Chuyển tới nội dung

Tìm hiểu về cán gậy (shaft)

Cán gậy (shaft) là một trong những thành phần quan trọng cấu tạo nên một cây gậy golf. Dưới đây là những kiến thức cơ bản về cán gậy mà các bạn cần biết trước khi trang bị một cây gậy tốt hơn cho mình. 

FullSizeRender (1)

Mặc dù trái bóng chỉ tiếp xúc với mặt gậy tuy nhiên cán gậy lại đóng vai trò truyền năng lượng từ người chơi tới đầu gậy và tới thời điểm chạm bóng. Người chơi ở bất cứ một trình độ nào cũng đều có thể cảm nhận sự khác biệt của cú swing khi sử dụng những cán gậy nặng nhẹ và cứng mềm khác nhau.

Độ nặng cán gậy

Độ nặng của mỗi gậy đều khác nhau và với thiết kế hiện đại ngày nay thì thông thường trọng lượng của cán gậy sẽ tỉ lệ nghịch với chiều dài của cán gậy. Vì thế bạn sẽ dễ dàng nhận thấy những cây gậy dài như driver thường được làm bằng chất liệu graphite nhẹ và những cây gậy kĩ thuật thường sẽ làm bằng chất liệu thép có trọng lượng nặng hơn. Điều này áp dụng với số đông người chơi nhưng cũng có số ít những golfer sẽ chơi tốt hơn với một bộ gậy không có nhiều biến thiên về trọng lượng cán gậy giữa các gậy. Độ nặng cán gậy thường được ghi sẵn trên thân cán và thường dao động từ 50 gram đến 130 gram. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý nếu thân gậy chỉ ghi model của cán gậy thì độ nặng sẽ có thể khác nhau giữa các flex (độ cứng) của seri đó. Ví dụ với dòng cán gậy driver Tour AD DI-5 của hãng Graphite Design thì với chiều dài tiêu chuẩn 45’’, các flex R2 (mềm nhất), R1, S (cứng) sẽ có trọng lượng tương đương là 54g, 55g và 57g. Tương tự như vậy, một dòng cán sắt phổ thông khác là NS Pro 950 GH của hãng Nippon sẽ có trọng lượng 95g, 98g và 104g tương đương với các flex R (mềm phổ thông), S (cứng) và X (rất cứng) với cùng chiều dài tiêu chuẩn.

Phần lớn các nhà sản xuất gậy golf đều khuyên người chơi nên chọn một bộ gậy có độ nặng thay đổi dần đều giữa các loại, ví dụ gậy driver nặng khoảng 50g thì các gậy gỗ có thể nặng 60g, gậy hybrid nặng 70g, gậy sắt nặng 90g và gậy kĩ thuật nặng trên 110g. Độ chênh về độ nặng có thể thay đổi với các golfer có tốc độ đầu gậy chậm hơn (ví dụ driver và gỗ nặng 50g, gậy hybrid 55g, gậy sắt nặng 60g và gậy kĩ thuật nặng 65g). Sự chênh lệch này không chỉ phụ thuộc vào tốc độ đầu gậy của người chơi mà quan trọng hơn nữa là cảm nhận chủ quan của người sử dụng. Thông thường những golfer có tốc độ cao sẽ muốn một bộ gậy nặng và những golfer mới chơi hay nữ giới sẽ thích những loại cán gậy nhẹ nhàng hơn. Những kinh nghiệm truyền tai ngày xưa như “cán gậy nặng sẽ mang lại khoảng cách xa hơn” ngày nay đã được chứng minh không có giá trị. Thực tế cán gậy nặng có thể khiến người chơi giảm tốc độ đầu gậy, vì thế các hãng sản xuất gậy của Nhật thường hay sử dụng loại cán nhẹ làm cán tiêu chuẩn, phù hợp với thể chất người châu Á. Ngược lại, cán gậy nặng sẽ giúp các golfer cảm giác “đầm tay” và dễ điều khiển gậy hơn, nên thường hay được các golfer có thể lực tốt sử dụng.

Ngày nay, xu hướng các golfer sử dụng cán gậy nhẹ đang phổ biến hơn, trong đó có cả các golfer chuyên nghiệp. Ví dụ, Brandt Snedeker hay Matt Kuchar đều đang sử dụng cán gậy Aerotech Steelfiber i95cw có trọng lượng trung bình 94g cho bộ gậy sắt của họ, một dòng cán gậy được coi là nhẹ so với các golfer chuyên nghiệp, mà các golfer nghiệp dư cũng đang sử dụng phổ biến. Mặc dù vậy, đây lại là dòng cán gậy khá cứng so với các sản phẩm tương đương về trọng lượng.

Độ nặng cán gậy

Độ cứng cán gậy

Độ cứng (mềm) của cán gậy thường được các nhà sản xuất ghi sẵn trên thân gậy, và được kí hiệu bằng các kí tự như L (ladies - nữ), R (regular - phổ thông), A (amateur - nghiệp dư), S (stiff - cứng), X (extra stiff - siêu cứng) hoặc các kí tự khác. Ngoài độ nặng thì độ cứng mềm của cán gậy là yếu tố người chơi sẽ cảm nhận được nhiều nhất trong khi đánh, chính vì thế, đây là một yếu tố mà các golfer không nên bỏ qua khi chọn gậy.

Cũng giống như độ nặng, độ cứng của cán gậy cũng không nhất thiết phải giống nhau hoàn toàn giữa các gậy mà có thể thay đổi tùy theo loại gậy. Thông thường, những cây gậy dài (driver và gỗ) được swing với tốc độ lớn và do cán gậy dài hơn nên sẽ cần một độ cứng nhất định. Những cây gậy ngắn hơn, đặc biệt là các gậy kĩ thuật do chủ yếu được sử dụng với những cú đánh ngắn quanh green, khi người chơi không đưa ra một vòng swing đầy đủ với tốc độ lớn, nên thường mềm hơn để người dùng cảm nhận tốt hơn đầu gậy.

Bạn nên lưu ý độ cứng, mềm của cán gậy còn phụ thuộc vào tiêu chuẩn của nhà sản xuất, vì thế những kí hiệu giống nhau không hẳn đã có ý nghĩa như nhau. Ví dụ, cán gậy do Honma sản xuất thường mềm hơn khá nhiều so với các nhà sản xuất của Mỹ, vì thế kí hiệu R (phổ thông) trên cán gậy của Honma sẽ mềm hơn cán R của các hãng như Aldila hay Mitsubishi. Không những thế, các hãng cũng có cách đánh kí tự khác nhau như R1, R2, SR hoặc Project X có cách ghi độ cứng bằng số như 5.0, 5.5, 6.0. Cách duy nhất bạn có thể biết được độ cứng nào hợp với mình đó chính là thử các dòng sản phẩm khác nhau, cho đến khi bạn tìm được cán gậy vừa tay và đường bóng bay lên ổn định.

Những cán gậy dài thường mềm hơn những cán gậy ngắn, và khi bạn cắt ngắn cán gậy đi thì đồng nghĩa phần còn lại sẽ trở nên cứng hơn, vì thế bạn nên cân nhắc thêm yếu tố này trước khi sửa gậy.

0 lượt thích7343 lượt xem

Tin bài khác