Chuyển tới nội dung

Asiad & Golf Việt

Tham dự lần đầu vào năm 2006 tại Doha, Qatar, đội tuyển golf Việt Nam đã trải qua 3 kỳ ASIAD, nhưng dường như sân chơi này hiện đang quá tầm so với trình độ golf của nước ta.

Asiad & Golf  Việt

Đại hội thể thao châu Á ASIAD hay còn gọi là Á vận hội đã từ lâu được biết đến như đấu trường thể thao hàng đầu của châu Á. Lần đầu tiên được tổ chức ở New Delhi, Ấn Độ vào tháng 3 năm 1951, Á vận hội chính thức trở thành sự kiện thể thao lớn thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Olympic. Phải đến năm 1982, tức là 31 năm sau khi đại hội được tổ chức, Đoàn thể thao Việt Nam mới lần đầu tiên tham dự. Trùng hợp thay, Á vận hội năm đó cũng được tổ chức ở New Delhi, Ấn Độ và đây cũng là năm mà lần đầu tiên Golf được đưa vào danh sách các bộ môn thi đấu chính thức.

ƯU TIÊN TÀI NĂNG TRẺ

Tại Á vận hội, những thành viên đội tuyển quốc gia của các bộ môn thông thường đều là những ngôi sao sáng giá nhất của môn thể thao đó tại nước nhà. Thế nhưng Golf không như vậy. Ban tổ chức Đại hội quy định thành viên đội tuyển các quốc gia tham gia thi đấu bộ môn Golf nhất định phải đang giữ tư cách nghiệp dư và chưa chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp. Xin phép các bạn độc giả được miễn phần giải thích về tư cách nghiệp dư và chuyên nghiệp trong môn golf để đến với mục đích và lý do đưa ra quy định của những nhà lãnh đạo thể thao trong khu vực nói chung và môn golf nói riêng.

Những người đứng đầu về thể thao châu Á nhận ra rằng, bên cạnh việc tạo nên đấu trường chất lượng hàng đầu châu lục, Á vận hội mang một trọng trách to lớn hơn trên mình. Đó là phát triển nền thể thao châu lục hướng tới các Đại hội thể thao thế giới như Thế vận hội Olympic hay World Cup. Đó chính là lý do tại sao họ thường ưu tiên yếu tố trẻ trong các môn thể thao. Với bóng đá, đó là đội tuyển U23+++, với golf đó chính là đội tuyển nghiệp dư quốc gia, hay nói cách khác, là mầm non của đội tuyển golf quốc gia trong tương lai.

Golfer Trương Chí Quân

GOLF TRẺ VÀ LIỀU THUỐC THỬ ASIAD

Thể thao chuyên nghiệp luôn luôn khắc nghiệt và golf không ngoại lệ. Để sẵn sàng thi đấu chuyên nghiệp, các tay golf nghiệp dư phải đạt được những thành tích thi đấu quốc tế đáng kể. Bởi chi phí đi lại, ăn ở và tham dự các giải golf chuyên nghiệp là không hề nhỏ. Không phải tay golf nào cũng có sự hỗ trợ và đầu tư rủng rỉnh từ phía gia đình ở thời gian chập chững vào nghề. Trước khi quyết định chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp, họ phải có kha khá những bài kiểm tra trình độ, trong khu vực cũng như trên thế giới. Và ASIAD là một trong những bài kiểm tra chất lượng khắt khe và hữu ích nhất đối với họ. Mỗi đội tuyển tham dự ASIAD bộ môn golf sẽ bao gồm 4 nam và 3 nữ nghiệp dư, đa phần là những gương mặt trẻ sáng giá nhất của quốc gia đó. Họ đều là những tay golf nghiệp dư xuất sắc, chuẩn bị chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp. Lịch sử các nhà vô địch ASIAD đã vinh danh những ngôi sao sáng nhất của golf chuyên nghiệp châu Á qua các thời kỳ.

Đội hình tuyển golf Việt Nam tham dự Asiad 18

Nhưng không ít những tay golf đã và đang thi đấu tại hệ thống giải golf chuyên nghiệp danh giá nhất PGA Tour từng có thành tích tại ASIAD như Shigeki Maruyama (Nhật Bản – 3 chiến thắng trên PGA Tour, lọt vào top 20 thế giới), Kim Kyung-tae, Kim Min Whee, Kim Bio (Hàn Quốc), Pan Tsung Cheng (Đài Loan), Anirban Lahiri (Ấn Độ), Kiradech Aphibarnrat (Thái Lan). Bên cạnh đó là hàng loạt các tay golf đã và đang làm mưa làm gió trên hệ thống giải golf nhà nghề châu Á như huyền thoại golf Trung Quốc Zhang Lian Wei, Gaghangjeet Bulaar, Rashid Khan, Shiv Kapur… (Ấn Độ); Chan Shi Chang, Sung Mao Chang, Kao Bo Song.. (Đài Loan); Danthai Boonma, Prom Meesawat (Thái Lan), Angelo Que, Miguel Tabuena (Phillipines) và hàng chục hàng trăm tên tuổi đình đám khác trong khu vực. Về nữ giới, nổi tiếng nhất có lẽ là cựu số 1 thế giới Ruby Tseng Yani (Đài Loan), cô đã từng có một thời gian thống trị golf nữ thế giới; hay chị em nhà Ayi Miyazato, Mika Miyazato của Nhật Bản, Ryu So Yeon và hàng loat tay golf nữ Hàn Quốc nổi tiếng khác.

VIỆT NAM VÀ GIẤC MỘNG HUYCHƯƠNG ASIAD

Tham dự lần đầu vào năm 2006 tại Doha, Qatar, đội tuyển golf Việt Nam đã trải qua 3 kỳ ASIAD, nhưng dường như sân chơi này hiện đang quá tầm so với trình độ golf của nước ta. Mục tiêu trước mắt của đội tuyển golf Việt Nam mới chỉ dừng ở mức khiêm tốn là một chiếc huy chương của SEA Games, chứ đừng nói đến hy vọng tranh chấp ở đấu trường châu lục. Thế nhưng, golf cũng như các môn thể thao khác, luôn ẩn chứa những yếu tố bất ngờ. Đặc biệt là khi golf là một môn thể thao cá nhân, chỉ cần một tài năng kiệt xuất, chúng ta có thể hy vọng vào thành tích châu lục dành cho nước nhà. Đội tuyển golf nước ta hiện đang trẻ hoá qua mỗi kỳ Á vận hội. Với sự xuất hiện của hàng loạt tay golf trẻ dưới 22 tuổi tại ASIAD 2018, đặc biệt là tay golf trẻ tuổi nhất Đoàn Xuân Khuê Minh (15 tuổi), có thể không phải ở Đại hội này, nhưng trong 2 đến 3 kỳ Đại hội tới, thành tích bất ngờ có thể xuất hiện với Việt Nam.

Tác giả Nguyễn Ngọc Chu

0 lượt thích598 lượt xem

Tin bài khác