Chuyển tới nội dung

Golf không khán giả?

PGA Tour đã buộc phải cấm khán giả vào sân để đưa hệ thống giải đấu trở lại sau dịch Covid-19. Điều này sẽ ảnh hưởng như nào đến đấu trường golf?

1. THIỆT HẠI DOANH THU VÀ CHI PHÍ PHÁT SINH

Chi phí y tế

Khi không có sự góp mặt của khán giả, các giải đấu sẽ chỉ có người chơi, caddie, đội ngũ nhân viên vận hành giải và tình nguyện viên. Đội ngũ nhân viên y tế sẽ phải xét nghiệm Covid-19 cho tất cả mọi người, và mỗi người phải kiểm tra tối thiểu 2 lần. Đây sẽ là chi phí phát sinh không hề nhỏ về mặt y tế.

Doanh thu

Doanh thu từ việc tổ chức giải giảm khoảng 70% so với mọi năm. Và bởi mọi sự kiện của PGA Tour, theo luật của Mỹ, đều là các tổ chức phi lợi nhuận, do đó những nhà tổ chức sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Xét riêng giải Charles Schwab Challenge, Giám đốc giải - Ông Michael Tothe, chia sẻ rằng số lượng quầy hàng năm nay bị giảm từ 100 (năm ngoái) xuống chỉ còn 6. Nhu cầu về đỗ xe giảm mạnh, nhưng vẫn cần khu đỗ xe lớn để mọi người tuân thủ cách ly xã hội. Sự kiện cũng không còn cần một lượng lớn các tình nguyện viên để kiểm soát giao thông và đám đông, hoặc không cần các nhân viên để bán đồ lưu niệm và đồ ăn thức uống.

Mọi người thường nghĩ rằng vé vào sân là nguồn đem lại doanh thu lớn nhất cho một giải đấu. Nhưng trên thực tế, doanh thu lớn nhất lại đến từ các quầy hàng. “Chúng ta sẽ không thể bán 99.000 cốc bia trong năm nay.” - ông Tothe chia sẻ. Ví dụ điển hình là ở giải Waste Management Open. Chỉ riêng 1 quầy hàng được đặt ở hố 16 par 3 nổi tiếng của giải có thế đem thu về số tiền hơn 50.000 đô-la.

Phương án bù lỗ

Chính những thất thoát về doanh thu đó đã buộc các nhà tổ chức giải phải có những phương án để bù lỗ như bán những món đồ đặc biệt trên mạng: mũ được ký tên bởi các golfer nổi tiếng, hay túi gậy có chữ ký của đội trưởng Ryder Cup,… Tuy nhiên, không phải ai cũng có quyền mua chúng. Nó giống như hình thức xổ số, mỗi người sẽ phải bỏ ra 10 đô-la để có cơ hội mua được những món đồ giá trị trên.

2. THIỆT HẠI VỀ NHÀ TÀI TRỢ VÀ BẢO HIỂM

Nhà tài trợ

Ảnh hưởng khác của việc tổ chức giải không có khán giả là sự cam kết tài chính của nhà tổ chức đối với các nhà tài trợ. Các nhà tổ chức phải chi ra trước khoảng 35-40% chi phí tổ chức giải, và đến khi giải phải hoãn, họ sẽ mất đến hàng triệu đô-la.

Có một sự thật “nhạy cảm” mà các nhà tổ chức phải đối mặt là không phải tất cả các nhà tài trợ nào cũng hào phóng như nhau. Có những hợp đồng tài trợ đủ lớn để ban tổ chức có thể chi trả toàn bộ các chi phí tổ chức giải, nhưng một số khác thì không.

Bảo hiểm

Hầu hết các giải đấu đều sẽ có bảo hiểm để đề phòng cho một số trường hợp ngoài ý muốn có thể xảy ra, chẳng hạn đối với vòng đấu pro-am hoặc các sự kiện bên lề. Tuy nhiên, các chính sách bảo hiểm cho toàn bộ giải đấu thì rất nghiêm ngặt và tốn kém. Do đó, hầu hết các giải đấu sẽ không có bảo hiểm hủy giải. Trường hợp ngoại lệ duy nhất trong năm nay có thể kể đến là The Open Championship, giải được báo cáo là có bảo hiểm hủy giải.

 

3. GIẢM TIỀN TỪ THIỆN

Dù doanh thu có giảm, các giải đấu không khán giả này vẫn đủ khả năng thực hiện các hoạt động từ thiện, với số tiền có thể giảm đi so với mọi năm. Chẳng hạn như giải Charles Schwab Challenge vẫn có thể quyên góp 12 triệu đô-la (giảm 2 triệu so với năm ngoái), hay giải Rocket Mortgage Classic vẫn duy trì 1,2 triệu đô-la từ thiện. Giải Travelers Championship ban đầu dự kiến không thể từ thiện trong năm nay, nhưng với những sự giúp đỡ của cộng đồng, số tiền quyên góp chỉ giảm hơn 2 triệu đô-la so với năm ngoái.

Các giải đấu bị hoãn vẫn may mắn hơn nhiều so với các giải đấu bị hủy. Chẳng hạn như đối với giải John Deere Classic (lịch trước khi bị hủy là 9-12/7), giải dự kiến đã có thể từ thiện 6 triệu đô-la. 

 

CHARLES SCHWAB CHALLENGE

Giải đấu đầu tiên đánh dấu sự quay trở lại của PGA Tour sau chuỗi ngày tạm dừng bởi dịch bệnh Covid-19, đã diễn ra vào giữa tháng 6/2020. Đây được coi là giải đấu đầu tiên bắt đầu chuỗi sự kiện không khán giả của PGA Tour, và những thiệt hại về tài chính mà nó đem lại là rất lớn.

 

 

 

0 lượt thích

Tin bài khác