Chuyển tới nội dung

Xu hướng phát triển du lịch thế giới và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Theo Bản tin du lịch tuần 30/ 2016 của Tổng cục Du lịch Việt Nam, du lịch luôn được quan tâm phát triển với tư cách là ngành đem lại nhiều lợi ích về kinh tế và văn hóa-xã hội.

Xu hướng phát triển du lịch thế giới đến năm 2030

Theo nhận định chung của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 du lịch tiếp tục tăng trưởng trên phạm vi toàn cầu.

Cụ thể, số lượng khách du lịch quốc tế đã tăng trưởng từ 347 triệu lượt lên đến 1,2 tỷ lượt trong giai đoạn 1995-2015, dự báo đến năm 2030 đạt khoảng 1,8 tỷ lượt. Về điểm đến du lịch, Đông Bắc Á sẽ thu hút nhiều khách du lịch quốc tế nhất với 293 triệu lượt, vượt qua khu vực Nam Âu/Địa Trung Hải (264 triệu lượt) và Tây Âu (222 triệu lượt, và xếp thứ 4 là Đông Nam Á với 187 triệu lượt. Một điểm đáng chú ý là nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch sẽ hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hoá truyền thống, giá trị tự nhiên, giá trị sáng tạo và công nghệ cao.

Về phương tiện vận chuyển khách, sự phát triển của hàng không giá rẻ đang tác động mạnh đến khả năng đi du lịch của người dân trên thế giới, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng có thể đi du lịch bằng đường hàng không. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ thông tin như mạng xã hội và các ứng dụng Internet làm thay đổi phương thức tiếp cận và chia sẻ thông tin của khách du lịch, đòi hỏi cơ quan quản lý các điểm đến phải thay đổi phương thức xúc tiến quảng bá và định hướng thị trường. Và cuối cùng, không thể không nhắc đến chính sách mở cửa quốc tế: đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh là xu hướng chung trên thế giới trong những năm vừa qua.

Phát triển Du lịch Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Tại phiên họp thứ 54 của Ủy ban Phát triển Xã hội, tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun tuyên bố năm 2017 sẽ là “Năm của phát triển du lịch bền vững”. Ở mức khu vực, Hiệp hội Du lịch Châu Á – Thái Bình Dương (PATA) và Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) cho rằng, sự tăng trưởng cao của du lịch Châu Á – Thái Bình Dương trong những năm vừa qua đồng nghĩa với việc du lịch khu vực cần có trách nhiệm lớn hơn đối với mục tiêu phát triển toàn cầu này.

Trong bối cảnh kinh tế giảm sút, người dân có dấu hiệu giảm nhu cầu đi du lịch nước ngoài hoặc những nơi có khoảng cách xa, PATA và UNWTO khuyến nghị các nước nên quan tâm hơn tới du lịch trong nước để duy trì và đóng góp vào sự phục hồi kinh tế, xã hội.

Ngoài ra. Việc đẩy mạnh hợp tác giữa hàng không và du lịch Hàng không vẫn là phương tiện vận tải được ưu tiên trong du lịch. Hành động hợp tác mạnh mẽ nhất vừa qua là “Tuyên bố chung Medellin” về hợp tác phát triển Vận tải hàng không và Du lịch, giữa UNWTO và Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) bên lề Phiên họp Đại hội đồng Tổ chức Du lịch Thế giới lần thứ 21 tại Colombia.

Không chỉ vậy, UNWTO và PATA cũng cho rằng đã tới lúc cần quan tâm hơn tới đối tượng người khuyết tật, trong cả hai vai trò người lao động và khách du lịch. Đối tượng du khách này có yêu cầu đi lại, vận chuyển, thăm quan rất khác biệt, mang đến cơ hội mới cho ngành du lịch đang dần bão hòa với những đối tượng khách truyền thống. Ngoài ra, việc tuyển dụng người khuyết tật vào 1 số bộ phận thích hợp cũng được UNWTO và PATA khuyến khích.

0 lượt thích

Tin bài khác