Chuyển tới nội dung

Nhớ golf xưa

Trong những năm tháng sơ khai của golf Việt, người chơi được trải qua những cảm giác lâng lâng khó tả. Cảm xúc trên sân là sự tổng hòa của niềm vui đánh bóng, sự chia sẻ với bạn chơi, thời tiết mỗi mùa… không lần nào giống lần nào.

By Tạ Anh Chiến

 Nhớ golf xưa

Hối hả golf nay

Môn golf xuất hiện ở Việt Nam đã gần 100 năm kể từ khi ra đời sân Đồi Cù ở Đà Lạt, nhưng nó chỉ thực sự phát triển mạnh trong vài thập niên gần đây. Theo ước tính, hiện nay cả nước có khoảng gần bốn vạn người chơi và hơn 50 sân golf đang hoạt động. Đây là một tỷ lệ khá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng như so với dân số hơn 90 triệu người của Việt Nam. Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng trưởng, ngành công nghiệp golf nước ta đang có dấu hiệu rõ nét về sự bùng nổ trong thời gian tới – với độ mở của chính sách nhà nước hiện nay và mức độ đầu tư của các doanh nghiệp cho các quần thể nghỉ dưỡng kết hợp chơi golf trên khắp cả nước.

Giờ đây đến sân golf, ta cảm nhận rõ một bầu không khí nhộn nhịp. Cuộc sống năng động kéo theo cuộc chơi cũng thêm phần hối hả. Golf đã khác xưa khá nhiều khi cả phía nhà cung cấp dịch vụ lẫn người chơi đều gia tăng tính chuyên nghiệp, nhưng đồng thời cũng có vẻ khô khan hơn, vội vã hơn, bỏ đi mất những cảm xúc thư giãn, lãng mạn, chia sẻ… đặc trưng của môn chơi đẹp đẽ này.

 Nhớ golf xưa

Cách thức hưởng thụ golf hiện nay không như trước kia nữa. Các golfer không còn thích đi bộ ở sân, thay vào đó họ sử dụng xe điện với lời giải thích rút ngắn thời gian và đỡ ngại khi di chuyển. Người chơi golf cũng ít có nụ cười thư giãn mà thường mang vẻ mặt căng thẳng, tập trung, lên xuống xe điện vội vàng, bởi bây giờ đa số các nhóm chơi đều có cá độ.

Các nhà khai thác sân golf đón bắt được xu thế phát triển mạnh của golf hiện nay nên đã thay đổi phương thức kinh doanh nhằm tăng doanh thu triệt để. Các sân nhận nhiều khách, lại ít đặt lịch chơi cụ thể nên ở khu xuất phát thường ồn ào như một ngày hội. Người chơi có cảm giác hối hả, đôi khi buổi chơi như bị cắt vụn khi nhân viên sân golf luôn hối thúc vì sợ chậm trễ trên các đường golf. Sức ép khai thác cũng dẫn đến việc nhiều sân golf đã trang bị đèn cho phù hợp với mong muốn chơi giờ tối của các golfer bận rộn. Trong ánh đèn tiện nghi bật sớm, người chơi sẽ không còn được trải nghiệm sự thú vị khi chơi golf lúcchiều tà trong ánh hoàng hôn của mặt trời đang lặn khuất núi khuất rừng. Chẳng còn cảm giác man mác khó tả trong những cú đánh cuối ngày cho kịp trước khi trời sập tối. Chẳng còn cảnh tượng người chơi ra về sau buổi đấu như người nông dân rời cánh đồng về nhà sau một ngày dài miệt mài lao động.

Thi vị golf xưa

Cảm nhận sự hối hả của golf hiện nay, liệu chúng ta có nên hoài niệm về những khoảnh khắc êm đềm xưa cũ của golf trước đây? Câu trả lời là: “rất cần” – cho những ai không biết, chưa có dịp trải nghiệm hay đã lãng quên một thời mới gần đây thôi, GOLF còn được “dịch” là: G (Green) – màu xanh; O (Oxygen) – ôxy; L (Leisure) – giải trí và F (Friendship) – bằng hữu.

 Nhớ golf xưa

Giai đoạn thập niên 90 của thế kỷ trước, môn golf quay lại sau gần bảy mươi năm nước ta chìm trong chiến tranh và nghèo khó. Vài sân golf ra đời sớm nhất là sân Đồng Mô (ở miền Bắc), sân Sông Bé (ở miền Nam)… Khi đó mới chỉ có vài chục người chơi thường xuyên đến sân golf vào dịp cuối tuần. Golfer chủ yếu là các quan chức ngoại giao, người nước ngoài và một số chủ doanh nghiệp có dịp tiếp xúc với golf qua các cơ hội giao thương trên thế giới. Các sân tập golf ở thành phố lớn cũng lần lượt xuất hiện như sân Rạch Chiếc (Sài Gòn), sân Láng Hạ (Hà Nội)… Hồi ấy chỉ có một vài huấn luyện viên người nước ngoài, còn lại chủ yếu là các golfer Việt Nam chỉ dẫn qua lại cho nhau.

Golf thời đó vô cùng đắt đỏ. Giá thuê bóng tập khoảng 10 USD/100 bóng, giá chơi trên sân golf dành cho khách vãng lai (visitor) từ 100 – 200 USD cho 18 hố, giá thẻ hội viên (membership) khoảng vài chục nghìn USD. Việc tìm kiếm bộ gậy golf hay các phụ kiện phù hợp cũng không dễ dàng và giá rất đắt.

Các sân golf thời điểm đó kinh doanh theo mô hình sân tư nhân (private) nên nếu không phải thành viên (member) thì rất khó được vào chơi, ngoài vấn đề chi phí lớn. Thậm chí nếu không được thành viên của sân đó mời chơi cùng nhóm (flight) thì không thể vào sân.

 Nhớ golf xưa

Trong những năm tháng sơ khai đó của golf Việt, người chơi được trải qua những cảm giác lâng lâng khó tả. Chính sự “khó khăn” để có thể chơi một trận golf đã tạo nên sự háo hức, mong chờ trước mỗi lần đến sân. Cảm xúc trên sân là sự tổng hòa của niềm vui đánh bóng, sự chia sẻ với bạn chơi, thời tiết mỗi mùa… không lần nào giống lần nào. Dù là cái nắng chói chang pha lẫn cơn gió hè tươi mát, hay những khoảnh khắc sương mù đẫm nước, hoặc tiết trời lất phất mưa phùn… đều là một phần của sự trải nghiệm lý thú.

Đã qua rồi cái thời sân vắng người thưa, ít khi gặp cảnh “tắc đường” trên khu phát bóng (teebox). Trận golf của thời xa xưa ở xứ Scotland – cái nôi của golf – như được tái hiện, khi cả nhóm sau cú phát bóng mọi người có thể thong thả đi bộ cùng nhau, trò chuyện dăm câu ba điều trước khi di chuyển về chỗ bóng của mình để chơi cú tiếp theo. Để rồi khi bạn chơi ghi được điểm tốt, mọi người cùng tụ lại trên green trao nhau cái bắt tay và lời ngợi khen chân thật. Giữa khung cảnh đất trời rộng mở, thảm cỏ xanh tươi, xung quanh cỏ cây hoa lá, đồi núi, ao hồ… nhiều chia sẻ quý giá về cuộc sống và công việc được bày tỏ mà bình thường chúng ta khó có cơ hội để mở lòng.

Golf là một môn chơi giải trí, một môn thể dục thể thao nâng cao sức khỏe và tinh thần. Golf “xưa” tập luyện không nhiều, dụng cụ cũng không được đầu tư như ngày nay. Vì vậy thật vui sướng khi bạn đạt điểm số tốt trên sân với bộ gậy cũ kỹ nhưng đầy ắp kỷ niệm của mình. Bạn thích thú chinh phục sân golf với nhiều hạn chế về kỹ thuật và dụng cụ mà mình đang sở hữu. Đấy thật ra là sự trải nghiệm, sự chinh phục, sự vượt qua chính mình.

Golf course 2

Chơi golf để đem lại cảm xúc thi vị cho chính mình thì giá trị hơn là bạn chơi vì sự ngưỡng mộ của người khác. Giảm đi áp lực chơi vì người khác và chơi vì kỳ vọng quá lớn về điểm số, lúc đó chúng ta sẽ được thưởng thức một trận golf đích thực. Điều này đã được một golfer nghiệm ra sau nhiều năm chơi golf: Lúc mới chơi ai cũng ham thành tích và quan tâm đến điểm số. Nhưng chơi lâu rồi, câu trả lời cho câu hỏi: “Hôm nay bạn chơi kết quả thế nào?” chỉ còn là: “Thời tiết quá đẹp, bạn cùng chơi tuyệt vời và món ăn rất ngon…”

Cuộc sống hiện đại có thể sẽ làm biến đổi nhiều nét văn hoá cổ xưa – âu cũng là sự tất yếu của quá trình phát triển. Nhưng chúng ta sẽ còn lại gì khi cuộc chơi chỉ là những “phép toán”? Hãy thả lỏng, bớt căng thẳng để trên từng bước chân thong thả tản bộ trên sân golf, sâu thẳm trong tâm hồn ta là sự lắng đọng của quá khứ, ước mơ về những điều tốt đẹp trong tương lai. Hãy giữ lại chút gì “rất golf” trong cuộc sống vốn là những điểm số được ghi trên scorecard cuộc đời ta.

GOLF là gì?

G (Green) – màu xanh;

O (Oxygen) – ôxy;

L (Leisure) – giải trí và

F (Friendship) – bằng hữu

Golf ở Việt Nam

Lịch sử: 100 năm

Số lượng sân golf: 50 sân

Tác giả Tạ Anh Chiến

0 lượt thích

Tin bài khác