Chuyển tới nội dung

FLC Vietnam Masters và định luật vạn vật hấp dẫn

Không phải tấm Séc trị giá hơn 203 triệu đồng, cùng với chiếc Cup FLC Viet Nam Masters, mà danh giá lớn hơn dành cho nhà vô địch - Andy Chu Minh Đức chính là cột mốc dấu ấn của sự ra đời giải Golf nhà nghề Việt Nam - VPGA Tour.
Andy Chu Minh Đức (trái) và Phạm Minh Đức

Có được giải golf chuyên nghiệp đầu tiên FLC Vietnam Masters của VPGA Tour là nhờ vào tổng lực nhiều nhân tố dâng hiến cho golf. Trong số đó, trước tiên phải kể đến sự cống hiến cho golf của nhà tài trợ FLC- một sự cống hiến đáng ngưỡng mộ. Tiếp đến là tầm nhìn phát triển golf chuyên nghiệp của Tổng cục Thể dục Thể thao – cơ quan chịu trách nhiệm về phát triển thể thao tại Việt Nam. Và không thể thiếu được nhân tố hạt nhân - là nỗ lực không nguôi của Ban điều hành VPGA Tour.

Nhà vô địch Andy Chu

KHÁI QUÁT VỀ GIẢI ĐẤU
Điểm nổi bật đầu tiên là FLC Vietnam Masters đã quy tụ được 60 golf thủ chuyên nghiệp người Việt đến thi đấu tại đấu trường golf dành cho người Việt. Một con số khiêm tốn so với các nước có nền golf phát triển, nhưng lại là một con số rất có ý nghĩa với môn thể thao golf non trẻ ở Việt Nam.

Rồi đây, trong các giải đấu tiếp theo của VPGA Tour, số lượng các golf thủ chuyên nghiệp người Việt sẽ còn gia tăng. Còn vài chục golf thủ vì nhiều lý do chưa thể góp mặt. Sẽ còn nữa hàng chục golf thủ hiện là nghiệp dư, nhìn thấy tương lai, mà chuyển sang thi đấu nhà nghề. Và xa hơn là hàng chục golf thủ nhí đang miệt mài khổ luyện để dâng hiến cho golf. Chính các em mới là nguồn bổ sung chủ đạo cho đội ngũ golf thủ nhà nghề Việt Nam trong tương lai.
Ngoài nhà vô địch Andy Chu Minh Đức và Á quân Phạm Minh Đức, người đáng khen nhất của FLC Vietnam Masters chính là tay golf trẻ Nguyễn Hữu Quyết. Xuất phát từ công việc phục vụ golf tại sân tập Đảo Sen, nhờ năng khiếu golf cùng với tình yêu golf nồng nhiệt, Nguyễn Hữu Quyết đã có những thành công bước đầu, tuy chưa lớn nhưng lại chứa đựng nhiều điều hứa hẹn. Ngoại trừ vòng thứ 3 tồi tệ 80 gậy, các vòng đấu khác 72, 71, 69 đã chứng tỏ sự ổn định của anh.

FLC Vietnam Masters và định luật vạn vật hấp dẫn 3

Điều đáng khen tiếp theo dành cho Doãn Văn Định. Anh là người đã có thành tích nổi trội qua các giải đấu trước đây, nên ở FLC Vietnam Masters kinh nghiệm và kỹ thuật đã giúp cho anh tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu. Các tuyển thủ gạo cội như Trần Trọng Thiện, Phạm Minh Tuấn, Võ Tá Thủy, Trịnh Văn Thọ, Nguyễn Hữu Giang, Nguyễn Đình Châu, Nguyễn Tuấn Kiệt, Phạm Đồng Dũng đều chứng tỏ được rằng, họ có kỹ thuật và đã có một thời đạt phong độ cao. Tiếc rằng việc thiếu vắng các giải đấu bình diện quốc gia đã làm cho phong độ của các tay golf này bị mai một. Với Trần Trọng Thiện và Trịnh Văn Thọ thì tuổi đã cao, khó quay về thời cực thịnh, nhưng với Lê Hữu Giang, Phạm Minh Tuấn và Võ Tá Thủy thì vẫn còn đó những cơ hội. Một điểm sáng không thể không đề cập là tay golf trẻ Nguyễn Anh Tuấn mới 19 tuổi. Vị trí thứ 23 chắc chắn không phải là mục tiêu của Tuấn trong các giải tiếp theo. Sức trẻ sẽ cho Tuấn giành chiến thắng.

Doãn Văn Định

Điều nuối tiếc của giải không nằm ở điểm số mà là thiếu may mắn. May mắn đã không đến với 69 golf thủ trong suốt 4 vòng đấu để có được một cú HIO, cùng với giải thưởng là những chiếc xe Volvo tuyệt đẹp. Volvo đã đến với golf Việt Nam. Và sẽ kỳ vọng đồng hành cùng golf Việt Nam trong nhiều nữa.
HOÀN THIỆN PHONG THÁI THI ĐẤU
Có nhiều điều nổi trội cần đề cập tại FLC Vietnam Masters nhưng không thể trình bày trong khuôn khổ bài viết này. Tuy nhiên không thể không đề cập đến phong thái thi đấu. Đấu trường chuyên nghiệp cần phong thái thi đấu chuyên nghiệp. Điểm ghi nhận mà những người yêu golf quan sát được qua giải FLC Vietnam Masters là
phong thái thi đấu của các golf thủ tiến bộ từng ngày.
Thói quen thi đấu nghiệp dư đã hằn sâu nhiều năm, không dễ gì mà xóa bỏ ngày một ngày hai. Từ cách đi đứng, cách lau khăn rút gậy, cách đặt bóng... tất cả đều phải rất chuyên nghiệp. Xuất hiện trước ống kính, lên màn hình nhỏ TV, trước khán giả, các golf thủ bắt đầu ý thức được hình ảnh của mình nên đã cố gắng cải thiện. Cần nhiều giải đấu của VPGA Tour nữa để các golf thủ tân binh nhà nghề Việt Nam hoàn thiện được hình ảnh và phong thái thi đấu.

FLC Vietnam Masters và định luật vạn vật hấp dẫn 5


SỰ LỚN MẠNH CỦA ĐỘI NGŨ TRỌNG TÀI NGƯỜI VIỆT
FLC Vietnam Masters được tiến hành dưới sự tác nghiệp của đội ngũ trọn vẹn 7 trọng tài người Việt Nam. Tất cả 4 trọng tài cấp 3 R&A là Vũ Nguyên, Vũ Quân, Đinh Hồng Minh, Dương Quang Huy đều có mặt cùng với 3 trọng tài cấp 2 R&A khác là Trần Trọng Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Quân và Đỗ Duy Khánh. Trưởng ban trọng tài là Vũ Quân. Các trọng tài phải làm việc rất sớm từ trước 5 giờ sáng và kết thúc cuối cùng vào lúc 8 giờ tối để đảm bảo mọi việc theo đúng chuẩn mực của một giải đấu chuyên nghiệp. Các trận mưa lớn buộc phải tạm dừng trong ngày thi đấu thứ ba đã cho đội ngũ trọng tài người Việt kinh nghiệm quý giá về cách thức điều hành một giải đấu trong điều kiện thời tiết khó khăn, phải kéo dài hơn quy định. Việc xử lý tình huống bất ngờ là cơ hội tốt để cho các trọng tài Việt Nam hoàn thiện trình độ.
Không nghi ngờ gì nữa, các trọng tài người Việt đã đủ khả năng tác nghiệp cho những giải đấu chuyên nghiệp. Và ngày các trọng tài người Việt có mặt trên các giải đấu quốc tế lớn sẽ không còn xa. Điều không thể không lưu ý là các trọng tài của chúng ta, do yêu nghề mà tự đầu tư, tự học hỏi để được nhận chứng chỉ của R&A. Họ cũng tự đứng ra cùng nhau thành lập Liên đoàn Trọng tài, tự may đồng phục, tự chu cấp.

Làm trọng tài golf không hề đơn giản, bởi những tình huống xảy ra rất đa dạng. Chỉ mỗi việc thả bóng trên đường mà Jordan Spieth phải cần đến 7 phút, còn ông trọng tài thì phải mở cả cuốn sách quyết định về luật golf dày cả ngàn trang. Bởi thế, sự ra đời của VPGA Tour không chỉ là sân chơi của các golf thủ chuyên nghiệp mà cũng là đấu trường thực nghiệm của các trọng tài golf. Các giải đấu của VPGA Tour sẽ được điều hành bởi các trọng tài golf người Việt. Từ đây các trọng tài người Việt có đấu trường chuyên nghiệp riêng để hành nghề. Và đây là một điểm đóng góp tích cực của VPGA Tour cho sự lớn mạnh của đội ngũ trọng tài golf Việt Nam. 

THÀNH CÔNG CỦA TRUYỀN THÔNG
FLC Vietnam Masters được truyền thông rất rộng rãi. Trước hết là các đài truyền hình trung ương và địa phương đều đưa tin sát sao kịp thời về giải đấu. Tiếp đến là các báo điện tử hàng đầu như Vietnamnet, Vnexpress, Thể Thao ... đều dành cho giải đấu những khuôn tin kịp thời. Và người tiên phong của truyền thông golf là các tạp chí golf, trong đó có VGM - khuôn mặt đại diện ấn tượng của thể thao golf Việt Nam, đã dành cho giải đấu sự quan tâm đặc biệt.
Cần phải lưu ý đến một điểm nổi trội đặc sắc của giải đấu là việc truyền hình trực tiếp 4 vòng đấu liên tục trên Thể Thao TV. Đây là một thành công lớn của VPGA Tour và của FLC Vietnam Masters. Để trân trọng thêm điều này cần dẫn ra rằng các giải đấu golf nhà nghề của các quốc gia trong khu vực, ngoại trừ các giải lớn liên kết với Asian Tour, European Tour và PGA Tour, đều không được truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia. Ngay cả vào vòng đấu ngày thứ ba bị mưa lớn phải hoãn lại, thì Thể thao TV cũng đã lùi lại thời điểm truyền hình trực tiếp sau khi mưa, cho phù hợp với giải đấu. Đó là một nỗ lực rất đáng trân trọng của ban điều hành giải và Thể Thao TV. 

VỚI NHỮNG AI LỠ NHÁT CẮT
Sau hai vòng đấu, nhát cắt được dừng ở 40 tuyển thủ đầu tiên. Tiếc cho 3 tuyển thủ đồng vị trí 41 chỉ cách biệt một gậy là Cao Xuân Sâm, Đinh Mạnh Công và Đỗ Ngọc Dinh (nghiệp dư). Trong đó đáng kể là Cao Xuân Sâm, bắt đầu từ nghề phục vụ trong sân golf nhưng yêu golf, tự học hỏi, tự luyện tập rồi sang cả Thái Lan để thi bằng giảng dạy golf chuyên nghiệp.
Không riêng gì Cao Xuân Sâm, mà hầu hết tất cả các golf thủ chuyên nghiệp Việt Nam hiện nay đều xuất phát từ công việc tại sân golf hay sân tập golf. Đó cũng là điển hình của các nước có nền công nghiệp golf ít phát triển. Nhưng hãy nhìn đến những bóng hình vĩ đại như Angel Cabrera của Argentina, xuất phát là caddy, mà trở thành quán quân 2 giải Majors (Masters 2007 và US Open 2009) để khi trở về quê hương, được cả nước Argentina đón chào như người anh hùng. Chói sáng hơn nữa là Vijay Singh của Fiji cũng khởi nghiệp từ nghề phục vụ trong sân golf, vậy mà có 61 chiến thắng nhà nghề với 3 giải Majors là PGA Championship 1998, 2004 và Masters 2000. Vijay Singh còn chịu điều tiếng về ghi điểm không trung thực và bị cấm thi đấu cả đời trên Asian PGA, vậy mà anh đã vượt qua nỗi đau khổ và sợ hãi để thành công ở giải nhà nghề danh giá nhất là PGA Tour. Anh đã hai lần chiếm vị trí số 1 thế giới ngay trong thời kỳ hoàng kim của Tiger Woods, chấm dứt chuỗi dài ngự trị làng golf thế giới 264 tuần của Tiger. Năm 2004 anh vượt lên trên cả Tiger để lập kỷ lục tiền thưởng. Anh là người ít tuổi nhất đang sống lúc được tôn vinh trong Lâu đài danh vọng golf. Sự nghiệp của Vijay Singh đủ để cho bất cứ ai bắt đầu từ nghề phục vụ golf sáng lên niềm kiêu hãnh.

Cuộc đời chuyên nghiệp là chuỗi dài đan xen thành công và thất bại. Lỡ nhát cắt là nỗi buồn, là sự thất bại. Nhưng lỡ nhát cắt cũng là động lực mới, khởi đầu cho chiến thắng tiếp theo. Trình độ của các golf thủ nhà nghề Việt Nam còn phải được nâng lên bằng nhiều tháng ngày khổ luyện. Họ sẽ còn lỡ nhát cắt nhiều lần nữa. Ở VPGA Tour. Ở Asian Tour. Và ở PGA Tour. Cuộc đời golf thủ nhà nghề không ai tránh được lỡ nhát cắt, ngay cả những huyền thoại golf vĩ đại nhất như Tiger Woods và Jack Nicklaus.
Bởi thế, sau FLC Vietnam Masters, 60 golf thủ nhà nghề sẽ không ngừng “đóng cửa tập luyện”. Không những thế, họ sẽ không ngừng tìm kiếm những tài năng nhí để bồi dưỡng thành truyền nhân. Cứ như vậy sẽ thấy được hàng chục dãy số 60 liên tiếp nối nhau thành 120, 240, 480... để xây đắp cho một nền thể thao golf chuyên nghiệp Việt Nam không ngừng lớn mạnh. Đó là điều đóng góp mấu chốt của VPGA Tour với khởi đầu là FLC Vietnam Masters.
Chuyện kể về Newton tìm ra định luật vạn vật hấp dẫn là nhờ quả táo rơi trúng đầu, nên ông tự hỏi sao táo không rơi lên trời mà lại rơi xuống đất. Không biết chuyện đó có bao nhiêu phần trăm sự thật, nhưng định luật vạn vật hấp dẫn đã góp phần làm cho khoa học nhân loại phát triển là thực tế không chối cãi.

Riêng với VPGA Tour, khi FLC Vietnam Masters đã khởi động, thì lực hút của VPGA Tour sẽ ngày càng gia tăng. Một lực hút trong vô vàn lực hút của vạn vật. Nhưng là một lực hút quy tụ sự lớn mạnh của nền golf chuyên nghiệp Việt Nam.

0 lượt thích750 lượt xem

Tin bài khác