Chuyển tới nội dung

Xu thế hàng hiệu 2015

Theo một bản báo cáo về thị trường xa xỉ 2015, đa phần các nhãn hiệu xa xỉ nhất đều khẳng định, chiến lược năm 2015 của họ là tập trung vào việc làm tăng giá trị, các sản phẩm cao cấp hơn và hướng tới khách hàng giàu có nhất.

Xu thế cá nhân hóa

Hay còn được gọi dưới cái tên bespoke sẽ tiếp tục là một trào lưu mang tới nhiều thú vị cho thị trường hàng xa xỉ. Thực ra, bespoke đã xuất hiện từ rất lâu và nó thực sự trở lại mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Điều này cũng không phải là lạ bởi dẫu kinh tế có khủng hoảng, bất ổn diễn ra hết ở lục địa già tới lục địa đen thì người giàu vẫn cứ giàu lên và nói không ngoa thì bất ổn càng làm đầy thêm túi tiền của người giàu. Và bởi những người siêu giàu luôn mong muốn tìm kiếm những món đồ độc bản nên bespoke lại càng có đất để tung hoành trong thời gian tới đây.  

Sự thành công của thương hiệu xe hơi quý tộc Rolls-Royce hai năm gần đây là một ví dụ điển hình. Năm 2013, 95% những chiếc Rolls-Royce rời trụ sở Goodwood của hãng với các chi tiết bespoke theo yêu cầu cá nhân của từng khách hàng. Mở ngoặc ngay rằng, theo tiết lộ từ phía Rolls-Royce thì trong năm đầu, 90% lượng xe Wraith được sản xuất với các tùy chọn bespoke. Riêng thị trường Trung Đông, bespoke được thực hiện tới 99% với dòng xe Ghost và Phantom. Còn năm 2014 vừa qua, Rolls-Royce đánh giá, bespoke tiếp tục thăng hoa và sẽ là một trong những chiến lược quan trọng của hãng thời gian tới. Nghe nói, nhu cầu này đã tạo thêm hơn 200 việc làm mới trong 18 tháng qua tại Rolls-Royce.

Bespoke có thể coi là một trào lưu trong thời gian qua, đặc biệt với nhóm xe siêu sang. Không chỉ Rolls-Royce, một loạt hãng xe cho giới nhiều tiền cũng đã thành lập bộ phận có nhiệm vụ thực hiện những yêu cầu cá nhân hóa. McLaren có MSO Bespoke. Jaguar Land Rover hồi giữa năm 2014 đã thành lập bộ phận Special Operations cho phân khúc cá nhân hóa xe sang. Audi đã bắt đầu thực hiện những chương trình như Audi Exclusive để đáp ứng nhu cầu bespoke cho khách hàng của mình…

Cửa hiệu online

Có thể nói, ngành công nghiệp xa xỉ là một trong những ngành bảo thủ và dè chừng bậc nhất trước cuộc tấn công của Internet và mạng xã hội. Nhưng đến thời điểm hiện tại thì dường như ngành công nghiệp này đã bắt đầu đầu hàng và khuất phục trước sức lan tỏa khủng khiếp của mạng xã hội. Nếu như trước đây, xa xỉ nói không với Internet để bảo vệ thương hiệu của mình. Thì nay, xuất hiện và quảng bá trên Internet là cách khuếch trương và kiểm soát thương hiệu của chính họ. 

Xu thế này càng thấy rõ khi một loạt các thương hiệu nổi tiếng và từng rất khắt khe với Internet như Chanel, Hermes, Dior, Prada… đã coi mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter là một phần trong chiến lược quảng bá hình ảnh của họ. Còn Burberry đã tạo hẳn một ứng dụng để các tín đồ có thể xem trực tiếp các show diễn cũng như mua sắm online. Một ví dụ khác cho thấy xu thế bắt tay này chính là việc tập đoàn LVMH ngừng vụ kiện kéo dài đã 9 năm với eBay. Không những ngừng kiện, LVMH còn bắt tay hợp tác với trang thương hiệu điện tử lớn bậc nhất thế giới này. Còn Chanel hồi đầu tháng 4 này đã chính thức khai trương cửa hiệu trực tuyến đầu tiên. 

Sự bùng nổ của mạng xã hội cũng đồng nghĩa với việc các tạp chí thời trang đang dần mất đi quyền lực của mình. Đã qua rồi cái thời, các tạp chí thời trang tiên phong tạo xu thế. Ngôi vị đang dần thuộc về các bloggers với những cách mix đồ của riêng họ. 

Thị trường Mỹ trở lại ngôi vương

 

Kinh tế tăng trưởng chậm cộng với công cuộc chống tham nhũng của vị tân chủ tịch đã khiến Trung Quốc mất ngôi vương trên bản đồ hàng hiệu. Ngôi vị ấy giờ đã trả lại cho Mỹ vào năm ngoái và dự báo, năm 2015, Mỹ vẫn cứ là thị trường năng động nhất của ngành công nghiệp hàng hiệu. Dự báo này cũng không phải quá bất ngờ bởi những tín hiệu rất tốt từ nền kinh tế Mỹ. Nền kinh tế đang dần phục hồi, đồng đô la ngày càng khẳng định được sức mạnh, không nói đâu xa, năm 2014, Mỹ là nước có số lượng tỷ phú đô la nhiều nhất, lên tới 571 người, đông nhất thế giới. Cũng theo Luca Solca, chuyên gia phân tích về hàng xa xỉ của Exane BNP Paribas thì thị trường Mỹ rất năng động trong hai năm trở lại đây. Còn Mario Ortelli, chuyên gia nghiên cứu thị trường của Berstein thì đánh giá những nhóm hàng bán chạy nhất ở Mỹ là nữ trang, đồ da thuộc, giày dép và thời trang. Nhân vật này cũng tiết lộ trên tờ Le Monde của Pháp rằng, nhóm hàng nước hoa đã đạt vào độ chín muồi trong khi với tập đoàn Richemont lại đạt được những con số kinh doanh rất khả quan nhờ vào đồng hồ và nữ trang. Geoffroy de la Bourdonnaye, chủ tịch Chloe thì khẳng định, tất cả đã các nhóm hàng của Chloe tại Mỹ đều đạt những con số bán hàng rất tốt và điều đó cho thấy, thị trường này đã tái sinh. 

0 lượt thích

Tin bài khác