Chuyển tới nội dung

Nguyễn Thị Thu Hà: “Golf giúp tôi đi lên từ hai bàn tay trắng”

Với các học viên golf ở Hà Nội, cái tên Nguyễn Thị Thu Hà đã không còn xa lạ bởi chị có lẽ là HLV có đông người học nhất với một học viện luôn kín lịch vì “tiếng lành đồn xa”. Thế nhưng, ít ai biết rằng người phụ nữ tài năng ấy đã đến với golf từ con số 0 tròn chĩnh bằng chính nghị lực và sự say mê công việc.

Làm caddie vì thi trượt đại học

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, năm 18 tuổi, khi thi không đỗ vào đại học, chị Thu Hà ban đầu chỉ định tìm một công việc làm thêm để năm sau thi lại. Tình cờ, chị thấy thông báo tuyển dụng caddie của sân golf Đồng Mô và với sức khỏe cùng sự nhanh nhẹn, ham học hỏi, chị trúng tuyển để từ đây cuộc đời bước sang một trang mới.  

Cuộc đời chị Nguyễn Thị Thu Hà bước sang trang mới nhờ golf
Cuộc đời chị Nguyễn Thị Thu Hà bước sang trang mới nhờ golf

Chị có thể chia sẻ lý do chị đến với công việc đặc thù này?

Có thể nói tôi đến với nghề rất tình cờ, khi đó vì thi trượt đại học nên tôi về quê chơi và biết được sân golf ở Sơn Tây đang tuyển dụng vị trí caddie. Đúng lúc tôi cũng muốn tìm một công việc để có thêm thu nhập cho năm sau thi lại nhưng không ngờ vì quyết định đó mà mình gắn bó cả đời với golf như bây giờ (cười). Có lẽ cũng phải cảm ơn vì nhìn tôi trông khỏe mạnh và nhanh nhẹn nên tôi được nhận ngay sau khi phỏng vấn.  

Hồi đó, caddie là một nghề rất mới nên không ai nghĩ công việc này lại vất vả với phụ nữ. Chỉ biết là khi được vào sân, nhìn thấy khung cảnh sân golf đẹp tuyệt và xanh mướt là mình bị mê rồi. Bản thân tôi luôn tự nhủ không có việc gì là “việc nhẹ lương cao” nên nếu nói rằng nghề caddie phải dầm mưa dãi nắng thì đó chỉ là những khó khăn nhìn được bằng mắt thôi, còn có rất nhiều những công việc khác cũng rất thách thức mà chúng ta không nhìn thấy được.

Cảm giác của chị khi lần đầu tiên đến với golf? Chị có thấy mình sẽ hợp với nghề không?

Ms Hà sở hữu những cú swing đẹp và hết sức tự nhiên

Với tôi, được làm việc đã là niềm vui, còn khi đó vì còn quá trẻ nên tôi chỉ nghĩ rất đơn giản là đã làm việc thì cần cống hiến hết mình. Công việc caddie lại là nghề phục vụ, “làm dâu trăm họ”, nên cũng có những đòi hỏi khá cao về khả năng làm việc, khả năng giao tiếp, ngôn ngữ, luật golf trong ít nhất là 3 tháng. Có thể nghe nói thôi nhiều người sẽ ngại nhưng riêng tôi lại cảm thấy rất thích và hào hứng. Ngay cả những hành động nhỏ trên sân như không được bước qua khi thấy rác tôi cũng thấy rất ý nghĩa và tôi luôn làm điều này vui vẻ và tự nguyện. Trong nhiều năm qua, tôi luôn tâm niệm làm gì cũng nên chú tâm từ những điều nhỏ nhất, kể cả thói quen nhặt rác.  

Tôi từng nghĩ mình sẽ khó làm được tốt nghề dịch vụ vì bản thân không phải là một người phụ nữ có nhan sắc, mà đối với nghề này hình thức rất quan trọng. Nhưng bù lại, tôi đã biết biến hạn chế đó của mình bằng sự chân thành và đam mê công việc, khi đó những người được “phục vụ” cũng sẽ cảm nhận được tâm huyết của mình.

Ngay cả vấn đề ngoại ngữ, ngày đó tôi cũng không phải là người biết nhiều nên tự bản thân tôi luôn tự nhủ mình càng phải nỗ lực để nâng cao nghiệp vụ. Hàng ngày, trong balo đi làm của tôi lúc nào cũng có 2 cuốn từ điển rất nặng là Anh – Việt và Việt Anh, để mỗi khi khách nói gì không hiểu tôi sẽ tra từ điển và trả lời lại cho khách.

Sau 14 năm gắn bó với nghề caddie chị thấy mình nhận được những gì?

Ms Thu Hà từng là gương mặt cho đề cử giải cống hiến của VGA Awards

Với tôi, đó là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa khi được cống hiến tuổi trẻ và nhiệt huyết với nghề. 14 năm hăng say làm việc tôi đã ngộ ra rất nhiều điều, có những việc tưởng như mình nghĩ sẽ không hợp nhưng cuối cùng lại rất phù hợp như việc tôi đã gắn bó với nghề dịch vụ này. Tôi vẫn thường nói với các bạn caddie rằng “Chị không đánh giá cao năng lực làm việc bằng nỗ lực và thái độ với công việc” để khuyến khích những nghị lực đam mê thẳm sâu trong con người các em. Và cho đến nay, tôi luôn tự hào mình đã đi đúng hướng, đúng cách và đúng con đường mình đã chọn.

Chị có thể chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ nhất trong nghề caddie của mình?

Nói thật khó để chọn bởi tôi đã có hàng trăm hàng nghìn kỷ niệm đối với công việc mà mình vô cùng đam mê này. Nhưng có lẽ có một câu chuyện mà tôi rất muốn chia sẻ tới các bạn caddie để hiểu thêm về ý nghĩa và tự hào về công việc mình đang làm đó là lần tôi làm caddie cho một vị khách nữ. Khi vị khách đó đang chuẩn bị gạt bóng ở hố số 13 sân Mountain View thì có một cuộc điện thoại, Vị khách nữ đó vô tình nhìn xuống chân thấy dây giày của mình bị tuột và có nhờ tôi giúp buộc lại. 

Câu chuyện chỉ đơn giản như vậy cho đến khi chúng tôi sang fairway tiếp theo, có một chị caddie đã lại gần và nói với tôi rằng có nhất thiết phải để làm vậy không vì mình làm caddie chứ đâu phải làm người hầu? Lúc đó, tôi đã không tranh luận thêm và trong đầu chỉ nghĩ đơn giản là mình đang làm nghề dịch vụ nên việc mình giúp khách buộc lại dây giày không có gì là xấu hay ảnh hưởng đến nhân cách đạo đức. Mình hãy cứ làm tốt nhất nhất những gì có thể, còn việc của người ngoài đánh giá hay nhìn nhận thế nào là việc của họ.  

Ms Hà luôn tâm niệm đã làm việc là sẽ làm hết mình.

Sau này khi có dịp lên sân gặp lại chị caddie năm xưa, chị ấy vẫn gắn bó với công việc đó, vẫn là một caddie bình thường sau bao năm, còn tôi đã có những bước phát triển xa với nghề. Tôi nghĩ rằng đôi khi mình phải biết cúi xuống thì mới có thể ngẩng đầu lên và khi mình cúi xuống đúng lúc không có gì là sai. Có thể nhiều người nghĩ đây là câu chuyện bình thường, nhưng với tôi nó lại chứa đựng rất nhiều bài học. Tôi không nói rằng mình giỏi, hay mình chỉ làm những việc cao sang bởi với tôi không có công việc nào được gọi là sang hay hèn, mọi công việc đều là vinh quang. Tôi mong rằng qua câu chuyện này những người caddie, những người làm trong ngành golf hãy làm tốt nhất công việc của mình. Bởi nghề caddie là một công việc đặc thù rất vinh quang và đáng tự hào.

Thông điệp chị muốn gửi gắm tới các bạn caddie và nhân viên ở sân golf?

Đừng bao giờ nghĩ rằng mình không thể bởi điều gì cũng có thể. Nhiều bạn hay viện cớ thời gian đi làm nhiều, khách đặt nhiều, áp lực công việc làm mình không có thời gian học tập nâng cấp bản thân. Tôi thấy điều này không đúng. Bản thân tôi ngày xưa khách book triền miên nhưng tôi vẫn tranh thủ tập luyện được. Với tôi, nếu đã thực sự mong muốn và quyết tâm, mình sẽ tìm ra cách.

Bước ngoặc cuộc đời với nghề HLV golf

Đối với một người đam mê và gắn bó hết mình cho công việc caddie như chị Hà thì việc chuyển sang một hướng mới sau 14 năm gắn bó với nghề thực sự là quyết định không dễ dàng. Vì chị thậm chí yêu cả việc nhặc rác trên sân và cho đến bây giờ, nếu cho chị lựa chọn có lẽ chị vẫn muốn được làm caddie vô cùng. Nghề caddie đã cho chị được đồng hành, chia sẻ và hỗ trợ golfer trong không gian đẹp mê hoặc của sân golf. Nhưng dường như mọi chuyện đến với chị đều là cơ duyên, và việc chuyển nghề sang làm HLV golf cũng vậy.

Tâm huyết với nghề như vậy tại sao chị lại không gắn bó đến cùng?

Thực ra, chính vì mong muốn được gắn bó trọn đời với sân golf mà tôi hiểu được rằng nếu mình làm caddie mãi sẽ cũng không phù hợp và phải làm sao để nâng cấp trình độ của mình lên. Công việc vẫn sẽ liên quan đến golf nhưng là ở một vị trí tốt hơn cho chính bản thân, cho gia đình và các thế hệ sau này. Với suy nghĩ như vậy, tôi đã quyết tâm trở thành một Caddie Master và Golf Operator để có thêm nhiều cơ hội được đánh golf, được trau dồi kiến thức, kỹ thuật chơi. Từ điều hành caddie của sân golf Đồng Mô, tôi tiếp tục ứng tuyển làm Caddie Master tại sân golf Đầm Vạc. Ở đây, tôi đã có nhiều cơ hội giao tiếp với các khách hàng khi được cử đi chơi golf cùng họ. Tôi cũng giúp đào tạo các bạn làm kinh doanh của sân để hiểu hơn nhu cầu của khách. Có những ngày tôi dậy từ 5h sáng, theo chân các nhân viên cắt cỏ của sân Đầm Vạc để tìm hiểu xem công việc của họ như thế nào, họ chăm sóc cỏ ra sao, khi nào họ cắt fairway, cắt rough, khi nào thì phun thuốc sâu hay làm gì để cỏ không bị chết giữa mùa đông lạnh. Qua những lần như vậy, tôi học và lĩnh hội được thêm rất nhiều điều mới để làm giàu thêm kinh nghiệm và hiểu biết về golf của mình.

Vậy sau khi đã trở thành một HLV golf, chị có nghĩ mình sẽ gắn bó lâu dài với sự nghiệp giảng dạy?

Tôi muốn được làm việc đến hơi thở cuối cùng

Tôi muốn được làm việc cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Tôi có một ước nguyện là mình sẽ truyền đạt lại tất cả những kinh nghiệm giảng dạy của mình hơn 10 năm qua cho các bạn trẻ quyết tâm gắn bó và phát triển sự nghiệp với nghề. Tất nhiên, tôi sẽ không nói hay như nhiều nơi đang quảng cáo về những chương trình đào tạo HLV ồ ạt. Bởi kinh nghiệm trong hơn 20 gắn bó với golf, tôi luôn hiểu để tạo ra một người chơi golf giỏi khó vô cùng, chưa nói đến việc đào tạo họ có kỹ năng sư phạm để giảng dạy golf.

Theo chị, để chơi golf tốt cần những tố chất gì? Và người HLV cần những kỹ năng gì?

Một golfer muốn chơi golf tốt cần phải bắt đầu đúng cách để không phí thời gian và để không tốn tiền vào việc phải học đi học lại. Yếu tố tiếp theo là sự chăm chỉ và chơi logic. Golf không phải là môn thể thao “làm bừa”, đừng nghĩ rằng chơi lâu sẽ thành “quen tay”, mà golf thực sự vô cùng logic. Có thể bạn vẫn nghe mọi người nói chơi golf là đẳng cấp, không phải vì golf là môn chơi nhiều tiền, mà đẳng cấp ở đây nên được hiểu là những người chơi golf đều là những người có đầu óc tư duy, có vị trí xã hội và sự hiểu biết về văn hóa.

Với nghề HLV golf, tôi luôn tự nhận mình không phải là người giỏi nhưng với kinh nghiệm cá nhân, nếu muốn trở thành thầy dạy golf bạn phải kiên trì, chịu khó học để hiểu được bản chất thực sự của cú swing. Khi bạn có thể diễn đạt một điều cực kỳ phức tạp theo cách đơn giản nhất khi đó bạn sẽ là một HLV giỏi. Ngoài ra, bạn cũng cần phải hiểu từng nhu cầu cụ thể của học viên để có lộ trình dạy phù hợp nhất.

Chị có thể chia sẻ về những thế hệ học trò của mình?

HLV Thu Hà và các golfer trẻ

Tôi từng dạy hàng trăm, hàng ngàn học viên nhưng có lẽ có 3 người mà tôi ấn tượng và linh cảm rất tốt vì chỉ cần gặp và nhìn các em là tôi đã nhận định được tương lai các em sẽ là những golfer xuất sắc. Đó là Nguyễn Nhất Long, Nguyễn Bảo Long và Lê Trúc An. Tôi thấy mình may mắn khi được hướng dẫn các em ngay từ những ngày đầu cho đến khi các em đã có những thành tích như ngày hôm nay. Còn có một học viên nữa mà tôi đào tạo là Nguyễn Anh Tuấn, hiện đang là HLV uy tín của 72+ Golf Academy.  

Chị đã chia sẻ và lan tỏa nhiều kiến thức golf hữu ích trên trang cá nhân, tại sao chị không PR cho học viện của mình?

Tôi nghĩ mỗi người sẽ có những cách thức làm của riêng mình. Giống như việc bạn giàu thì không cần phải đi giao giảng khắp nơi mình là người giàu có. Tôi tin vào câu nói “hữu xạ tự nhiên hương”, mình cứ làm tốt, cứ lan tỏa chia sẻ những kiến thức có ích cho cộng đồng thì người chơi, học viên sẽ tự tìm đến. Với tôi, để dạy được một người trở thành golfer giỏi là cả một quá trình vô cùng kỳ công về thời gian và tâm sức. Ở học viện của tôi, giáo trình golf đòi hỏi ít nhất 4 tháng và nếu học viên không thực sự cam kết mà chỉ muốn học nhanh “ăn xổi” thì tôi sẽ không đồng ý dạy. Trong khóa đào tạo đó nhất định phải có học về luật golf và văn hóa golf bởi tôi cho rằng đây là thời điểm thích hợp để đưa những vấn đề này vào giảng dạy.  

Vậy chị đánh giá như thế nào về phong trào golf nữ hiện nay?

Phụ nữ chơi golf có nhiều lợi thế
Phụ nữ chơi golf có nhiều lợi thế

Theo quan điểm của cá nhân tôi, golf châu Á và golf Việt Nam chỉ có thể cạnh tranh ở khía cạnh golf nữ mà thôi. Thực tế cho thấy các nhà vô địch golf nữ thế giới đều đến từ các nước như châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… nên Việt Nam chắc chắn sẽ có tên nếu chúng ta quyết tâm và đầu tư bài bản. Ở nước ta, vẫn bị hạn chế bởi quan điểm chơi golf sẽ làm phụ nữ xấu và đen, nhưng không phải vậy. Cá nhân tôi cũng chưa từng nghĩa mình xấu, dù có đen nhưng mình có nét duyên thầm (cười). Quan điểm sai lầm thứ hai là mọi người thường cho rằng phụ nữ thể lực kém và đánh yếu. Giống như tôi là một phụ nữ chỉ cao 1m53 nhưng tôi có thể đánh driver trung bình 230 yard. Thứ ba, nhiều người có thói quen nóng vội, muốn biết chơi sớm mà không hiểu rằng cần phải học bài bản từng bước để có kỹ thuật vững. Nếu có thể làm triệt để 3 điều này thì phòng trào golf nữ ở nước ta sẽ phát triển hơn nữa.

Theo chị, phụ nữ chơi golf sẽ có lợi thế gì?

Đầu tiên, đó là vấn đề về kinh phí chơi và luyện tập golf, hiện hầu hết sân golf đều có ngày “lady day” với giá ưu đãi giảm gần 70% so với ngày thường, vậy tại sao phụ nữ không tận dụng điều này để tập luyện. Tiếp theo, khi một người phụ nữ đẹp chơi golf giỏi, hiểu biết văn hóa và luật golf tốt sẽ có rất nhiều thương hiệu lựa chọn cô ấy làm hình ảnh đại diện.

Đằng sau thành công là một hậu phương vững chắc

Từ một caddie, sau thời gian nỗ lực để trở thành HLV golf rồi sau đó là mở riêng một học viên đào tạo golf mang tên mình, thật hiếm để tìm thấy một người phụ nữ nhiều đam mê và tâm huyết như chị. Đằng sau thành công ấy là những sự hỗ trợ, ủng hộ của hậu phương vững chắc là chồng và hai con gái. Nhắc đến ông xã, chị Hà không giấu được sự biết ơn: “Thực sự, tôi phải cảm ơn chồng rất nhiều bởi nếu không có anh ấy lo toan nhà cửa và chăm lo cho các con thì tôi không thể toàn tâm toàn ý cho niềm đam mê nghề golf của mình”. Với một người phụ nữ, để có được cả sự nghiệp và gia đình hạnh phúc đó thực sự là một điều may mắn. Chị Hà nhớ chính chồng đã nói với chị rằng: “Phải thực sự đam mê và tâm huyết như em thì mới có được thành công” nên chị luôn yên tâm khi gia đình nhỏ của mình có bàn tay chồng chăm sóc.

Hậu phương vững chắc của HLV Thu Hà

Một may mắn nữa là hai con gái của chị Hà đều chơi golf rất tốt. Cả Yến Vi và Kim Chi đều là những single handicap và đang là thành viên hạt nhân của đội tuyển golf trẻ của thành phố. Mặc dù, hai con chưa thực sự dành tâm huyết và đam mê vào golf nhiều như mẹ nhưng chị luôn tin các con sẽ có thể tiến xa với nghề nếu tập trung hết mình.

HLV Thu Hà và con gái

Nói về những sự định tương lai, chị Hà chia sẻ về ước mơ mở rộng thêm học viên trong 5 năm tới, khi chị tìm đủ nguồn nhân tài chất lượng để có thể xây dựng vững chắc thương hiệu của mình. Bởi chị luôn mong muốn mỗi học viên khi bỏ tiền ra học tại Ha Nguyen Golf Academy sẽ cảm thấy thực sự thỏa mãn với những gì họ nhận được. Với chị, thành công của “nghề giáo” không nằm ở sự giàu có mà là ở việc đào tạo ra thật nhiều trò giỏi. Chúc cho kế hoạch tương lai của chị sẽ sớm thành hiện thực!

********

THÔNG TIN THÊM

  • Tên đầy đủ: Nguyễn Thị Thu Hà
  • Vhandicap: 10000
  • Nghề nghiệp: HLV golf
  • Sân golf yêu thích nhất: Kings’ Island
  • Sở thích: 
  • Chơi golf và dạy golf
  • Nghe nhạc khi rảnh rỗi
  • Tìm tài liệu để đọc và suy nghĩ về cuộc đời
  • Điểm mạnh:  
  • Chơi đẹp và kỹ thuật rất tự nhiên
  • Điểm yếu:  
  • Luôn thiếu khát khao chiến thắng dù cuộc chơi có căng thẳng đến đâu

Quá trình đến với golf

Kinh nghiệm:

  • 1995: Bắt đầu làm caddie tại sân golf Đồng Mô
    2009-2010: Làm đào tạo nhân viên cho sân golf Đầm Vạc
    2010-2013: Quản lý và hướng dẫn golf cho sân tập FLC
    2013 đến nay: Làm HLV tự do và mở trung tâm huấn luyện golf tại sân tập golf Thanh Hà
    2011: Chứng chỉ trọng tài golf Level 1
    2015: Chứng chỉ HLV Golf Level 2 do Hiệp hội golf Việt Nam và Tổng cục Thể dục Thể thao cấp
  • Thành tích cá nhân:
    2014: Huy chương Đồng cá nhân và huy chương Bạc giải Đồng đội nữ tại Đại hội Thể dục Thể thao Toàn quốc.
    2018: Huy chương Bạc giải Đồng đội tại Đại hội Thể dục Thể thao Toàn quốc.
    Và nhiều chức vô địch nữ tại các giải phong trào trước năm 2014.

Câu nói yêu thích:
“Hà có sự chân thành. Mà điều này không nhiều người có được. Chân thành thì tiền hay bằng cấp cũng không mua được và nó có giá hơn bất kỳ điều gì khác.” - Đây là câu nói của một người học viên và cũng là phụ huynh của học viên mà chị Hà nhớ mãi.

  • Bí quyết thành công
    * Đam mê chính là động lực để vượt qua mọi trở ngại.
    * Luôn xác định mục tiêu và nỗ lực thực hiện đến cùng để đạt được
    * Phụ nữ Việt Nam không hề kém nam giới. Việc gì đàn ông làm được thì phụ nữ cũng sẽ làm được.
8 lượt thích6795 lượt xem

Tin bài khác