Chuyển tới nội dung

Polo, thú chơi quý tộc

Trong một ngàn lẻ một thú vui của giới thượng lưu nhất định không thể thiếu polo – môn thể thao ngay từ khi mới bắt đầu đã gắn liền với giới danh gia vọng tộc.

Polo, thú chơi quý tộc

Lịch sử của mã cầu

Cựu thủ tưởng Anh từng có một lời bình rất thú vị về polo thế này: “Kĩ năng chơi polo là hộ chiếu để bạn bước ra thế giới”. Trong khi Horace A.Laffaye, giám đốc Viện bảo tàng Polo thì nhận xét: “Polo là môn thể thao thể hiện các phẩm chất của những người ưu tú. Họ phải mạnh mẽ, thông minh, linh hoạt, kiên nhẫn và có tinh thần đồng đội”. Còn Yi Di Dawson, cây viết đình đám của tạp chí Lifestyle Asia khẳng định: “Polo là một trong những môn thể thao khó nhất. Để chơi nó, người chơi bắt buộc phải có hai kĩ năng, cưỡi ngựa điêu luyện và sử dụng gậy đánh bóng chính xác”.

Polo là một trong những môn thể thao khó nhất

Phàm những thứ gì hay ho thì đều có lịch sử đầy thú vị. Polo hay còn được biết dưới cái tên mã cầu là một trong số đó. Hiếm có môn thể thao nào có lịch sử gắn liền với giới danh gia vọng tộc bền lâu như polo và có lẽ, nó cũng là một trong những môn thể thao có lịch sử thuộc diện lâu đời nhất. Lịch sử ghi lại trận đấu polo đầu tiên diễn ra vào cách đây 600 năm trước Công nguyên giữa người Thổ Nhĩ Kì và người Ba Tư. Lịch sử cũng ghi nhận, suốt chiều dài phát triển của nó, polo được mệnh danh là trò chơi của bậc đế vương. Bằng chứng là vua Sapoor II của Ba Tư biết chơi polo từ khi mới 7 tuổi, một sân chơi polo ở Ispahan xây dựng vào thế kỉ 16 theo lệnh vua Abbas và vô số những câu chuyện hay ho về polo cũng đều gắn liền với các vương triều.

Những mối quan hệ thông thương sau đó đã mang polo đến Ấn Độ vào thế kỉ 16. Từ đây, những tay buôn trà người Anh đã phát hiện ra trò chơi này, thành lập những câu lạc bộ và sau đó trở thành môn thể thao yêu thích của giới quyền binh Anh quốc ở Ấn Độ. Cũng từ đây, polo được người Anh đưa ra khỏi ranh giới Ấn Độ và dần dần trở thành môn thể thao yêu thích số một của giới binh quyền và giới quý tộc châu Âu cũng như giới nhà giàu thế giới sau này.

Polo được người Anh đưa ra khỏi ranh giới Ấn Độ

Thú vui của giới quý tộc

Sẽ không ngoa khi nói, polo là thú vui của giới quý tộc. Bởi một lẽ, chi phí để chơi polo không hề rẻ. Chỉ để học chơi polo thôi, người học đã phải bỏ ra ít nhất là 200 bảng mỗi ngày. Ngoài ra còn phải kể đến trang phục chơi polo, gậy đánh polo, mũ bảo hiểm, áo bảo hộ, yên ngựa… Những thứ phụ kiện đi kèm này cũng không hề rẻ, đều được tính bằng tiền trăm bảng. Tiếp đến là chi phí cho ngựa và phí tham gia các câu lạc bộ thường niên. Cần phải nhấn mạnh rằng, ngựa để chơi polo không dễ kiếm, chúng bắt buộc phải là những giống ngựa thuần chủng và phải có “tố chất” nghĩa là tốc độ và hiểu ý người chơi.

Lại nói đến người chơi polo. Nước Anh không phải là quê hương của polo nhưng người Anh là những người có công rất lớn trong việc đưa môn thể thao này du nhập vào giới quý tộc châu Âu. Polo vốn là môn thể thao yêu thích bậc nhất của các thành viên hoàng gia Anh, không khó để bắt gặp thái tử Charles, hoàng tử William và Harry trong những trận đấu polo.

Sở dĩ polo được coi là thú chơi của giới quý tộc còn bởi, sự hấp dẫn và quyền lực ở nhiều khía cạnh ngoài sân đấu, đó là những buổi gặp gỡ, giao lưu của giới thượng lưu, giới nhà giàu. Steve Wyatt, chủ sân polo từng nói trên BBC rằng polo là cách thể hiện họ giàu cỡ nào. Tới chơi hoặc xem một trận polo, anh mặc gì, đi xe gì, ngồi ở khu vực bàn tiệc nào, uống champagne loại nào. Tất cả đều được để ý.

Steve Wyatt, chủ sân polo từng nói trên BBC rằng polo là cách thể hiện họ giàu cỡ nào.

Steve Wyatt, chủ sân polo từng nói trên BBC rằng polo là cách thể hiện họ giàu cỡ nào. 

Cuộc đổ bộ của polo ở châu Á

Sự xuất hiện một loạt thế hệ nhà giàu mới nổi ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc cách đây vài năm đã đưa polo du nhập trở lại châu Á một cách mạnh mẽ và trở thành một thú vui của giới nhà giàu. Cũng giống như những trào lưu xa xỉ khác, chơi polo không hẳn là một cái thú mà nhiều khi được sử dụng để phô trương sự giàu có, đẳng cấp cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư của các đại gia.

Sunny Time Polo Club ở Bắc Kinh và Nine Dragons Hill Polo Club là hai trong số rất nhiều trung tâm chơi polo mọc lên ở Trung Quốc thời gian qua. Để chơi thì chi phí không hề rẻ, ví dụ như một con ngựa nhập từ nước ngoài về đã có giá không dưới 20.000 Mỹ kim, thẻ hội viên dao động ở mức 15.000 USD. Tất nhiên, còn một loạt những chi phí khác.

Cuộc đổ bộ của polo ở châu Á

Bên cạnh những giải đấu polo chuyên nghiệp được tổ chức thì những trung tâm polo đang mọc lên ở Trung Quốc cũng là lò đào tạo nên một thế hệ polo mới của châu Á. Đây là nơi, những cậu ấm, cô chiêu được giới tài phiệt đưa đến đây học polo đồng thời học luôn cách hành xử, phong cách thời trang…

Polo liệu có bị thất sủng khi nền kinh tế Trung Quốc đang đối diện với đủ mọi khó khăn? Câu trả lời có lẽ là không. Kinh tế suy thoái có thể khiến số người chơi polo ít đi nhưng cứ nhìn vào các giải đấu đang được tổ chức ở Trung Quốc thì rõ, polo vẫn cứ là thú chơi yêu thích của họ. Bởi một lẽ, ở những thị trường mới nổi như Trung Quốc, xa xỉ hay quý tộc là giấc mơ mà những người mới bước lên toa tàu “giàu có” sẽ mơ cho đến khi không còn có thể mơ.

2 lượt thích

Tin bài khác