Chuyển tới nội dung

Golf “M&A” là gì?

Khái niệm M&A (mua bán, sát nhập, chuyển nhượng) các công ty hay dự án, từ lâu đã không còn xa lạ với hầu hết giới kinh doanh. Vậy còn trong lĩnh vực golf, hoạt động này đang diễn ra như thế nào?

Golf “M&A” là gì?

Việt Nam đang trong nền kinh tế hội nhập sâu rộng, khái niệm M&A (mua bán, sát nhập, chuyển nhượng) các công ty hay dự án, từ lâu đã không còn xa lạ với hầu hết giới kinh doanh. Nhìn sang lĩnh vực golf, tính đến nay chúng ta chỉ có vỏn vẹn gần một trăm dự án, trong đó mới có hơn 50 sân golf đi vào hoạt động, cho thấy quy mô trên toàn thị trường Việt Nam còn rất khiêm tốn. Nhưng thật ngạc nhiên khi chứng kiến các hoạt động M&A trong lĩnh vực này vài năm gần đây đang trở nên khá sôi động.

Bắt đầu từ sự chuyển giao cổ phần giữa các cổ đông tại các dự án hoặc sân golf đã hoàn thành đến việc chuyển nhượng toàn bộ các dự án bị chậm tiến độ hoặc đuối vốn, và đặc biệt là sự xuất hiện những thương vụ mua bán sân golf đang khai thác rất hiệu quả. Tất cả minh chứng đó cho thấy thị trường mua bán sân golf tuy còn ít, song tính hấp dẫn của phân khúc mới mẻ này đang cuốn hút nhiều nhà đầu tư tìm kiếm và tiến hành giao dịch.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, chúng ta cùng tìm hiểu xem ngoài những đặc thù chính của các thương vụ M&A mang tính kinh doanh thuần túy, liệu còn có yếu tố nào khác đang thúc đẩy các nhà đầu tư mạnh dạn đổ những khoản vốn lớn nhằm sở hữu các dự án sân golf, bất chấp rất nhiều cảnh báo về khả năng sinh lợi hạn chế do khả năng hấp thụ của thị trường người chơi còn thấp và chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho môn golf vẫn là một rào cản.

Nhà đầu tư có thể ấn định ngày khai trương một nhà máy lớn nếu xây dựng trên khu đất sạch đã được quy hoạch. Nhưng điều này là rất khó khi triển khai dự án sân golf.

Công tác giải phóng mặt bằng và phương thức doanh nghiệp thỏa thuận đền bù trực tiếp đã dẫn đến nhiều dự án “dở khóc dở cười”, sau nhiều năm mới hoàn tất được khâu khởi động. Sự chậm trễ so với kế hoạch ban đầu đã khiến các dự án đó bị “lạc lối” do nguồn cấp vốn thay đổi, chủ đầu tư gặp khó khăn về năng lực triển khai tiếp. Ngoài ra còn cần kể tới các loại sân golf đang xây dựng dở dang, sân golf đã đi vào hoạt động muốn chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ bao gồm cả trường hợp bị lỗ và đang kinh doanh hiệu quả...tất cả đều có thể chuyển đổi khi có nhu cầu cần thiết.

Phương thức M&A chính là giải pháp hoàn hảo cho những nhà đầu tư mới muốn bước nhanh sang lĩnh vực kinh doanh sân golf mà không phải khởi sự từ những bước đầu tiên. Đặc biệt đối với một số nhà đầu tư nước ngoài hoặc tập đoàn mạnh về nguồn lực luôn luôn sẵn sàng tiếp quản dự án theo hình thức M&A để ngay lập tức sở hữu thứ mình cần mà không phải vượt qua nhiều rào cản từ thủ tục xin giấy phép đến tạo lập mặt bằng và thi công xây dựng. Hoặc với các mục đích khác nhau như sự thoái vốn của các công ty có vốn nhà nước ra khỏi lĩnh vực đầu tư ngoài ngành, hay một số nhà đầu tư cá nhân cất giữ vốn thông qua mua cổ phần sân golf với nhận định đó là khoản đầu tư ổn định về lợi nhuận mà vẫn gia tăng được giá trị đầu tư trong tương lai.

Vì vậy, một lần nữa có thể nhận xét M&A là lựa chọn tối ưu đối với nhà đầu tư thực sự muốn đi tắt đón đầu sang ngành golf một cách nhanh chóng và ít rủi ro nhất. Với đà tăng trưởng của lĩnh vực phát triển sân golf ở Việt Nam, hiểu theo cả nghĩa hấp dẫn lẫn cạnh tranh, chắc chắn lựa chọn M&A và những biến thể của hình thức này sẽ tiếp tục tạo nên sự náo nhiệt trong hoạt động mua bán, sát nhập sân golf trong thời gian tới.

TIỀM NĂNG THỊ TRƯỜNG SÂN GOLF VIỆT NAM

Chỉ cần dự đoán ở mức đơn giản là so sánh với các nước xung quanh Đông Nam Á, kết hợp với lợi thế thiên nhiên, địa lý phù hợp với phát triển ngành du lịch nói chung và ngành golf nói riêng, có thể thấy khả năng tăng trưởng sân golf ở Việt Nam còn rất lớn.

Trong không khí phát triển chung của tất cả các lĩnh vực trên bình diện quốc gia, rõ ràng tính cạnh tranh về tài nguyên đất đai đang trở nên quyết liệt. Quá trình công nghiệp hóa đất nước đòi hỏi sử dụng quỹ đất cực lớn và các doanh nghiệp đều ý thức được việc sở hữu quyền khai thác tài nguyên vốn tự có sẽ giành lợi thế trong việc tự phát triển công việc kinh doanh hay khi kết hợp làm ăn với đối tác nước ngoài. Chính vì thế, có thể hiểu sở hữu dự án sân golf đồng nghĩa với việc kiểm soát một diện tích hàng trăm hecta đất cũng như “khống chế” tài nguyên dự trữ đi kèm bao gồm cảnh quan, cây cối, nguồn nước và đặc biệt kết hợp phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng bao quanh. Có thể nói gần như không có loại hình nào tích trữ được quỹ đất nhiều như dự án sân golf và chỉ có sân golf mới dám “húc” vào những vùng đất khắc nghiệt như: cát trắng, nắng cháy da hay đầm lầy và sỏi đá khô cằn.

Đầu tư vào sân golf là đầu tư dài hơi, lợi ích nhận được đến từ nhiều góc độ, chính vì thế những chủ đầu tư chỉ biết “độc canh” khai thác nguồn thu từ người chơi golf hiện thời, trừ một vài sân có đặc thù vị trí nằm sát cạnh các trung tâm thành phố lớn. Quan sát các vụ chuyển đổi M&A thành công gần đây cho thấy những nhà đầu tư mới rất mạnh về tài chính, hoạt động trên nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, cho nên sân golf chỉ là một mắt xích trong hệ sinh thái kinh doanh mà họ đang hướng tới. Khi sân golf được nhìn từ góc độ như vậy, vai trò và hiệu ích của sân golf đem lại tăng lên rõ rệt, ví dụ như: giúp doanh nghiệp quảng bá hình ảnh hiệu quả , tạo ra nguồn thu lớn ổn định hàng tháng và gia tăng giá trị đầu tư nhờ tài sản đất đai ngày càng có giá trị cao.

M&A ĐỂ PHÁT TRIỂN

Thị trường M&A sân golf ngày càng tăng trưởng đồng nghĩa với tính thanh khoản cao, hay hiểu theo cách khác là thị trường đang cho ra những “sản phẩm” mà ở đó hàng loạt các nghiệp vụ đi kèm đều đạt chuẩn. Từ công tác định giá, tư vấn luật sư đến hướng dẫn chính sách đều rõ ràng và minh bạch, giúp việc bán đi hay mua lại sân golf có giá trị vài chục triệu USD một cách thuận lợi và giảm thiểu rủi ro tranh chấp pháp lý.

Điều này hiển nhiên có ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển số lượng sân golf với niềm tin có thể mua bán, chuyển nhượng dễ dàng của các nhà đầu tư. Kết quả của hoạt động M&A còn giúp cho sân golf luôn được “làm mới” nhờ tiếp cận được nguồn lực tốt hơn và tư duy kinh doanh phù hợp hơn. Đối với ngành công nghiệp golf thì sự phát triển của hệ thống các sân golf chính là hiện thân cho sự thịnh vượng. Vì vậy, hy vọng hoạt động M&A lĩnh vực sân golf ở Việt Nam sẽ ngày càng mạnh mẽ để thúc đẩy ngành golf Việt Nam trong tương lai!

Có thể nói gần như không có loại hình nào tích trữ được quỹ đất nhiều như dự án sân golf và chỉ có sân golf mới dám “húc” vào những vùng đất khắc nghiệt như: cát trắng nắng cháy da người hay đầm lầy và sỏi đá khô cằn không ngành nào nhằn nổi.

0 lượt thích

Tin bài khác