Chuyển tới nội dung

6 loại hình sân golf nổi tiếng của thế giới

Kiến trúc sân golf là một loại hình nghệ thuật. Cách nhà thiết kế sử dụng hoặc định hình địa hình tự nhiên của một vùng đất sẽ quyết định loại cảnh quan của sân golf đó. Cùng VietnamGolf&Leisure khám phá các loại sân golf phổ biến trên thế giới và những đặc trưng về thiết kế cảnh quan.

Links course 

Sân golf dạng Links course 

Sân dạng “links”, hay còn gọi là sân ven biển/ sân gò cát, là loại hình sân golf phổ biến nhất và cũng lâu đời nhất. Thuật ngữ này bắt nguồn từ từ tiếng Anh cổ hlinc có nghĩa là “vùng đất nhô lên” và dùng để chỉ những cồn cát dọc theo bờ biển. Những sân golf chuẩn “links style” nhất chủ yếu nằm ở Scotland, Ireland và Anh. Sân phải nằm dọc theo bờ biển với những đặc trưng là các cồn cát, bề mặt nhấp nhô, và một vùng đất cát không sử dụng được cho nông nghiệp nhưng lại thích hợp cho các loại cỏ nâu bản địa và cỏ fescure đỏ phát triển, tạo nên một bề mặt sân cỏ chắc chắn cho các sân links. Bề mặt cứng chắc điển hình của các sân links cho phép bóng "chạy" xa hơn nhiều so với các sân có bề mặt cỏ mềm khi tiếp đất trên fairway. Một số sân golf chuẩn links-style có thể kể đến như The Old Course at St. Andrews, Royal Troon, Lahinch G.C, Royal Country Down G.C,… 

Đặc trưng sân links:  

  • Nhiều đụn cát, các đường nhấp nhô, có ít hoặc không có cây cối
  • Green rộng và chậm, fairway nhanh
  • Gió biển là “đặc sản” chính, đóng vai trò quan trọng tạo nên độ thách thức cho các sân links.
  • Nhiều chướng ngại vật tự nhiên dọc theo bờ biển, trong đó các bẫy cát thường được đào sâu để ngăn cát thổi đi.
  • Các bẫy cát thường là kiểu “pot bunker”- tròn, nhỏ, sâu với độ dốc lớn, trái ngược với các bunker kiểu Mỹ rộng và lớn hơn.
  • Có nhiều đường bao quanh tự nhiên tạo nên nét độc đáo cho mỗi hố.
  • Địa hình nhiều cát nên tính thoát nước tốt, đồng nghĩa với việc loại sân này không cần bảo trì quá nhiều.

Parkland course 

Sân golf dạng Parkland course 

Nếu bạn thường theo dõi các giải đấu PGA Tour, chắc chắn bạn đã nhìn thấy rất nhiều sân parkland. Các sân parkland, hay còn gọi là sân dạng công viên, được được xây dựng trong đất liền, cách xa biển. Khác với sân links course, đặc trưng cảnh quan của các loại sân golf này là thường có nhiều cây cối và các thảm cỏ xanh tươi. Sân thường được cắt tỉa cẩn thận và có đầy đủ các đặc điểm nhân tạo như bunker đào sâu, ao hồ, các khu cỏ rough,…. Nhưng vì các sân này thường được xây dựng ở những nơi không có điều kiện tự nhiên lý tưởng để chơi golf, nên cỏ và đất khó bảo dưỡng hơn, tốn nhiều công sức và chi phí bảo trì hơn. Sân parkland cũng không có nhiều địa hình nhấp nhô tự nhiên như sân links course, nên các nhà thiết kế phải thực hiện nhiều phần việc hơn để tạo thêm sự hấp dẫn và độ thách thức cho sân golf. Một trong những sân golf parkland nổi tiếng nhất trên thế giới phải kể đến Augusta National

Đặc trưng sân parkland:  

  • Nằm trong đất liền, cách xa biển
  • Nhiều cây cối, hoa lá, và các thảm cỏ xanh tươi tốt, tạo nên những “khu vườn xinh đẹp”
  • Nhiều cảnh quan nhân tạo như bunker đào sâu, ao hồ, các khu cỏ rough,…
  • Không có nhiều địa hình nhấp nhô tự nhiên như các sân links
  • Lớp đất sét tự nhiên đặc trưng của sân parkland đồng nghĩa với việc khi thời tiết xấu có thể khiến mặt sân khó chơi hơn sân links (bóng lăn chậm hơn, sân bị ngập nước do mưa,…)

Heathland course 

Sân golf dạng Heathland course 

Cách nhanh nhất để hiểu về loại sân heathland là đọc định nghĩa về “heath”: “Đó là một khu vực đất trống chưa trồng trọt, đặc biệt là ở Anh, với thảm thực vật đặc trưng là các cây thạch nam, cây kim tước và cỏ thô”. Hầu hết các sân golf Heathland đều nằm ở Vương quốc Anh. Các sân “nội địa” này thường có thiết kế “mở” hơn một chút so với các sân Parkland vì phong cách của chúng có nền tảng là các sân links. Những sân này thường có nhiều cây thạch nam và cây kim tước như một phần không thể thiếu khi bạn chơi golf ở đây và thường không được cắt tỉa kỹ càng như các sân Parkland truyền thống. Địa hình của các sân Heathland cũng thường có độ nhấp nhô tự nhiên và nhiều vùng đất cát giống như các sân links. Nhiều trong số các sân golf tốt nhất ở Anh là các sân Heathland, bao gồm Woking G.C, Sunningdale G.C, và Alwoodley G.C. 

Đặc trưng sân Heathland:  

  • Sự đa dạng về màu sắc với các loại cây thạch nam, cây kim tước, và nhiều loại hoa dại và cây cối khác, đặc biệt là vào cuối hè.
  • Có nhiều đặc điểm giống với sân links như nhiều vùng cát tự nhiên, đất ít dinh dưỡng, địa hình nhấp nhô tự nhiên,…
  • Đa số nằm trong đất liền chứ không gần biển nên gió không phải yếu tố đặc trưng như sân links.

Sandbelt course 

Sân golf dạng Sandbelt course 

Khu vực Sandbelt là một vùng nằm ở phía đông nam của thành phố Melbourne, Úc, và là quê hương của một số sân golf được yêu thích nhất thế giới. Đất ở khu vực này có nhiều cát một cách đáng ngạc nhiên so với các khu vực xung quanh và rất lý tưởng cho việc chơi golf. Theo Thesandbelt.com thì “Melbourne Sandbelt là một vùng địa lý bất thường do một trận lũ lụt thời tiền sử làm lắng đọng sa thạch nặng vào các khu vực trũng thấp. Ở một số nơi, mùn cát có thể đạt độ sâu lên đến 80 mét”.  

Loại đất cát ở sandbelt hoàn hảo cho các green nhấp nhô và địa hình có nền đất chắc chắn. Ngoài ra, chúng cũng rất tuyệt cho những bunker sâu và dốc xung quanh green. Mọi sân golf nằm trong khu vực này đều rất tuyệt vời, nhưng có một số sân nổi bật nhất là Royal Melbourne Golf Club, Kingston Heath Golf Club and Metropolitan Golf Club. 

Đặc trưng sân Sandbelt:  

  • Vùng đất đặc biệt nhiều cát tự nhiên
  • Địa hình đất chắc chắn với các green uốn lượn, nhấp nhô
  • Nhiều bunker sâu và dốc
  • Nhiều bunker được cắt ngay trên rìa của green - điều không thể thực hiện được ở các loại sân golf có nhiều loại đất khác nhau.

Stadium/Championship course 

Sân golf dạng Stadium/Championship course 

Hai thuật ngữ “Stadium” (sân vận động) và “Championship” (sân thi đấu) thường đi kèm với nhau để chỉ những sân được thiết kế nhằm mục đích tổ chức các giải đấu golf lớn nhỏ. Khi một câu lạc bộ nói rằng họ có “Sân thi đấu” thì không có nghĩa gì khác ngoài việc nó có 18 hố, khá dài và khá khó. Cụm từ “Championship” thường được dùng để phân biệt nếu một câu lạc bộ có nhiều hơn một sân golf, nhưng bạn chỉ cần hiểu đơn giản đó một sân đủ điều kiện để đăng cai các giải đấu lớn.  

Trong khi đó, các sân “Stadium” có thể được định nghĩa chặt chẽ hơn một chút, với tính chất là “sân vận động”. Điển hình như sân TPC Sawgrass ở Mỹ được coi là một trong những “sân khấu” tốt nhất ở loại sân Stadium khi được xây dựng với mục đích dành cho khán giả đến xem các trận đấu của PGA Tour. Các sân Stadium được thiết kế sao cho phù hợp với lưu lượng khán giả lớn và dễ dàng di chuyển. Các sân đặc trưng Stadium khác có thể kể đến Stadium Course at TPC Scottsdale và TPC River Highlands in Connecticut. 

Par-3 course 

Sân golf dạng Par-3 course 

Chơi golf ở các sân ngắn và sân par-3 thường vô cùng thú vị và thân thiện cho những người mới bắt đầu, trẻ em hoặc người cao tuổi. Các sân loại này thường chiếm ít đất hơn (điều này làm cho chúng rẻ hơn và thân thiện với môi trường), chơi nhanh hơn, và ngay cả người ra sân lần đầu cũng có thể chơi được. Một số câu lạc bộ có thêm các sân par 3 đi cùng với các sân 18 hố truyền thống như Augusta National. Bên cạnh đó, nhiều khu nghỉ dưỡng cũng đưa các sân ngắn này vào hệ thống của họ như Sand Valley (the Sandbox), Pinehurst (The Cradle), Bandon Dunes (The Preserve). Ở Mỹ cũng có nhiều sân golf par-3 ấn tượng, trong đó có sân Palm Beach tuyệt đẹp. 

2 lượt thích

Tin bài khác