Chuyển tới nội dung

Tương lai nào cho golf sau covid?

Thế giới sẽ không còn như trước sau khi đại dịch đi qua, vậy những thay đổi nào có thể sẽ xảy ra trong lĩnh vực golf?

By Yen Vu  

Theo nhiều chuyên gianhận định: thế giới hậu đại dịchsẽ"bớt cởi mở, kém thịnh vượng và ít tự do hơn". 

Thoạt nghe thì dường như những nhận định trên sẽ không mấy ảnh hưởng đối với môn thể thao golf vốn chỉ gắn với thiên nhiên, môi trường và sở thích của từng cá nhân độc lập.

Vậy nhưng, nếu xem xét kỹ thì những con virus nhỏ bé này cũng đã, đang và sẽ thay đổi phần nào nền công nghiệp golf và bản thân môn chơi.  

 

Covid và  nền công nghiệp golf

Ở thời điểm cuối năm 2019, golf ở Việt Nam đang lên như diều gặp gió. Khắp nơi hừng hực khí thế golf. Các trung tâm dạy golf liên tục có người đăng ký, các sân tập lớn nhỏ hầu như không có chỗ trống, các sân golf thì khó tìm được slot kể cả ngày thường và đặc biệt là cuối tuần. Mặc dù số lượng sân golf đã tăng rất nhanh từ 35-40 sân (năm 2015) đến hơn 60 sân (2020) nhưng dường như vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu người chơi, các băng chuyền hành lý ở các sân bay lúc nào cũng đầy các túi golf của các khách golf trong và  ngoài nước đến từ nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á, Úc, châu Âu. Chính vì vậy, hàng loạt các dự án golf đang tiếp tục được triển khai và xin giấy phép. Hầu như tỉnh nào cũng có từ 1,2 đến 4-5 dự án sân golf. Theo kế hoạch đến năm 2025, cả Việt Nam sẽ có khoảng 100 sân.

Và rồi cơn bão Covid đã tới, kéo theo sự đóng băng trên các sân golf cả nước trong suốt quãng thời gian gần 2 tháng. Không tính đến các chi phí bảo dưỡng, nhân viên, quản lý và vận hành sân trong thời gian đóng cửa, cũng như thất thu hoàn toàn trong thời gian đó mà hậu quả sau “bão” mới là bài toán hóc búa đối với toàn ngành công nghiệp.

Yếu tố nguồn khách

Nhân tố “ít cởi mở” sau đại dịch chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn khách. Nếu như trước đây, các sân golf Việt Nam lệ thuộc rất nhiều vào nguồn khách đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và châu Âu thì giờ đây nguồn khách đó đã bị hạn chế đáng kể do bức tường lạnh lùng dựng lên bởi mỗi quốc gia về hàng không, xuất nhập cảnh, kiểm dịch... Hơn thế nữa, hầu hết “ví tiền” người dân trên thế giới bị ảnh hưởng, tâm lý lo lắng sẽ hạn chế họ di chuyển và tiêu tiền.

Nguồn khách trong nước cũng bị ảnh hưởng bởi số lượng golf thủ từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất lớn, mà họ cũng chính là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất bởi covid. 

Như vậy, nguồn khách chơi golf giảm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của các sân golf, các hãng bán hàng golf, các trung tâm dạy golf,… khiến thị trường golf “kém thịnh vượng” hơn trong thời gian trước mắt.

Tuy nhiên, may mắn là môn thể thao golf là niềm đam mê lớn với tất cả các người chơi, họ khó có thể “nhịn” hoặc giảm chơi một thời gian dài. Nếu các sân golf trên cả nước có một chính sách giá tốt, gói khuyến mại hấp dẫn đồng thời tăng cường quảng cáo, truyền thông rộng rãi thì sớm muộn sẽ kéo được họ dần dần quay trở lại. Có thể 3 hay 4 sân golf liên kết bán gói golf theo tuần hay tháng, giúp golf thủ có thể chơi trên nhiều sân với mức giá hấp dẫn, chắc chắn sẽ thu hút được người chơi.   

Thị trường quốc tế cũng sẽ dần phục hồi sau khi hàng không được nối lại, các sân golf liên kết với resort, khách sạn xây dựng các gói, kỳ nghỉ golf hấp dẫn kết hợp với việc quảng bá điểm đến liên tục tại thị trường trọng yếu để kích thích niềm đam mê khám phá của các golf thủ.     

Bài toán vận hành, quản lý nhân sự

Giống như các ngành khác, bài toán nhân sự trong và sau covid luôn là vấn đề đau đầu nhất. Làm thế nào để giải quyết thu nhập cho hàng ngàn caddie, nhân viên vận hành, bảo dưỡng,… nếu tình hình phong tỏa vẫn kéo dài, hoặc nếu bỏ phong tỏa nhưng số lượng người chơi giảm sút đáng kể? Làm thế nào để đối phó với hiện tại và tương lai nếu tiếp tục xảy ra các đe dọa tương tự? Công nghiệp golf ở các nước khác không sử dụng caddie chắc chắn sẽ dễ dàng hơn nhiều so với Việt Nam hoặc các nước Đông Nam Á.

Có nên chăng chúng ta bắt đầu nghĩ đến phương án chơi golf không bắt buộc dùng caddie như các nước phương Tây hoặc 1 caddie cho 4 người như ở Hàn Quốc, Nhật Bản…? Bên cạnh đó, các sân golf cần tính đến bài toán nhân sự “core”, ít nhưng đa năng: ví dụ vừa có thể làm caddie, lại vừa hiểu biết một số lĩnh vực khác như bảo dưỡng, vận hành. Khi khủng hoảng xảy ra thì chỉ cần giữ đội ngũ core này, còn các nhân sự khác ký theo hợp đồng ngắn hạn.  

Các chủ đầu tư sân golf mới cũng cần tính đến yếu tố khủng hoảng trong việc thiết kế clubhouse, vệ sinh locker,… để tránh tối thiểu việc tiếp xúc đông người.

Thực tế, sân golf với cảnh quan rộng, thoáng đãng là nơi khó lây nhiễm dịch bệnh hơn nhiều so với các ngành nghề khác. Một kiến nghị lên chính phủ hạn chế phong tỏa ở những đơn vị đặc thù như sân golf trong tình trạng khẩn cấp cũng là một cách giúp cho ngành này tồn tại.

 

Ảnh hưởng đến người chơi     

Để môn chơi có thể tiếp cận với nhiều người, ngoài việc nới lỏng một số qui tắc và luật golf, tới đây có thể sẽ có một số thay đổi “hậu covid” liên quan đến khán giả, trang phục, bắt tay, giao tiếp,… trên sân golf chăng?    

Thực tế chắc chắn là cơ hội cho các đơn vị sản xuất cung cấp các thiết bị tập golf tại nhà, golf màn hình, các đồ dùng, trang phục, sản phẩm mang tính sát khuẩn, khẩu trang đa năng, vệ sinh cá nhân… sẽ có cơ hội phát triển.

Thế giới đang thay đổi chóng mặt cùng covid, cuộc sống của con người trên trái đất mà golfer không phải ngoại lệ sẽ bước vào một giai đoạn hoàn toàn khác so với trước đây.

Dù tương lai không thể đoán định, nhưng chúng ta có thể chắc chắn một điều rằng, niềm đam mê của các golf thủ không bao giờ cạn, những khoảnh khắc hòa với thiên nhiên trên sân golf là quí giá và mang lại giá trị sống đích thực cho mỗi golfer, không một con virus nào có thể ngăn cản tình yêu golf của chúng ta.

0 lượt thích

Tin bài khác