Chuyển tới nội dung

Hậu covid, vì sao giá chơi golf tăng?

Sau những ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, các sân golf dần trở lại và phục hồi những tổn thất kinh tế kéo dài trong những năm vừa qua. Cùng VietnamGOLF & Leisure tìm hiểu nguyên nhân và ảnh hưởng của việc đẩy giá sân golf sau mùa dịch.

Sau hơn 2 năm vật lộn với đại dịch Covid-19, Việt Nam chính thức thiết lập tình trạng bình thường đối với mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Hệ thống sân golf cũng trở lại, các giải đấu từ câu lạc bộ đến cấp quốc gia đồng loạt khởi tranh thúc đẩy phong trào golf phát triển mạnh mẽ, bù đắp cho giai đoạn ngưng trệ khá dài. Bên cạnh niềm vui được đến sân trong điều kiện bình thường, một vấn đề đáng bàn tới là chi phí chơi golf có xu hướng đồng loạt tăng giá, nhiều sân có mức tăng đột biến khiến golfer không khỏi phân vân vì tình hình thu nhập của mọi người đều bị giảm sút do ảnh hưởng của đại dịch. Nguyên nhân nào đã dẫn đến tình trạng đẩy giá của các sân golf sau mùa dịch? Và ảnh hưởng của giá cả sẽ tác động như thế nào đến thị trường kinh doanh golf cũng như sự phát triển của cộng đồng golf Việt Nam?

* Lý do 1: Vẫn còn quá ít các sân golf mới

Mặc dù trong vài năm gần đây số lượng sân golf đã gia tăng đáng kể tuy nhiên trên thực tế vẫn có rất ít sân golf mới đi vào hoạt động. Trong khi đó, chính nhờ giai đoạn nghỉ dịch, nhiều người bận rộn đã có thời gian để gia nhập môn golf, đồng thời cũng nhờ sự phát triển về hệ thống chơi golf trong nhà (3D) đã giúp cho golfer mới có cơ hội tập luyện golf dẫn đến số lượng golfer tăng trưởng đột biến. Như vậy khi các sân golf mở cửa trở lại thì không chỉ những golfer cũ mong muốn đến sân golf mà lực lượng golfer mới cũng khát khao được trải nghiệm thực tế trên tất cả các sân golf Việt Nam. Dường như nguồn Cung (golfer) đang vượt Cầu (sân golf), đó là nguyên nhân đầu tiên khiến cho giá chơi golf bị đẩy lên đồng loạt sau mùa dịch.

* Lý do thứ 2: Ảnh hưởng của đại dịch

Các sân golf đã phải chịu tổn thất tài chính nặng nề vì doanh thu và lợi nhuận sụt giảm đáng kể do thời gian đóng cửa sân kéo dài. Thêm vào đó công tác phòng ngừa và chống dịch cũng làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp rất nhiều. Ngoài ra mối lo lạm phát tăng cao cũng gây ra áp lực không hề nhỏ đối với các nhà điều hành và khai thác sân golf. Tất cả các yếu tố nêu trên góp phần dẫn đến quyết định buộc phải tăng giá chơi golf kèm theo các giải pháp tiếp thị và khuyến mại uyển chuyển để tối ưu hóa nguồn thu mặc dù việc điều chỉnh giá lên có thể làm giảm sút lượt khách đến sân.

*Lý do thứ 3: Các sân golf cũng nhận ra nhiều ưu nhược điểm của mình

Đó là, việc xác định vị trí cạnh tranh, tệp khách hàng, tập quán địa phương và khung giờ cao điểm, thấp điểm...trở nên rất quan trọng trong việc hoạch định chính sách giá cả. Có lẽ đây là lý do khiến cho một vài sân golf áp dụng mức giá rất cao so với giá trước mùa dịch nhằm khẳng định lại phân khúc khách hàng cao cấp của mình. Một số sân thì chọn phương án tăng đều các khung giờ, số sân khác chỉ muốn tăng giá các thời điểm quá đông khách để giãn lượt chơi, đồng thời tăng cường khuyến mại những khung giờ vắng khách. 

Tham khảo bảng giá công bố của các sân cũng như các đại lý thời gian gần đây dễ nhận thấy mặc dù hầu hết các bảng báo giá đều được "thiết kế" theo xu hướng tăng chung của thị trường nhưng sự hợp lý, tính logic và ý đồ dẫn dắt khách hàng được các nhà làm chính sách giá thể hiện rất khéo léo làm cho sự tăng giá không làm khó sự lựa chọn của khách hàng. Điều này khiến các sân golf vừa tăng được giá vừa phân loại được nhu cầu golfer để tối ưu hóa doanh thu và lợi nhuận.

* Lý do cuối cùng: Các sân golf được đầu tư quá lớn

Do các sân golf xây mới hiện nay ở Việt Nam có suất đầu tư lớn cho các hạng mục quan trọng như nhà CLB, chất lượng sân, cảnh quan, dịch vụ phụ trợ... không thua kém gì các sân golf hàng đầu trong khu vực châu Á nên giá cả chơi golf cũng cần tương xứng với mức đầu tư để giải quyết bài toán kinh doanh hiệu quả. Các sân golf thuộc thế hệ đầu tiên của Việt Nam không có điều kiện nâng cấp các hạng mục xây dựng hiện đại như các sân golf mới thì tập trung vào nâng cao dịch vụ và cải tạo tích cực chất lượng cỏ cũng như cảnh quan. Quan điểm "thơm ngon bổ rẻ" sẽ phải được thay bằng "đắt xắt ra miếng" cho nên trong tương lai giá chơi golf sẽ ngày càng tách biệt rõ rệt theo hướng "tiền nào của nấy".

Khép lại chủ đề tìm hiểu về tình hình giá chơi golf có xu hướng tăng sau mùa dịch với hy vọng trong nền kinh tế thị trường chúng ta hạn chế sử dụng khái niệm giá đắt hay rẻ mà thay vào đó hãy để cơ chế "Cung- Cầu" lên tiếng. Đông khách thì giá sẽ tăng mà vắng khách thì giá phải giảm. Cho nên một lần nữa nhìn lại hiện tượng giá chơi golf tăng sau mùa dịch không có gì là bất thường. Vì một nền golf Việt Nam phát triển bền vững và đi cùng xu thế của golf thế giới, chúng ta phải xem giá cả như một chỉ báo quan trọng nên nó phải được xây dựng và phản ánh đúng biến động nhu cầu của thị trường.

0 lượt thích

Tin bài khác