Chuyển tới nội dung

Tương lai nào cho caddie Việt Nam

Bên cạnh việc hỗ trợ cho golfer trong mỗi vòng đấu, nghề caddie ở Việt Nam hiện nay còn đang mang lại một hướng đi khá thú vị, đó chính là golf chuyên nghiệp.

Tương lai nào cho caddie Việt Nam

Caddie luôn là một phần không thể thiếu trong golf, kể cả nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp. Họ là những người bạn, người đồng hành với golfer suốt 5 tiếng đồng hồ trong mỗi vòng đấu và thậm chí là cả tháng, cả năm đối với các tay golf chuyên nghiệp. Thế nhưng bên cạnh việc hỗ trợ cho golfer trong mỗi vòng đấu, nghề caddie còn mang lại một hướng đi khá thú vị đó chính là golf chuyên nghiệp.
Golf là một môn thể thao khá xa xỉ, đặc biệt với các quốc gia châu Á. Chi phí để chơi golf hiện nay ở Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung còn tương đối cao, và không phải ai cũng đủ tài chính để chơi, chứ đừng nói đến theo đuổi golf chuyên nghiệp. Để đào tạo được một tay golf chuyên nghiệp, chúng ta cần không dưới 1 chục năm khổ luyện, và trong suốt thời gian đó, các tay golf phải đánh liên tục trên sân; trong khi đó chi phí cho mỗi vòng chơi trung bình ở mức 50$-70$ (chưa tính tips). Làm một phép tính đơn giản, với các tay golf tập luyện để thi đấu chuyên nghiệp không thể đánh dưới 1 vòng golf trong 2 ngày, chúng ta có thể ước tính được chi phí chơi lên đến 10,000$/1 năm và 10 năm là trên dưới 100,000$. Bên cạnh chi phí đào tạo và các phí khác, đây là một con số không hề nhỏ để phổ cập được golf chuyên nghiệp đến cho số lượng lớn ở châu Á.
Thế nhưng, nếu bạn là một caddie thì đó lại là câu chuyện khác. Bên cạnh việc khá nhiều sân cho phép nhân viên của mình được đánh golf miễn phí khi sân vắng, việc đi caddie thường xuyên cũng giúp cho họ có một cảm nhận tốt hơn về nhiều yếu tố khác trong golf như đọc green, xử lý tình huống, luật golf, thể lực và thậm chí điều hành sân golf. Đặc biệt, một số caddie chuyên nghiệp trên thế giới còn có cơ hội được tiếp xúc với các tay golf đỉnh cao, học hỏi được nhiều điều từ họ, thay vì phải trả hàng núi tiền cho các học viện golf hay các thầy dạy golf tên tuổi. Tất nhiên cơ hội không phải ai cũng có và thời gian tiếp xúc cũng không nhiều, nhưng với những người có ý chí và ý thức cầu tiến, thì đây là những cánh cửa hẹp đi đến thành công mà họ hoàn toàn có thể mở khoá.
Ngày 26/9/2017 đánh dấu cột mốc lịch sử của Golf chuyên nghiệp Việt Nam khi FLC Vietnam Masters 2017 chính thức bắt đầu. Hệ thống giải golf chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam đã thu hút gần 60 tay golf chuyên nghiệp tham gia thi đấu, một con số kỷ lục mà mọi người đều vô cùng ngạc nhiên và chú ý. Nhưng ít ai để ý đến một con số tuy nhỏ nhưng đáng chú ý khác đó chính là số lượng caddie riêng được sử dụng ở giải đấu - HAI. Đó là caddie của golfer Andy Chu và Nguyễn Văn Toàn. Tuy nhiên, con số này chắc chắn sẽ tăng nhiều hơn nữa trong các giải đấu sắp tới, khi tính chuyên nghiệp của các tay golf tham dự được nâng cao. Đòi hỏi về chuyên môn cũng như sự chuyên nghiệp của caddie phải được cải thiện. Nghề caddie chuyên nghiệp sẽ phải được hình thành và phát triển. Bên cạnh việc được trả lương cứng cho các giải đấu, những caddie chuyên nghiệp này dần sẽ được hưởng các khoản lương thưởng khác bởi thành tích của các tay golf chuyên nghiệp tham dự hệ thống giải đấu. 

Tương lai nào cho caddie Việt Nam

Caddie chuyên nghiệp ở Việt Nam sẽ phát triển theo xu hướng của thế giới, tuy nhiên với quy mô và số lượng các giải đấu chuyên nghiệp tại nước ta hiện nay không cho phép nhiều tay golf chuyên nghiệp có thể sở hữu caddie riêng. Chi phí đi lại ăn ở cho họ sẽ là áp lực khá lớn cho mỗi chuyến du đấu. Trong tương lai gần, hướng đi chủ đạo đến thành công của caddie ở Việt Nam vẫn là khổ luyện và tận dụng cơ hội để hướng tới thi đấu, dạy golf chuyên nghiệp hoặc điều hành, công tác trong ngành công nghiệp golf.

0 lượt thích646 lượt xem

Tin bài khác