Chuyển tới nội dung

Nghề quản lý sân Golf: Thời của người Việt

Quản lý sân golf là một nghề không quá khó nhưng đầy tính đặc thù nghề nghiệp. Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu nhân lực hiện nay, liệu cánh cửa của nghề này đã thực sự mở cho nhân sự Việt?
Nghề quản lý sân Golf: Thời của người Việt

Giống như cách Việt Nam thường làm khi hội nhập những ngành kinh doanh mới mẻ, để có thể tiếp cận nhanh chóng, thông thường phương án chiêu mộ nhân lực người nước ngoài được sử dụng tối đa. Lĩnh vực kinh doanh golf ở nước ta cũng không nằm ngoài lối đi đó. Lấy mốc từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi một số sân tập và sân golf đầu tiên xuất hiện với mục đích kinh doanh thì hình ảnh “Mr. Tây” có mặt ở tất cả các công việc mang tính chuyên môn về golf như: Thiết kế và xây dựng sân golf, dạy golf, bảo dưỡng cỏ, quản lý điều hành và khai thác vv...

Sau vài chục năm phát triển, hiện nay toàn quốc đã có đến hơn 50 sân golf đi vào hoạt động và hàng loạt dự án mới tiếp tục được triển khai. Nhiều phần việc quan trọng đòi hỏi trình độ chuyên môn cao như thiết kế, dạy golf, kỹ thuật chăm sóc cỏ... vẫn đang do các chuyên gia nước ngoài đảm trách bởi họ được đào tạo chuyên nghiệp, đồng thời có kinh nghiệm từng làm việc ở các nước có nền công nghiệp golf phát triển. Tuy nhiên, riêng đối với lĩnh vực quản lý điều hành sân golf, có thể nói xu hướng lựa chọn người Việt đang được các chủ đầu tư tín nhiệm.

Riêng đối với lĩnh vực quản lý điều hành sân golf, có thể nói xu hướng lựa chọn người Việt đang được các chủ đầu tư tín nhiệm.

Thực tế cho thấy tỷ lệ các sân golf ở Việt Nam hiện nay có người nước ngoài đứng ở vị trí tổng quản lý đang giảm dần, chủ yếu thuộc về các sân khai thác khách du lịch và quan tâm đến việc quảng bá thương hiệu tầm quốc tế. Hầu hết các sân golf đang được nhân sự trong nước điều hành và khai thác khá tốt. Vậy đâu là những nhân tố ảnh hưởng đến sự dịch chuyển cơ cấu nhân lực ở lĩnh vực quản lý điều hành và khai thác sân golf ở Việt Nam trong những năm gần đây? Liệu cánh cửa của nghề này đã thực sự mở toang cho nhân sự Việt hay chưa?

ĐẲNG CẤP “MR. TÂY”

Xin được gọi như vậy một cách trìu mến dành cho những chuyên gia nước ngoài đang hoạt động tại các sân golf Việt Nam với vai trò tổng quản lý (GM). Một GM chịu trách nhiệm về mọi mặt bao gồm quản trị và khai thác hiệu quả các mảng kinh doanh dịch vụ của sân golf khi được chủ đầu tư tin tưởng giao phó. Sự hiểu biết chuyên môn và cách làm việc chuyên nghiệp là điều dễ cảm nhận đầu tiên khi người chơi bước vào một sân golf do “Mr. Tây” điều hành. Với kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn được đào tạo và có chứng chỉ nghề nghiệp, GM người nước ngoài thực sự ngoài việc đem đến cách làm việc bài bản còn giúp đào tạo ra hàng loạt những nhân sự người Việt biết nghề mới và nhiều người trong số đó đã rất thành công trong vai trò quản lý sau này. Một sân golf 18 hố có trị giá hàng chục triệu đô-la, bố trí rất nhiều trang thiết bị, nhà điều hành, cây cỏ, cảnh quan trên diện tích hàng trăm hecta với số lượng nhân viên tham gia điều hành và phục vụ lên đến khoảng vài trăm người nhằm đáp ứng nhu cầu chơi golf hàng ngày của hàng trăm golfer, nhóm người thường có nhiều quy định khắt khe về luật lệ và quy tắc ứng xử. Tính đặc thù đòi hỏi phải cung cấp cho người chơi chất lượng dịch vụ cao cấp và mức độ hài lòng tối đa buộc người tổng quản lý phải thực sự hiểu nghề, hiểu đặc trưng riêng của sân golf, nắm bắt được tập quán khách hàng và thấu tỏ các chính sách bảo hiểm, sắc thuế của nhà nước... mới có thể hoàn thành tốt công việc. Sự lược tả về đặc trưng cơ bản của ngành kinh doanh môn golf kể trên cho thấy rõ ràng vai trò của các chuyên gia nước ngoài trong suốt hàng thập kỷ khai thác và quản lý sân golf ở Việt Nam vừa qua đã có đóng góp to lớn, giúp cho thị trường kinh doanh sân golf non trẻ của chúng ta nhanh chóng hòa nhập với các chuẩn mực thế giới.

Cái được, cái hay của “Mr. Tây” về chuyên môn xem ra khỏi cần phải bàn cãi nữa. Tuy nhiên, kinh doanh không chỉ có màu hồng. Kèm theo đó là áp lực cạnh tranh về khách hàng, mong muốn tiết giảm chi phí, và đòi hỏi phải có sự am hiểu tập quán thị trường sâu sắc để có thể đưa ra các chính sách giá cả và cách thức phục vụ phù hợp với từng đối tượng khách hàng, điều mà hầu hết các chủ đầu tư rất quan tâm vì sân golf không chỉ là nơi tìm kiếm lợi nhuận mà những giá trị kết nối vô hình cũng quan trọng không kém.

Nhu cầu tối ưu hóa các nguồn lợi từ việc khai thác sân golf làm xuất hiện những hạn chế mà các nhà quản lý người nước ngoài khó vượt qua do bất đồng ngôn ngữ, mức độ am hiểu tập quán khách hàng, triết lý kinh doanh, mong muốn đối ngoại, thúc đẩy hình ảnh thương hiệu của mỗi chủ đầu tư rất khác biệt. Tính nghiêm khắc của các GM người nước ngoài trong việc thực thi các chuẩn mực về golf đôi khi khá cứng nhắc khiến cách thức giải quyết các vấn đề quan hệ khách hàng chưa sát với tập quán chơi golf còn nhiều hạn chế của người Việt. Những đòi hỏi từ thực tiễn đã tạo ra cơ hội cho nhân lực nội địa có điều kiện thay thế những chuyên gia ngoại quốc để đứng vào vị trí quản lý điều hành cao nhất của một sân golf.

CÁNH CỬA ĐÃ MỞ CHO NGƯỜI VIỆT

Sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng gần như phần lớn các nhà quản lý sân golf người Việt hiện nay không được đào tạo đúng nghề và chủ yếu trưởng thành từ công việc thực tế cùng với sự đào tạo dẫn dắt của các chuyên gia đi trước. Song, nhờ sự cần cù học hỏi, đam mê mà giờ đây có thể thấy rất nhiều sân golf được quản lý và khai thác hiệu quả nhờ đội ngũ nhân sự trong nước. Trưởng thành từ thực tiễn nên họ có khả năng tương tác và xử lý kịp thời trong mọi tình huống. Các GM Việt đang ngày càng khẳng định và làm chủ được công việc mà trước đây hoàn toàn thuộc về các chuyên gia ngoại quốc. Bằng kinh nghiệm chuyên môn tích lũy từ nhiều nguồn cộng thêm lợi thế ngôn ngữ và sự thấu hiểu tập quán, rõ ràng người Việt có thể xử lý công việc thuận lợi hơn rất nhiều. Tất nhiên, để có thể trở thành những nhà quản lý cao cấp trong tương lai thì các nhà quản lý người Việt vẫn cần phải cập nhật kiến thức thường xuyên thông qua các khóa đào tạo về chuyên môn. Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng đủ mọi lĩnh vực với thế giới, sân golf trở thành điểm giao lưu văn hóa du lịch của rất nhiều nền văn hóa khác nhau. Bên cạnh nhiệm vụ phải hoàn thành các chỉ số kinh doanh chính mà chủđầu tư đặt ra, người tổng quản lý còn phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng người chơi golf về việc thực hiện các chuẩn mực nghề golf, đảm bảo được thực thi đầy đủ và phù hợp thông lệ chung.

Lĩnh vực quản lý sân golf hay cả một tổ hợp bao gồm nhiều dịch vụ kèm theo chưa bao giờ là dễ dàng. Cung cấp dịch vụ cho đối tượng khách hàng ở phân khúc cao cấp, đặc biệt là môn chơi thể thao xa xỉ bao hàm nhiều luật lệ khắt khe là một mảng công việc khó đã được mở ra cho nhân lực người Việt tham gia là điều rất đáng mừng. Có thực sự người Việt chúng ta đã gánh vác tốt vai trò của người quản lý trong lĩnh vực này hay chưa còn phụ thuộc vào nhiều góc nhìn và thang đánh giá khác nhau. Nhìn vào hàng loạt các công việc chuyên môn trong ngành công nghiệp kinh doanh sân golf có thể “nội địa hóa” được hoàn toàn thì xem ra chỉ có nghề quản lý điều hành sân golf là chúng ta sẽ sớm thay thế được vai trò của các chuyên gia nước ngoài, khi cộng đồng người Việt quản lý sân golf đã có đủ thời gian trải nghiệm, thử sức và thành công nhất định. Sự tự tin và chủ động nghề nghiệp cho thấy tương lai tươi sáng của nghề này có cơ sở để phát triển sâu hơn nữa. Vạn sự khởi đầu nan, chúng tôi hy vọng các phân tích trên đây sẽ giúp những ai đang theo đuổi niềm đam mê nghề quản lý sân golf hãy mạnh dạn bước tiếp bởi “thời thế” đã chín muồi.

******

Có thể bạn chưa biết

→ Để trở thành một người quản lý điều hành sân golf, yêu cầu đầu tiên là phải có thể lực tốt, năng động và khả năng ngoại ngữ tốt. Nhân viên giám sát điều hành phải chịu trách nhiệm về thời gian golfer chơi trên sân đúng thời gian, điều hành khách xuất phát và kết thúc đúng giờ, giám sát công việc caddy phục vụ trên sân, đồng thời kiểm tra việc bảo trì sân cỏ. Khi gia nhập vào đội ngũ nhân sự của một sân golf, nhân sự quản lý điều hành sân golf sẽ phải trải qua một khoá huấn luyện ngắn ở sân golf để nắm luật chơi. Bạn phải học từng chi tiết rất nhỏ như ngắm đường bay của bóng, đoán cách thức chơi cũng như sở trường của người chơi để phục vụ một cách tốt nhất. Không chỉ có các luật chơi, các thuật ngữ bằng tiếng Anh về golf cũng là một "bảng cửu chương" buộc các bạn phải ghi nhớ.

→ Để trở thành một Giám đốc sân golf thành công, bạn phải có khả năng hiểu sự đa dạng văn hóa của các khách hàng và biết họ đến từ đâu để có thể mang đến môi trường thoải mái ở sân golf và trải nghiệm tốt nhất có thể. Không chỉ vậy, bạn còn cần phải là một chuyên gia về Hoạt động F&B (Thực phẩm & Đồ uống) và nhu cầu của các nhóm khác nhau, về Tài chính và Kế toán, Kinh doanh và Tiếp thị, Nhân sự và Quản trị, Bảo trì sân golf và, tất nhiên là cả Vận hành sân golf.

 

1 lượt thích5698 lượt xem

Tin bài khác