bán xì gà. Câu chuyện thú vị này mãi đến năm 1992 mới được vị thư kí báo chí kia tiết lộ với tờ Cigar Aficiando.

Và nếu ai đó có tham vọng liệt kê những cái tên đã làm nên lịch sử đáng mơ ước của xì gà thì chắc sẽ phải rất rất kiên trì bởi danh sách đó sẽ kéo dài đến hết ngày này đến tháng khác. Nhưng chắc chắc, việc làm này sẽ rất thú vị bởi đó toàn là những cái tên quyền lực như Che Guevara, Fiel Castro, Winston Churchill, Bill Clinton, Nicolas Sarkozy… hay Mark Twain với câu nói đã trở thành khẩu hiệu của xì gà: “Nếu thiên đường mà không được hút xì gà thì tôi sẽ không lên đó” hay nhà soạn nhạc Frank Liszt từng thốt lên: “Một điếu xì gà Cuba ngon đóng lại cánh cửa tới những điều thô bỉ của thế giới”…

Untitled

Và thú chơi đầy những công phu

Nói thưởng thức xì gà cũng đầy công phu kể cũng không ngoa. Bởi ngoài việc có được một điếu xì gà ngon như Gurkha Black Dragon (mà chỉ có thể mua được ở một vài cửa hàng trên toàn thế giới) hay Cohiba Behike rồi Arturo Fuente Opus X “A”, việc biết và sành thưởng thức nó cũng kỳ công không kém.

Chọn xì gà đúng kiểu mình thích đã đành, bảo quản nó, cắt rồi châm lửa cũng đòi hỏi người chơi phải kĩ càng từng chút. Cũng giống như rượu vang, xì gà cầu kì trong từng khâu bảo quản. Bởi lẽ, độ ẩm và nhiệt độ bảo quản quyết định đến hương vị của từng điếu xì gà. Ở độ ẩm lý tưởng 68-74% và nhiệt độ 17.8 độ C, điếu xì gà sẽ cháy đều, cho hương vị chuẩn nhưng nếu, khô hoặc ẩm, coi như hương vị của điếu xì gà đó đã mất đi đôi phần, thậm chí còn gây cảm giác khó chịu. Nếu những thùng gỗ sồi tạo nên những hương vị thượng hạng cho vang thì những chiếc hộp ốp gỗ tuyết tùng Tây Ban Nha, gỗ tuyết tùng đỏ của Mỹ hoặc Canada hoặc gỗ hồng Honduras lại được ví như lớp áo bảo vệ hương vị của những điếu xì gà. Thế thôi chưa đủ, sự cầu kì còn thể hiện ở chỗ, trên từng chiếc hộp còn có cả bộ phận cung cấp nước làm ẩm, điều tiết độ ẩm.

Untitled

Tiếp đó, là khâu cắt xì gà. Nhìn tưởng đơn giản thế thôi, nhưng cắt xì gà cũng cần phải học. Một khi cắt không chuẩn, cũng đồng nghĩa, điếu xì gà đó sẽ cháy không đều, từ đó mà ảnh hưởng đến hương vị bạn sẽ thưởng thức. Và cuối cùng, châm lửa để hút xì gà cũng cầu kì chẳng kém, không phải cứ lửa là có thể châm đốt xì gà, nó bắt buộc phải là bật lửa sử dụng khí butane hoặc diêm cán dài nếu không muốn làm mất đi hương vị của điếu xì gà. Cũng như trước khi châm, thường thì người ta phải làm động tác “khởi động” sấy chút cho khô trước khi châm và xoay đều điếu xì gà…

0 lượt thích

Tin bài khác