Chuyển tới nội dung

Golf Việt có cần Caddie?

Ở các sân golf nước ngoài, golfer là người chủ động kéo gậy và tự mình làm chủ cuộc chơi. Liệu có phải đến một lúc nào đó nghề caddie sẽ không còn phổ biến ở Việt Nam?

By Robert Bicknell

Golf Việt có cần Caddie?

CADDIE TRONG LÀNG GOLF VIỆT
Khi khách du lịch golf từ nước ngoài đến Việt Nam, điều đầu tiên họ nhận thấy là các caddie nằm trong số những người bắt buộc phải có trên tất cả các sân golf, không giống như ở quê hương của họ việc có các caddie chơi golf cùng là điều khá xa xỉ. Ở đó trong hầu hết các trường hợp, golfer sẽ phải tự mang túi gậy hay thuê xe điện. Có rất ít các sân golf ở phương Tây sử dụng dịch vụ caddie và thậm chí nếu sân có thì đó cũng chỉ là những đứa trẻ địa phương làm thêm để có thêm thu nhập.
Hầu hết các du khách sau khi đến Việt Nam trở về nhà đều kể với mọi người họ đã có những vòng golf tuyệt vời thế nào trên các sân, đặc biệt là ấn tượng về những nữ caddie dễ thương. Đáng buồn là ở Việt Nam đang có một trào lưu ngầm của một số người chơi muốn “tẩy chay” các caddie để có thể chơi golf giá rẻ. Để tiếp tục câu chuyện về caddie, trước hết hãy tìm hiểu tại sao Việt Nam lại có đội ngũ này ngay từ thuở golf mới sơ khai.
Hai sân golf được mở cửa đầu tiên tháng 8/1993 là sân golf Kings Island ở phía Bắc và Sông Bé ở phía Nam. Trong đó Kings Island là sân golf liên doanh của Thái Lan (sau này đã bán lại cho tập đoàn BRG), còn Sông Bé là công ty liên doanh của người Singapore, đây là hai quốc gia vốn rất phát triển về dịch vụ caddie.
Theo các điều khoản cho thuê đất với công ty liên doanh, các sân golf bắt buộc phải cung cấp việc làm cho những người phải di dời vì dự án. Do đó nhiều dân địa phương đã được nhà đầu tư sân golf tuyển
dụng và những đứa con của họ trở thành các caddie. Và điều này hoàn toàn công bằng. Vì vậy, các caddie ở Việt Nam chính là một phần của văn hóa và luật lệ.
ƯU - NHƯỢC ĐIỂM TỪ CADDIE
Liệu những người chơi golf ở Việt Nam có thực sự cần một caddie?
Nếu không có caddie, người chơi sẽ phải tự kéo gậy, sửa divot, cào lại bẫy cát và sửa lại vết đánh bóng trên mặt cỏ, hay lau sạch gậy của mình. Chưa kể đến việc phải tự tìm kiếm bóng và đảm bảo duy trì tốc độ chơi.
Có mặt ở Việt Nam từ những ngày golf còn sơ khai và chứng kiến hành động của nhiều người chơi, tôi có một cảm xúc hơi hỗn độn.
Là người quản lý CLB, tôi đã thấy nhiều người chơi tỏ ra không muốn nhúng tay vào việc cào lại bẫy cát hay sửa divot và mảng cỏ tróc. Thế nhưng họ lại là người đầu tiên phàn nàn về nơi bóng của họ nằm lại ở bunker chưa cào, divot chưa sửa hay cú putt của họ bị chệch đường vì vết đánh dấu bóng trên cỏ. Có rất nhiều lý do giải thích cho việc tại sao nhiều người chơi không làm những vấn đề bảo dưỡng sân. Một số từ chối làm bởi vì họ suy nghĩ mặc định trong đầu rằng caddie phải là người làm việc đó, chứ đây không phải là trách nhiệm của người chơi. (Họ đã sai. Hãy xem luật R&A và phép xã giao trong golf). Một số khác không cảm thấy phiền nhưng vì họ đã trả tiền cho caddie nên caddie có trách nhiệm phải làm. Xét riêng điều này, một số golfer rất siêng năng nhắc nhở caddie trong khi một số khác lại hoàn toàn lờ đi.
Là người quản lý CLB, tôi đã nghĩ ra ý tưởng về chính sách “chỉ dùng xe điện” và đơn giản thuê thêm nhân viên bảo dưỡng để khắc phục tình trạng của sân 2 lần/ngày. Tất nhiên, tôi cũng phải giữ một vài caddie cho khách VIP bởi vì một số thứ sẽ không bao giờ được thay đổi.
Sự thật của vấn đề là các caddie luôn gây ra những phiền toái cho việc quản lý CLB. Có rất nhiều chi phí liên quan, cộng thêm 10% số lượng caddie không sẵn sàng làm việc vào thời điểm đưa ra. Có những lý do cá nhân, sự phàn nàn về người chơi và từ người chơi, sự than phiền về caddie master và từ caddie master, cho đến những vấn đề sức khỏe, thai sản…

Golf Việt có cần Caddie? -2


Xe điện có vẻ đơn giản hơn. Nó không làm bạn đau đầu và bạn chỉ phải vệ sinh và cắm sạc pin ban đêm thay vì thuê người nấu ăn cho nó.
Mặc dù xe điện có vẻ làm giảm chi phí của sân golf nhưng thực tế các caddie chính là nguồn doanh thu quan trọng cho các CLB. Trái với suy nghĩ của nhiều người, các sân golf KHÔNG có lợi nhuận lớn bởi vì chi phí hoạt động hàng năm có thể lên tới 2-3 triệu đôla, nên bất cứ nguồn thu nào cũng là cần thiết để cải
thiện tài chính.
Nếu một CLB có nhiều vòng golf mỗi ngày thì họ có thể đạt được lợi nhuận rất lớn. Nhưng không dễ để mọi CLB làm được điều này.
Xét trên góc độ minh bạch, một CLB có thêm tổng lợi nhuận khoảng $10/vòng golf từ $20 phí caddie. Các phần chi phí khác bao gồm tiền lương, bữa ăn, bảo hiểm xã hội, đồng phục, v.v ...
Bởi vì caddie có nhiều thời gian tạm nghỉ, họ không thể kiếm thêm tiền trong những giờ đó, nên lợi nhuận $10 được giảm xuống theo tỷ lệ thời gian mà caddie không làm việc, vì vậy tổng thu của caddie còn khoảng $4 vào cuối tháng.
Ngoài ra, CLB mất khoảng 8,4 triệu đồng/caddie trong 3 tháng huấn luyện. Một sân golf 18 hố thông thường cần có 150 caddie, tương đương với 1,26 tỷ đồng (khoảng $56.000) chỉ tính riêng chi phí đào tạo.
Nhược điểm của việc không có caddies, bên cạnh việc mất thu nhập cho CLB, là sẽ mất đi một nguồn thu cho cộng đồng.
Hãy tin lời tôi, các caddie chính là một trong những lý do của việc phát triển nhanh của thị xã Sơn Tây (cách sân golf Kings Island vài km) và nhiều thị trấn khác gần sân golf.
Theo quan điểm của tôi, một sân golf nên sử dụng lao động địa phương và CLB nên đóng góp cho cộng đồng địa phương, đặc biệt sau khi lấy đi quá nhiều đất đai. Không làm như vậy có thể gây những hệ lụy xấu. Một điều làm tôi tự hào đó là tôi đã giúp mang đến hàng trăm công việc cho những trẻ em khó khăn trong hơn 27 năm tôi làm quản lý CLB golf ở Việt Nam. Nghề caddie giúp các em có thể thanh toán chi phí học hành.
Giờ đây, hãy trở lại với những con người luôn nói rằng golf quá đắt đỏ và không muốn có caddie. Tôi thấy kỳ lạ bởi những người hay phàn nàn điều này lại chính là những người lái những chiếc xe sang trọng và xem việc bỏ vài trăm đôla cá độ mỗi vòng golf chẳng là gì.
Nhưng tôi cũng công nhận là golf đắt đỏ ở Việt Nam, nhất là khi so sánh với Thái Lan. Lý do golf ở đây chi phí cao là vì thuế và giá thuê đất cao. 20% thuế SCT (thuế tiêu thụ đặc biệt) cộng thêm 10% VAT đã khiến CLB phải tính phí nhiều hơn. Và $20 phí caddie không phải nguyên nhân chính khiến golf Việt Nam đắt đỏ.
Golf ở một số quốc gia khác đang chết dần và một phần của lý do là bởi người chơi nhìn vào giá cả. Họ muốn mọi thứ thật rẻ và khi CLB áp dụng điều này các tiêu chuẩn bắt đầu đi xuống. Nhưng điều này không ảnh hưởng nhiều đến những golfer hay đòi hỏi đó, họ chỉ cần chuyển sang CLB khác và lại bắt đầu kêu gào ở đây. Cuộc chiến giá cả xảy ra và cuối cùng, rất ít CLB xứng đáng với tiền người chơi phải trả, sau đó phải đóng cửa do kinh doanh kém. Điểm mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ golf không
dành cho mọi người. Nó đắt đỏ và nếu $20 phí caddie khiến bạn khó chịu hay nghĩ rằng tip của caddie 200 nghìn hoặc nhiều hơn có thể khiến bạn giật mình buổi đêm, có lẽ bạn nên cân nhắc chơi tennis thì hơn. Hoặc tốt hơn, hãy cố gắng nghĩ về nó theo cách sau:
Nhờ một phần những đóng góp của bạn mà nhiều trẻ em nghèo sẽ có một công việc… và thậm chí cả một tương lai.

0 lượt thích1885 lượt xem

Tin bài khác