Chuyển tới nội dung

Cú hích từ U23 Việt Nam

Cùng nhìn lại dư âm của U23 Việt Nam và những bài học rút ra cho môn thể thao golf nước nhà.

Cú hích từ U23 Việt Nam

TỪ CÂU CHUYỆN BÓNG ĐÁ

Sau 23 năm, kể từ 1995, đội tuyển quốc gia Việt Nam đạt được vị trí Á quân tại Seagames 18, đội tuyển U23 Việt Nam đã tạo nên một cơn địa chấn thực sự khi từ vị trí được đánh giá sẽ là ứng cử viên bị loại, lại lần lượt đánh bại các ông lớn của khu vực như Australia, hòa Syria, thắng Iraq tại Tứ kết rồi Qatar tại Bán kết, và cuối cùng chỉ chịu thua U23 Uzbekistan bằng bàn thắng ở phút 118 của hiệp phụ thứ hai, để trở thành đội bóng đá đầu tiên của Đông Nam Á lọt vào một trận Chung kết khu vực châu Á. Nhưng thành quả đó không phải đến từ ngày một ngày hai, mà kéo dài hàng chục năm, đi sau những cú hích quan trọng, để kích hoạt cho sự phát triển.

Cú hích đầu tiên được xem là thành quả của đội tuyển bóng đá Quốc gia Việt Nam là khi xuất sắc giành huy chương Bạc tại Seagames 18, năm 1995 tại Chiangmai, Thái Lan. Đồng thời, đánh dấu một bước chuyển mình đưa bóng đá Việt Nam trở lại đứng vào hàng ngũ những quốc gia mạnh nhất khu vực Đông Nam Á.

Từ hiệu ứng của xã hội, những năm sau đó, với việc nhận được sự đầu tư mạnh mẽ của doanh nghiệp và nhà nước, bóng đá Việt Nam đã sử dụng các huấn luyện viên ngoại, lần lượt là Karl Heinz Weigang, Colin Murphy, Alfed Riedl, Henrique Calisto (2 lần), Dido, Falko Gotz, tạo nên những sự tiến bộ về kỹ chiến thuật và sự đầu tư của các doanh nghiệp cho giải bóng đá quốc gia Việt Nam (V-league) dần nâng tầm bóng đá Việt Nam. Kết quả là trước khi nhận được trái ngọt tại Thường Châu (Trung Quốc), bóng đá Việt Nam đã từng đạt chức vô địch AFF Cup năm 2008, lọt vào Tứ kết giải vô địch châu Á 2007 cũng như chung kết World Cup U20 2017.

ĐẾN CÂU CHUYỆN RIÊNG CỦA GOLF

Luôn là khập khiễng để so sánh, trong khi bóng đá được hàng triệu người quan tâm thì ở Việt Nam số lượng golfer chưa được thống kê một cách chính thức cũng chỉ ở mức xấp xỉ 15.000. Trong đó, cộng đồng đông nhất trên mạng xã hội của các golfer và các cá nhân hay tổ chức có liên quan đến bộ môn này tại Việt Nam là GOLFER VIETNAM - GVN có 7.432 thành viên. Với con số khiêm tốn này, việc tạo lên một cú hích về thành tích để làm động lực phát triển bộ môn golf được xem là gian nan hơn rất nhiều.

Cú hích từ U23 Việt Nam

Ở góc nhìn truyền thông, đơn cử như trong thời gian diễn ra giải đấu U23 châu Á, trung tuần tháng 1 đến thời điểm hiện tại, trên các trang nhất của báo chí Việt Nam, mạng xã hội luôn tràn ngập các thông tin về đội tuyển U23.

Đối nghịch lại, sức hút của bộ môn golf chưa đem lại một lượng công chúng đủ mạnh để tạo ra một hiệu ứng lan tỏa rộng trong xã hội. Công bằng mà nói, ở một môn thể thao cá nhân và còn hạn chế số lượng người chơi như golf, những thành tích của golfer Trần Lê Duy Nhất (vô địch một giải đấu trong hệ thống golf chuyên nghiệp của Asian Tour - Singha Classic, 2011, Thái Lan) có thể xem là một thành công vượt bật của một vận động viên Việt Nam.

Tuy nhiên, thành tích đó, dù là xuất sắc, vẫn không thể tạo nên một cú hích đủ mạnh để có thể tạo được sự chuyển biến rộng và sâu trong xã hội. Điều này là hợp lý khi đặt lên bàn cân để so sánh mức độ phổ cập, yêu thích và cả về sức đầu tư của bộ môn này.

Ở Việt Nam, câu chuyện buồn của các môn thể thao ít phổ biến như golf có lẽ không phải là duy nhất. Rất nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra như với vận động viên Tiến Minh ở bộ môn cầu lông, Xuân Vinh ở bộ môn bắn súng. Khả quan hơn thì có thể kể đến hai bộ môn đồng đội như bóng chuyền và bóng rổ. Nhưng vẫn còn rất nhiều các bộ môn như bóng bầu dục, khúc côn cầu, bóng ném, bóng chày, số lượng người quan tâm còn rất bi đát.

Tuy nhiên, mỗi môn thể thao lại có nét hấp dẫn riêng. Dù không thể so sánh về sức thu hút đối với cộng đồng như với các bộ môn khác, dù có thể không khiến cho hàng triệu con người đổ ra đường để ăn mừng như bóng đá, nhưng những người yêu golf là những người không hề thiếu đam mê và lòng quyết tâm. Điều đó thôi thúc họ chuyên tâm khổ luyện, sẵn sàng ‘đổ mồ hôi, sôi nước mắt’ cho niềm đam mê đó.

May mắn rằng, đam mê lại là yếu tố quan trọng nhất để giữ cho một môn thể thao sống mãi. Dù còn đang phải đi sau nhiều môn thể thao, và tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực, nhưng bản thân những thành viên trong cộng đồng golf Việt Nam vẫn không ngừng tìm tòi và học hỏi. Những golfer Việt và những người yêu golf vẫn đang làm hết sức để tạo ra một cú hích cho bộ môn này. Một cú hích để đời. Một cú hích đủ mạnh, để một ngày nào đó, người dân trên đất nước hình chữ S sẽ tự hào về thành tích của golfer Việt trên những sân chơi đẳng cấp thế giới.

0 lượt thích442 lượt xem

Tin bài khác