Chuyển tới nội dung

Đào tạo tài năng trẻ là quốc sách

Muốn có tài năng xuất chúng thì cần phải đào tạo chuyên nghành từ bé, càng sớm càng tốt. Điều này đúng như một định lý Toán học và Golf cũng vậy.

Đào tạo tài năng trẻ là quốc sách

Vào năm chiến tranh ác liệt nhất, cố giáo sư Tạ Quang Bửu, cựu Bộ trưởng bộ ĐT&TH CN và cố GS Lê Văn Thiêm, GS Hoàng Tụy đã sáng kiến thiết lập nên hệ thống trường chuyên toán đầu tiên tại các trường đại học lớn (1966), và sau đó lan sang nhiều tỉnh thành. Nhờ hệ thống trường chuyên mà Việt Nam được đứng vào nhóm các nước có học sinh giỏi toán hàng đầu thế giới. Nhiều thế hệ các học sinh chuyên toán đã trở thành các nhà khoa học giỏi, mà đỉnh cao sáng chói là GS Ngô Bảo Châu với giải thưởng Fields vô cùng danh giá. Nhắc lại như thế để thêm một lần khẳng định rằng, muốn có tài năng xuất chúng thì phải đào tạo chuyên ngành từ bé, càng sớm càng tốt. Điều này đúng như một định lý toán học.
Nước Mỹ chắc vì có nhiều nhà khoa học giỏi, lại trả lương cao nên “câu” hết những tài năng giỏi nước khác mà có lẽ vì thế họ không cần đến hệ thống trường chuyên ở bậc phổ thông. Đó chỉ là bề ngoài. Còn trên thực tế, họ đã chuyên môn hóa sớm cho mọi môn học. Học sinh được học theo môn tùy chọn rất sớm cùng với các thầy giáo riêng. Đó chính là “cách thức lập trường chuyên” của giáo dục Mỹ. Nhưng trong golf, nước Mỹ là nước đã tiến hành một chiến lược trường chuyên đặc biệt. Không chỉ lập nên các học viện golf với các thầy giáo giỏi cùng các phương tiện luyện tập hiện đại và cơ sở vật chất giàu có cùng với các sân golf riêng hoành tráng, mà nước Mỹ còn đưa trường học vào học viện golf. Nghĩa là không chỉ các học sinh từ các trường phổ thông đến học viện golf học tập, mà trong học viện golf có trường phổ thông riêng dành cho các em theo học. Đó là điều thật lý tưởng. Khắp nước Mỹ có hàng ngàn học viện golf, có nhiều học viện có “chứa” trường phổ thông. Điển hình là các học viện golf của các huyền thoại golf và các thầy dạy golf danh tiếng, như học viện golf Arnold Palmer, học viện golf David Leadbetter, học viện golf Hank Haney...
Đi xa hơn, nước Mỹ lập ra hệ thống giải đấu golf trong các trường phổ thông và bậc cao hơn là ở các trường đại học.  Đó là hai môi trường quan trọng, đào tạo ra các tài năng thể thao cho nước Mỹ, vừa giỏi thể thao lại vừa có kiến thức.

Đào tạo tài năng trẻ là quốc sách

TẤM GƯƠNG THÁI LAN
Golf nữ Thái Lan đang là tấm gương cho Việt Nam. Số lượng nữ golf thủ Thái Lan tham gia đấu trường golf nữ nhà nghề Mỹ LPGA Tour rất đông, hiện chỉ đứng sau Hàn Quốc và Mỹ. Hai chị em nhà Jutanugarn đã mang về điều kỳ diệu cho golf nữ Thái Lan. Cô em Ariya Jutaugarn đã thắng giải Major và đứng ở vị trí số 1 thế giới vào tháng 6 năm 2017. Cô chị Moriya Jutanugarn chỉ cao có 1m63 nhưng đã dành được danh hiệu Tân binh của năm 2013 ở LPGA Tour. Golf nữ Thái Lan đã lọt vào nhóm các “cường quốc” về golf nữ nhà nghề thế giới.  VIỆT NAM NÊN NHÌN ĐẾN THÁI LAN VỀ ĐÀO TẠO TÀI NĂNG GOLF MÀ HỌC TẬP. 

MUỐN NHANH PHẢI LÀ NHÀ NƯỚC
Ở các nước có nền kinh tế thị trường như Mỹ, vai trò đào tạo tài năng golf chủ yếu thuộc về các tổ chức tư nhân và cá nhân. Nhưng Việt Nam là nước có nền kinh tế nhà nước, và nhà nước quản lý thể thao một cách toàn diện.
Do đó, chỉ có nhà nước mới có khả năng sớm đào tạo nên những tài năng thể thao trẻ.
Các hội golf ở Việt Nam là các tổ chức “hội”, nên vừa không có tiềm lực tài chính lại cũng không có sức mạnh về tổ chức. Bởi thế không thể đảm nhận tốt nhiệm vụ nhanh chóng đào tạo nên các tài năng golf. Ở mặt khác các tổ chức tư nhân trong lĩnh vực golf cũng như các cá nhân yêu thích golf có thể đóng góp, tìm ra và bồi dưỡng nên các tài năng golf trẻ, nhưng sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian.

Đào tạo tài năng trẻ là quốc sách

GOLF LÀ MÔN THỂ THAO MÀ NGƯỜI VIỆT CÓ THỂ SỚM CÓ VINH QUANG TRÊN ĐẤU TRƯỜNG QUỐC TẾ HƠN SO VỚI NHIỀU MÔN THỂ THAO KHÁC.
Muốn rút ngắn thời gian, tìm ra và nhanh chóng đào tạo nên những tài năng golf xuất chúng thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải là nhân tố quyết định. Cho rằng golf là môn thể thao còn xa huy chương mà không chịu đầu tư, thì đó là sai lầm của những người lãnh đạo ngành.
Đầu tư vào golf sớm có huy chương hơn nhiều so với trí tưởng tượng của các nhà quản lý thể thao hiện nay. Tiếc thay, tầm nhìn, cơ chế, định kiến, và cá nhân..., tất cả các nhân tố này hợp sức lại đang là lực cản lớn cho thể thao golf Việt Nam.

0 lượt thích

Tin bài khác