Chuyển tới nội dung

Golf thành tích cao – ít cơ hội cho golf việt

Khi trình độ giữa golf thủ Việt và nước ngoài vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn, thì khả năng để các golf thủ Việt có được thành tích cao và ghi dấu ấn của mình tại các giải đấu vẫn còn bị bỏ ngỏ rất nhiều.

Tuyển golf Nữ Việt Nam ASIAD 2018 là Nguyễn Thảo My, Hanako Kawasaki và Đoàn Xuân Khuê Minh

NHỮNG CON SỐ BUỒN

Theo quy định của Asian Tour, golfer muốn có được tấm thẻ thi đấu chính thức trong hệ thống này phải vượt qua vòng loại Asian Qualifying School do Asian Tour tổ chức, hoặc là phải nằm trong top 5 các golfer kiếm tiền nhiều nhất trong các sự kiện thi đấu thuộc hệ thống giải của Asian Development Tour (hệ thống giải đấu vòng loại mở rộng cho các golfer tìm kiếm cơ hội thi đấu tại Asian Tour). Theo thống kê của Asian Tour, từ trước đến nay Viêt Nam mới chỉ có Trần Lê Duy Nhất đủ điều kiện tham gia những sự kiện thuộc hệ thống này theo đường chính quy.

Với golf Nữ, mới có golfer Tăng Thị Nhung là một ngôi sao nữ hiếm hoi từng xuất hiện trong các sự kiện golf chuyên nghiệp. Nếu mở rộng hơn ở tầm thế giới và xét cả các golfer gốc Việt Nam, có Briana Do (golfer người Mỹ gốc Việt) là người có thành tích ấn tượng nhất khi xuất hiện trong các giải đấu thuộc hệ thống LPGA. Thành tích tốt nhất của Briana là xếp hạng 25 tại giải Marathon Classic presented by Owens Corning & O-I.

Trong khi đó, ở các giải đấu nghiệp dư có tính quốc tế, chúng ta vẫn đang mòn mỏi tìm kiếm chiếc huy chương đầu tiên của của bộ môn golf tại kỳ vận hội khu vực Đông Nam Á (SEAGAMES).

Như vậy, xét về cả thành tích cho các golfer chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, dấu ấn của các golfer Việt Nam tại các hệ thống giải tầm quốc tế là rất hạn chế.

KHÓ KHĂN NGAY TẠI TRONG NƯỚC

Trương Chí Quân

5 năm trở lại đây, có một điều dễ nhận ra trong các giải vô địch Quốc gia là các golfer trẻ luôn chiếm ưu thế và giữ các vị trí cao trên bảng xếp hạng. Những cái tên như Trương Chí Quân, Nguyễn Phương Toàn, Nguyễn Thảo My, Hanako Kawasaki… đã trở nên quá quen thuộc. Đây được coi là thế hệ nòng cốt của tuyển golf Việt Nam trong những năm gần đây và có thể còn trong 5 năm tới.

Mặc dù vậy nhưng trình độ của các golfer này so với các golfer nước ngoài vẫn còn khá xa, bằng chứng có thể thấy ngay tại những giải đấu Quốc gia mở rộng, mỗi khi có golfer nước ngoài tham dự là gần như cơ hội để các golfer của Việt Nam cạnh tranh chức vô địch là không nhiều. Ví dụ, 3 mùa giải VAO gần đây nhất, chức vô địch đều thuộc về golfer nước ngoài. VAO 2017, không có golf thủ Việt Nam nào nằm trong 6 vị trí dẫn đầu. VAO 2018, duy nhất có Trương Chí Quân là golfer Việt Nam nằm trong Top 6.

VJO tổ chức được 3 năm thì 2 năm vị trí cao nhất cũng do golfer nước ngoài giữ. Duy nhất VJO 2017 chức vô địch thuộc về Hanako Kawasaki, đây là một chiến thắng rất đáng khen ngợi của nữ golf thủ Việt Nam.

Vô địch Nữ Quốc gia Mở rộng 2018 (VLAO) Hanako lên ngôi cũng là năm đầu tiên có golfer nước ngoài tham dự nên chưa phản ảnh được nhiều.

Thực tế đã cho thấy, muốn cạnh tranh sòng phẳng với các golfer nước ngoài, trước hết rất cần đến những cố gắng của mỗi cá nhân các golfer Việt trong từng giải đấu. Nhưng để nhìn xa hơn, chúng ta cần có những chính sách đầu tư dài hạn, định hình những kế hoạch phát triển rõ ràng của những người làm chuyên môn.

Hanako Kawasaki

CHUYÊN NGHIỆP – CON ĐƯỜNG CÒN LẮM MÔNG LUNG.

Trong những golfer trẻ, định hướng theo đuổi chuyên nghiệp đến thời điểm hiện tại mới có Đỗ Lê Gia Đạt (Bắt đầu đánh các giải ADT vào cuối năm 2017) và Nguyễn Thảo My đã bộc lộ về việc quyết tâm theo đuổi chuyên nghiệp. Số còn lại chưa ai đưa ra bất kỳ tuyên bố nào. Trong các golfer tiềm năng hiện nay của Việt Nam, Trương Chí Quân, Thảo My, Trần Chiêu Dương, Nguyễn Phương Toàn đang du học tại Mỹ. Tới đây sẽ là Nguyễn Phương Khang, Hanako Kawasaki cũng sẽ theo học ở những đất nước có môi trường golf phát triển. Với các em và gia đình, golf đang đóng vai trò là một sự hỗ trợ về tài chính khi đến học tập tại các trường học dưới dạng học bổng khi tham gia đội tuyển của các trường đó. Vậy khi những golfer này kết thúc chương trình đại học của mình, việc họ có tiếp tục lựa chọn thi đấu golf (nhiều chông gai) hay không vẫn là dấu hỏi. Trong khi nếu đi theo con đường chọn một chuyên môn nào đó, hoặc kinh doanh thì các golfer này đều có thể được sự hỗ trợ lớn từ những gia đình có tiềm lực tài chính. Đơn cử như Ngô Bảo Nghi, cô gái được xem là số một trong làng golf nữ vài năm trước cũng đã hoàn thành khóa học đại học tại Mỹ và hiện tại đã chuyển sang quản lý kinh doanh tại Vũng Tàu.

Một vài điểm tích cực có thể thấy là trong 5 năm trở lại đây, những cố gắng của các cấp quản lý như Tổng cục Thể dục thể Thao và Hiệp hội Golf Việt Nam trong việc phổ biến golf sâu rộng hơn đã giúp cho môn golf không còn bị ‘mặc định’ bởi số đông là môn chơi của giới quý tộc. Cùng với đó là việc tổ chức nhiều giải đấu có chất lượng chuyên môn cao trong nước, phát hiện thêm các tài năng mới và đưa các tay golf tham gia các giải đấu trong khu vực đã giúp cho golf Việt phát triển hơn. Trong tương lai, golf Việt Nam rất cần đến sự đầu tư hơn nữa không chỉ từ các cấp quản lý, mà còn cần sự hỗ trợ của các mạnh thường quân để có thêm những giải đấu chất lượng cao hơn, thu hút nhiều tài năng tham dự. Từ đó, cơ hội để golf thành tích cao sẽ nhiều cơ hội để phát triển.

0 lượt thích601 lượt xem

Tin bài khác