Chuyển tới nội dung

Chuyện về những chiếc cravate

Phái mày râu chắc chắn sẽ phải cảm ơn những người đã tạo ra cravate. Bởi nếu nếu thiếu nó, phái mạnh hẳn sẽ mất đi sự lịch lãm, sang trọng và đẳng cấp. Và quan trọng hơn, đằng sau cravate là những câu chuyện thú vị mà không phải ai cũng biết…

Nước Mỹ mỗi năm chi khoảng 1 tỷ Mỹ kim cho hơn 100 triệu chiếc cravate.

Cravate có từ khi nào?

Cho đến nay, câu chuyện về sự ra đời của chiếc cravate vẫn là một ẩn số của lịch sử loài người. Lịch sử vẫn chưa có câu trả lời chính xác chiếc cravate đầu tiên ra đời khi nào, ở đâu. Không ít nhà sử học cho rằng, chiếc cravate đầu tiên xuất hiện ở Ai Cập, là một phần không thể thiếu trong trang phục của các quý ông để họ khẳng định địa vị xã hội. Một số khác lại cho rằng, Trung Quốc là quê hương đầu tiên của những chiếc cravate, bởi khi khai quật kho mộ Tần Thủy Hoàng có đến 7.500 tượng binh lính bằng đất nung quàng quanh cổ một khăn lụa có thắt nơ. Một số khác lại khẳng định rằng, nền văn hóa La Mã chính là “tổ tiên” của những chiếc cravat, bằng chứng là trong các tác phẩm nghệ thuật thời hoàng đế La Mã, khoảng những năm 113 sau Công Nguyên, nam giới đều thắt những chiếc cravate giống với những chiếc cravate hiện nay.

Thế kỉ 17 được coi là cột mốc quan trọng cho sự “bành trướng” của những chiếc cravate. Và nước Pháp chính là nơi bắt đầu. Người ta kể lại rằng, trong một chuyến công du của một trung đoàn Croatia đến Paris, những chiếc khăn lụa màu sắc sặc sỡ của giới sĩ quan Croatia đã lọt vào mắt xanh của ông vua nổi tiếng sành điệu nước Pháp Louis XIV. Chúng nhanh chóng được giới vương quyền Paris “copy” và trở thành một biểu tượng hoàng gia với tên gọi Royal Cravattes.

Cái tên cravate cũng bắt đầu được nhắc nhiều nhất từ giai đoạn này. Bản thân cái tên này cũng đã có không ít tranh cãi. Người cho rằng, nó là cách đọc lái từ thành ngữ thời trang thịnh hành lúc đó À la Croate. Nhưng cũng nhiều tài liệu chỉ ra, cravate có nguồn gốc từ tiếng Thổ Nhĩ Kì “kyrabacs”, hay “gravata” của tiếng Ý, “kravatt” của người Thụy Điển… Còn theo học giả Eustache Deschamps, từ cravate đã được người Pháp sử dụng từ thế kỉ 14, 15 trước khi trung đoàn Croatia kia đến Paris.

Thời kì Phục Hưng với sự trị vì của vua Louis XIV có thể coi là thời kì khai sinh cravate hiện đại. Sự cầu kì của giai đoạn này đã khiến cả thế giới hướng về cung điện Versailles. Và từ đây, những chiếc cravate cũng bắt đầu chinh phục cả thế giới.

9 quy tắc dành cho cravate.

Cuộc cách mạng của những chiếc cravate

Nếu thế kỉ 17, những cuộc chơi xa hoa của giới quý tộc Pháp đã đưa những chiếc cravate trở thành một trong những món đồ không thể thiếu của các quý ông. Thì thế kỉ 19, những chiếc cravate bước vào cuộc cách mạng về kiểu dáng để trở nên đơn giản và thông dụng hơn. Những năm 1890-1900, những chiếc cravate sọc trắng, xanh da trời, đỏ, vàng, xanh lá cây trên nền đen bắt đầu xuất hiện và được ưa chuộng. Sau thế chiến thứ nhất, cravate lại tiếp tục bước vào cuộc cách tân nữa khi nền đen được thay thế bằng những gam màu sống động hơn.

Nhưng cravate lúc đó vẫn rất khó thắt và vẫn cứ là một thách thức với không ít quý ông. Và đấy là lúc, người Mỹ thể hiện tư duy thực dụng của mình. Năm 1924, J.Langsdorf, một chủ tiệm cravate ở New York đã thiết kế ra kiểu cravate 3 mảnh, vẫn giữ được kiểu dáng vốn có của cravate nhưng dễ thắt, đẹp và chắc chắn. Ngay lập tức, những mẫu cravate này trở thành tâm điểm của phái mạnh, Langsdorf nghe nói đã kiếm được bội tiền từ sự thay đổi này.

Khi thế chiến thứ 2 kết thúc cũng là lúc cravate bước vào những cuộc thay đổi ngoạn mục từ màu sắc, chất liệu đến kiểu dáng, cách thắt. Lụa truyền thống được thay thế bằng lụa nhân tạo. Những họa tiết in đã xuất hiện trên cả những chiếc cravate. Những chiếc cravate bản lớn được thay thế bằng những chiếc cravate bản nhỏ…

Cravate và giới chính trị gia

Cravate và chính trị gia, chắc chắn sẽ có những câu chuyện không kém phần thú vị. Ví như, người ta thống kê lại rằng, màu xanh và đỏ là hai màu được các chính trị gia ưa chuộng hàng đầu, đặc biệt là giới chính trị gia xứ cờ hoa. Theo thống kê, trong 22 cuộc tranh luận tranh cử tổng thống Mỹ từ năm 1976 đến 2008, các ứng viên đã diện 44 chiếc cravate trong đó có 30 chiếc màu đỏ - màu tượng trưng cho uy quyền, chỉ có 7 chiếc màu xanh, 7 chiếc còn lại là xanh đỏ hoặc các màu khác. Thậm chí, người ta còn thống kê để chỉ ra, trên chính trường Mỹ, những ứng viên đeo cravate đỏ thắng với tỷ lệ 13/30 (43%) trong cách cuộc tranh luận, trong khi người đeo cravate xanh là 4/7 (57%) còn những người đeo cravate xanh đỏ lại thắng 5/7 (71%).

Hay tổng thống Pháp Francois Hollande còn được dân tình lập hẳn một website mang tên Francois – Cravate của ông chỉ để thống kê những lần vị tổng thống này đeo lệch cravate. Nghe nói, trong 778 lần xuất hiện thì có đến 392 lần vị tổng thống Pháp này mang cravate lệch.

0 lượt thích669 lượt xem

Tin bài khác