Chuyển tới nội dung

Thuốc thử của sự chuyên nghiệp

Để có thể phát triển theo con đường chuyên nghiệp, golf Việt Nam sẽ cần những gì?

 Thuốc thử của sự chuyên nghiệp

Đầu tháng 12 vừa qua, người hâm mộ bộ môn golf đã được chứng kiến Hyosung Championship, một giải đấu chuyên nghiệp thuộc hệ thống KLPGA (Hiệp hội golf chuyên nghiệp nữ Hàn Quốc) được tổ chức tại sân Twin Doves, Bình Dương.
Với một ê kíp bài bản được Hiệp hội golf nữ Hàn Quốc và tập đoàn Hyosung kết hợp với kênh truyền hình golf SBS (Hàn Quốc) và sân golf Twin Doves, giải đấu thật sự đã đưa đến cho người hâm mộ golf Việt Nam một bầu không khí tầm cỡ quốc tế.
Bên cạnh không khí rộn ràng chờ đón Tết, làng golf Việt Nam cũng đang ngóng chờ giải đấu chuyên nghiệp thứ hai, Vietnam Classics. Giải đấu này, được xem là một bài test phản ứng của nền golf chuyên nghiệp Việt Nam sau cú hích FLC Vietnam Masters cuối tháng 9 vừa qua. 

TÀI CHÍNH - CỐT LÕI CỦA GIẢI GOLF CHUYÊN NGHIỆP
Không thể phủ nhận một điều, chuyên nghiệp đi đôi và đồng nghĩa với tài chính. Nhìn lại sự ra đời của Hệ thống giải golf chuyên nghiệp Việt Nam (VPGA) hướng đến mục tiêu là thiết lập giải đấu chuyên nghiệp dành cho các golfer chuyên nghiệp Việt Nam thi thố tài năng, qua đó nâng cao trình độ kỹ thuật, tôi luyện bản lĩnh và tích lũy kinh nghiệm thi đấu nhằm chuẩn bị đầy đủ cho các golfer khi tham dự các giải đấu chuyên nghiệp quốc tế. Tuy nhiên, muốn đạt được sự chuyên nghiệp, vấn đề “đầu tiên” chính là “tiền đâu”.

Một giải đấu chuyên nghiệp, đòi hỏi phải có tiền để tổ chức, đáp ứng được hai yếu tố là kinh phí tổ chức và giải thưởng để hấp dẫn các golfer chuyên nghiệp. Ở những giải đấu hàng đầu thế giới, yếu tố tiền thưởng chính là sức hút để những golfer hàng đầu góp mặt vào giải đấu. Điều này cũng đặt Ban điều hành VPGA dưới một áp lực khủng khiếp để vận động được nguồn vốn để xây dựng và phát triển hệ thống giải đấu của mình. Trước mắt, với sự chung tay của tập đoàn FLC chỉ là một bước đệm để VPGA có thể thể hiện được năng lực của mình, trước những thử thách huy động được nguồn lực tài chính để duy trì và đảm bảo cho hệ thống của mình được tổ chức thường xuyên và chất lượng. Về lâu dài, chính VPGA chứ không ai khác là người sẽ đóng vai trò chính để tạo được sự hấp dẫn nhằm lôi kéo được những doanh nghiệp khác bằng những hiệu quả tài chính - thương mại khi gắn tên mình với các sự kiện của VPGA. 

GOLFER CHUYÊN NGHIỆP - THÁCH THỨC CỦA ĐẦU TƯ CÁ NHÂN
Khó một ai có thể sống với một niềm đam mê nếu niềm đam mê đó không đảm bảo cho cuộc sống của họ. Tương tự như các bộ môn thể thao khác, chuyên nghiệp đồng nghĩa với số tiền mà các golfer kiếm được. Giải đấu thứ hai sắp tới được xem là nơi các pro-golfer Việt Nam thể hiện sự kiên định trong con đường theo đuổi sự nghiệp.
Nếu xét đến hai mảng chuyên môn quan trọng nhất của một golfer, thì thu nhập từ dạy golf và tiền thưởng là hai nguồn thu nhập chính. Cả hai mảng này đều có một đặc thù khắc nghiệt của thể thao, đó chính là trình độ và tên tuổi của golfer. Có kẻ ăn không hết người lần lại chẳng ra. Nếu nhìn rộng ra bình diện thế giới, những ngôi sao sáng nhất có thu nhập khủng chiếm một tỉ lệ rất thấp, phần còn lại vẫn phải vật lộn để chứng tỏ và giới thiệu mình với công chúng. Cuộc sống của một golfer chuyên nghiệp không chỉ có một màu hồng với nhà sang, xe đẹp mà còn là chiến đấu không ngừng với lịch thi đấu, tập luyện, di chuyển, những thứ sẽ ngốn của họ không ít tiền bạc và thời gian. Các golfer chuyên nghiệp Việt Nam rồi sẽ thực sự thấm thía những trải nghiệm này khi phải săn vé máy bay giá rẻ, share chỗ ở tại địa điểm thi đấu và tự túc các kinh phí khác mà không chắc rằng mình có thể thu lại được số tiền từ giải đấu hay không. Như vậy, sẽ có bao nhiêu golfer Việt đủ nghị lực và đam mê để có thể theo đuổi sự nghiệp đầy thử thách này? 

XÃ HỘI HÓA - ĐỂ CÓ MỘT NỀN GOLF CHUYÊN NGHIỆP BỀN VỮNG
Ở Việt Nam có một thực tế rằng, số người đang luyện tập và chơi golf bị hạn chế trong nhóm những người có khả năng chi trả cho chi phí của bộ môn này. Điều này dẫn đến hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Hệ quả là, hiện nay một mình Trần Lê Duy Nhất đang rất cô đơn với những giải đấu chuyên nghiệp quốc tế. Thực tế trong bộ môn golf đã chỉ ra rằng, để được một nền thể thao golf chuyên nghiệp, nền tảng của nền golf nghiệp dư phải thật sự vững vàng. Điều đó phải được đảm bảo bằng một hệ thống các giải nghiệp dư có chất lượng và đủ số lượng để các vận động viên nghiệp dư có đủ trải nghiệm và cọ xát trước khi chuyển qua thi đấu chuyên nghiệp.
Xã hội hóa đang là một xu thế thức thời để phát triển golf nói riêng. Thực hiện được xã hội hóa đơn giản là để huy động những nguồn lực chung của xã hội nhằm phát triển tối đa bộ môn golf của Việt Nam. Điều này nhắm đến việc gia tăng địa điểm tập luyện, thi đấu, số người chơi, số người quan tâm theo dõi. Nhà nước, ở đây là Tổng cục TDTT đóng vai trò trung tâm trong việc tạo dựng cơ chế hoạt động. Từ đó, tạo ra tiền đề để phát triển sự đầu tư của các doanh nghiệp vào bộ môn và nền công nghiệp golf. Những cá nhân đang cấu thành nền golf quốc gia có thể tạo được sự thu hút cho các doanh nghiệp và ngược lại, các doanh nghiệp có thể nhìn thấy được những nguồn lợi từ việc đầu tư vào bộ môn này, nhằm tạo nên một đòn bẩy để phát triển được nền golf chuyên nghiệp Việt Nam.

0 lượt thích

Tin bài khác