Chuyển tới nội dung

Học golf hiệu quả, khó hay dễ?

PGA Phạm Minh Đức chia sẻ những bí quyết để các golfer có thể học golf một cách hiệu quả nhất.

Học golf hiệu quả, khó hay dễ?

Tại Việt Nam hiện nay số lượng chuyên gia golf và huấn luyện viên chuyên nghiệp ngày càng phát triển và song song với đó là số lượng người chơi golf. Nhu cầu học golf tăng đồng nghĩa với sự ra đời của các trung tâm đào tạo tại các thành phố lớn. Việc tiếp cận học golf một cách bài bản và chuyên nghiệp từ đầu đang ngày càng trở nên dễ hơn. Nếu bạn mong muốn học golf một cách hiệu quả hãy để ý đến những điều sau.

NÊN ĐẶT MỤC TIÊU RÕ RÀNG

Mục tiêu đi tập golf và kì vọng của mỗi người hoàn toàn có thể khác nhau. Nếu bạn xác định từ đầu là học những gì cơ bản nhất rồi tự phát triển kĩ thuật từ đó thì một khóa học thường không quá dài và chi phí cũng không lớn. Tuy nhiên với những khóa học như vậy bạn cũng không nên hi vọng sẽ “biết hết” sau khi kết thúc. Có rất nhiều kĩ thuật đặc biệt trong golf mà nếu muốn tìm hiểu kĩ bạn sẽ cần thời gian cũng như khả năng cảm nhận tốt. Rất nhiều câu hỏi sẽ phát sinh trong quá trình luyện tập nhưng bạn cũng chỉ nên tập trung vào những gì là cơ bản nhất khi mới bắt đầu. Ngược lại nếu bạn muốn tập những kĩ thuật nâng cao thì số buổi học là con số bạn không nên quan tâm đến. Theo đuổi kĩ thuật là một quá trình đòi hỏi thời gian và sự luyện tập chăm chỉ và vì thế việc chỉnh sửa một động tác nhất định sẽ không thể thành công luôn và ngay. Không những thế nếu cơ thể bạn khó thích nghi với những thay đổi khi di chuyển thì số buổi tập nhiều sẽ là cần thiết. Việc chỉnh sửa kĩ thuật thường khó hơn tập mới ngay từ đầu vì thế nên ngược với những gì nhiều người vẫn nghĩ, một khóa học chỉnh sửa sẽ thường dài hơn những khóa học cơ bản.

LUÔN CÓ SỰ CHUẨN BỊ

Đến trước giờ học để khởi động, mang đầy đủ dụng cụ, trang phục, chuẩn bị sẵn giấy bút để ghi chép đều giúp buổi học của bạn đạt được kết quả tốt hơn. Nếu bạn chưa có thời gian tập luyện nhiều từ buổi học gần nhất thì có khả năng buổi học của bạn sẽ không đạt hiệu quả như kì vọng. Kể cả mới chơi hay đã chơi lâu, cơ thể bạn sẽ cần thời gian để thích nghi với những động tác mới, thế nên việc tập luyện thêm xen kẽ cũng chính là sự chuẩn bị tốt nhất cho buổi tập tiếp theo.

Luôn có sự chuẩn bị

KHÔNG TẬP TRUNG VÀO NHIỀU VẤN ĐỀ CÙNG MỘT LÚC

Nếu sau khi phân tích kĩ thuật bạn phát hiện ra mình vướng mắc nhiều lỗi cùng một lúc thì việc đầu tiên nên làm là quay lại những gì cơ bản nhất. Việc tập chậm mà chắc sẽ giúp bạn tránh được lỗi tập trung vào quá nhiều động tác cùng một lúc và dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”. Thông thường bạn nên lưu ý những gì đến trước thì nên tập trung vào trước, ví dụ tư thế setup tốt rồi mới đến back swing, back swing tốt rồi mới tới down swing. Để tập được một động tác thành thục bạn sẽ cần đánh nháp nhiều và cả đánh bóng nhiều. Chỉ cho đến khi nào bạn cảm thấy đã làm được mà không phải nghĩ ngợi gì nữa thì mới nên tập đến động tác tiếp theo. Tương tự như vậy bạn cũng không nên kì vọng tập tốt cả gậy sắt, gỗ, driver trong cùng một buổi tập, và tiện thể chip, putt cũng tốt luôn. Đó đều là những kĩ thuật khác nhau từ tư thế đến cách đưa gậy, thế nên bạn chỉ nên tập trung vào từng gậy một khi tập. Vì thế trong một buổi học nếu bạn đang tập sửa gậy sắt thì cũng không nên “ngó qua” gậy driver để tìm kiếm sự cải thiện tức thì.

TẬP BỔ TRỢ VÀ LUYỆN THÊM CÁC BÀI TẬP CHO TỪNG ĐỘNG TÁC

Một cơ thể linh hoạt và có sự rèn luyện các nhóm cơ cần thiết cho golf sẽ giúp bạn swing dễ dàng hơn rất nhiều. Đó là lí do tại sao các golfer chuyên nghiệp luôn có những chương trình rèn luyện bổ trợ ngoài sân golf, và bạn cũng vậy. Song song với đó bạn cũng nên tập luyện các bài tập (drills) cho động tác cụ thể bạn đang muốn cải thiện thay vì chỉ đánh bóng liên tục. Nếu sau mỗi lần swing đường bóng của bạn không thay đổi nhiều thì điều đó chứng tỏ động tác của bạn đang vẫn như lúc đầu. Việc sửa động tác không dứt khoát sẽ dễ đi vào bế tắc và bạn sẽ thấy thất vọng.

LÊN SÂN NHIỀU

Nếu có điều kiện bạn nên lên sân mỗi khi có thể. Tất nhiên nếu bạn vừa bắt đầu quá trình chỉnh sửa thì việc lên sân nhiều hơn tập luyện sẽ không là cần thiết. Tuy nhiên học nên đi đôi với hành và chỉ lên sân bạn mới có thể áp dụng được kĩ thuật của mình vào tình huống thực tế và tăng cảm nhận khi cầm gậy. Bạn nên đánh nhóm ít người để có thể nháp thêm vài lần hoặc đánh trái bóng thứ 2 tập luyện khi có thể. Ngoài ra bạn cũng không nên tham gia “độ” để bỏ qua áp lực về điểm số, tập trung hơn vào áp dụng kĩ năng ghi điểm và có thêm kinh nghiệm xử lý tình huống khi chơi.

0 lượt thích904 lượt xem

Tin bài khác