Chuyển tới nội dung

Nhìn lại mùa golf thế giới 2016

Trong golf không có sự độc tôn. Mọi sự thống trị trong golf đều có giới hạn.

Nhìn lại mùa golf thế giới 2016

Mùa golf năm 2016 đi qua với những dấu mốc lớn nhỏ và theo thời gian sẽ không tránh khỏi sự nhạt mờ. Những dấu mốc này sẽ để lại vết tích sâu hay cạn, ngắn hay dài, còn tùy thuộc vào không gian mà chúng có tầm ảnh hưởng. Dưới đây chỉ xin điểm lại bốn cột mốc, liên quan tương ứng đến toàn bộ hành tinh, châu lục, khu vực và đất nước.

Sự hồi sinh golf Olympic và những thay đổi cần thiết

Dấu mốc đậm nhất của làng golf thế giới năm 2016 là sự trở lại của golf Olympic tại Rio De Janeiro từ 11-20/8/2016 - sau 112 năm vắng bóng. 60 golf thủ nam và 60 golf thủ nữ của 41 quốc gia đã tham gia tranh tài để giành các bộ huy chương danh giá của giải đấu thể thao lớn nhất hành tinh. Mỹ là nước có số lượng golf thủ đông nhất tham dự đấu trường golf Olympic (4 nam, 3 nữ). Ở châu Á, các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan đều có 2 nam và 2 nữ golf thủ, còn Hồng Kông có 1 nữ golf thủ và Philippines có 1 nam golf thủ. Sự lớn mạnh của golf châu Á và Đông Nam Á là điều khích lệ nhưng đồng thời cũng là nỗi niềm chạnh lòng của nền thể thao golf Việt Nam.

Ở giải đấu nam, Justin Rose với thành tích -16 gậy sau 4 vòng đấu đã mang tấm huy chương Vàng Olympic golf đầu tiên về cho nước Anh. Henrik Stenson với kết quả -14 gậy giành huy chương Bạc cho Thụy Điển. Còn Matt Kuchar (-13) mang huy chương Đồng về cho nước Mỹ.

Ở giải golf nữ là sự thống trị của các nữ golf thủ châu Á. Inbee Park với kết quả -16 gậy đã giành được tấm huy chương Vàng danh giá cho xứ sở Kim chi. Huy chương Bạc thuộc về nữ golf thủ số 1 thế giới Lydia Ko. Điều bất ngờ lớn là nữ golf thủ Shanshan Feng đã vượt lên các tay golf danh tiếng của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản để mang tấm huy chương Đồng về cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, golf Olympic 2016 chưa thu được sự đón chào nồng nhiệt như kỳ vọng bởi những hạn chế về thể thức thi đấu. Thứ nhất là thể thức đấu gậy 72 hố golf không tạo ra hứng thú và kịch tính bằng thể thức Match Play. Thứ hai là cách tuyển chọn golf thủ tham dự Olympic mang tính cá nhân, dựa trên tổng hòa yếu tố bảng xếp hạng thế giới và có hạn chế số lượng theo quốc gia. Cách tuyển chọn này chưa đề cao đúng mức tính đại diện quốc gia dân tộc. Bởi vậy muốn đưa môn golf Olympic lên kịch tính và hấp dẫn hơn, cần phải tranh huy chương dưới màu cờ đội tuyển quốc gia và theo thể thức Match Play. Tin rằng Ủy ban golf Olympic sẽ có những thay đổi phù hợp để golf Olympic đạt được sự hấp dẫn xứng tầm.

Sự hồi sinh golf Olympic và những thay đổi cần thiết

Sự đổi ngôi ở Ryder Cup

Đấu trường mong đợi nhất của làng golf thế giới hiện nay không phải là golf Olympic mà là Ryder Cup. Dẫu rằng chỉ mang màu cờ sắc áo của Mỹ và châu Âu nhưng đẳng cấp, tính quyết liệt và kịch tính là ba nhân tố làm nên sự khác biệt số 1 của Ryder Cup.

Cuối cùng thì sau 3 kỳ thất thủ liên tiếp trong vòng 8 năm, nước Mỹ đã lấy lại thế thượng phong vào ngày 2/10/2016 với chiến thắng cách biệt oanh liệt 17-11 tại sân golf Hazeltine trước đội tuyển châu Âu. Chiến thắng của đội tuyển Mỹ không chỉ mang lại niềm vui cho nước Mỹ mà còn có ý nghĩa lớn hơn cho sự phát triển của golf. Bởi nhẽ sự thống trị của châu Âu sẽ làm cho kịch tính và sức hấp dẫn của đấu trường golf thuyên giảm. Và quan trọng hơn thế nữa, nó minh chứng cho tính biện chứng, rằng thế giới này không thể có sự độc tôn. Dẫu là Mỹ, là châu Âu, hay bất cứ châu lục, quốc gia nào khác, sự thống trị có giới hạn và sẽ thay nhau đổi ngôi.

Sự đổi ngôi ở Ryder Cup

Sự trỗi dậy của golf Thái

Làn sóng golf nữ Hàn Quốc khuynh đảo đấu trường LPGA Tour còn chưa dứt thì tin nữ golf thủ Thái Lan Ariya Jutanugarn được trao giải Nữ golf thủ của năm 2016 như tia chớp sửng sốt cả làng golf nữ thế giới.
Vượt qua ngôi sao trẻ sáng chói Lydia Ko, bỏ lại các tay golf cự phách từng nhiều năm giữ ngôi đầu bảng và làm mưa gió làng golf nữ thế giới như Inbee Park, Michelle Wie, Paula Creamer, nữ golf thủ 21 tuổi (sinh ngày 23/11/1995) Jutanugarrn không chỉ mang lại danh giá cho cá nhân mình mà còn vững chắc đặt “quân cờ Thái Lan” lên bản đồ golf nữ thế giới.

Rồi đây sẽ còn nhiều nữ golf thủ người Thái chinh chiến trên đấu trường LPGA Tour và sẽ mang lại cho Thái Lan nhiều chiến tích lẫy lừng nữa, nhưng những điều mà Ariya Jutanugarn đã làm được là không lặp lại: người đầu tiên giành chiến thắng giải Major, người đầu tiên dành giải Nữ golf thủ của năm, người đầu tiến cất lên tiếng nói và cầm lá cờ Thái Lan tranh bá.

Sự trỗi dậy của golf Thái

Và dấu ấn của Trần Lê Duy Nhất

Với kết quả -17 gậy sau bốn vòng đấu tại giải Resort World Manila Master của Asian Tour, tay golf số 1 Việt Nam Trần Lê Duy Nhất đã vượt 193 bậc để giữ vị trí 836 trên bảng xếp hạng thế giới. Thứ bậc cao nhất mà Trần Lê Duy Nhất từng xếp là vị trí 763 sau chức vô địch Ciputra Golf Preneur Tournament của Asian Development Tour (2015). Âm thầm và lặng lẽ, Trần Lê Duy Nhất đang đặt những viên gạch mỗi ngày một cao hơn, nâng golf Việt Nam từng bước nhô dần lên trên bản đồ golf thế giới.

Rồi sẽ đến ngày Trần Lê Duy Nhất cất lên tiếng nói cho golf Việt Nam, tương tự như Thongchai Jadee và Ariya Jutanugarn đã cất tiếng nói cho golf Thái. Bởi bài học của golf là không có sự độc tôn và mọi sự thống trị đều có giới hạn.

0 lượt thích

Tin bài khác