Chuyển tới nội dung

Chuẩn hóa nghề caddie ở Việt Nam

Golf được du nhập vào Việt Nam từ năm 1933 nhưng phải đến 60 năm sau ngành kinh doanh golf mới thực sự được mở ra với sự ra đời của sân golf Đồng Mô và từ đây Việt Nam chính thức có một nghề mới gọi là nghề caddie.

Chuẩn hóa nghề caddie ở Việt Nam

TÌNH HÌNH THỰC TẾ

Sau hơn 20 năm phát triển, hiện Việt Nam đã có hơn 40 sân golf trên cả nước được xây dựng hầu hết ở các vùng đất khó phát triển nông, lâm, ngư nghiệp do điều kiện thời tiết hoặc đất đai khô cằn và đã tạo ra hàng trăm việc làm ổn định cho cư dân quanh vùng. Theo ước tính, hiện nay đang có khoảng 2 vạn người lao động trên tất cả các sân golf cả nước, trong đó có đến 95% lao động nữ ở độ tuổi 19 - 35 làm nghề caddie. Mức thu nhập từ việc caddie khá cao so với làm nông nghiệp, thậm chí còn hơn cả mức lương làm trong khối nhà nước và khu công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nếu xét về mức độ công việc tương đương.

Nghề caddie ở nước ta hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức lao động phổ thông, phục vụ những người chơi golf giải trí và “giám sát” cuộc chơi tuân theo đúng quy định hoạt động của sân golf nên trong hồ sơ xin tuyển dụng vào làm nghề caddie cũng khá đơn giản. Từ trước đến nay, phương thức tuyển dụng “truyền thống” vẫn là các sân golf tuyển trực tiếp căn cứ theo vài tiêu chí cơ bản như : tuổi tác, sức khoẻ... nếu phù hợp là được chấp nhận ngay. Sau đó, sân sẽ tổ chức các khoá huấn luyện thực hành trực tiếp do những quản lý có kinh nghiệm của sân golf thực hiện. Việc này đã và đang dẫn đến caddie có chất lượng chuyên môn không đồng đều, đặc biệt là ở những sân ít khách.

Nhưng trong bối cảnh hiện nay, người chơi golf sẵn sàng chi trả khoản phí đáng kể để nhận được chất lượng phục vụ tốt hơn của caddie, cùng với sự gia tăng lượng khách nước ngoài đến Việt Nam chơi golf đòi hỏi caddie cần phải có thêm nhiều kỹ năng và hiểu biết hơn để đáp ứng được yêu cầu của khách, chẳng hạn như trình độ về ngoại ngữ. Thế nên đã đến lúc đặt ra vấn đề về chuyên môn hoá lực lượng lao động làm nghề caddie.

CON ĐƯỜNG HƯỚNG NGHIỆP

Gần đây hiệp hội golf Việt Nam (VGA) với vai trò quản lý cao nhất, định hình nên bộ khung pháp lý nhằm đưa các hoạt động của ngành golf hướng tới một ngành công nghiệp đích thực đã có nhiều bước đi rất cụ thể thông qua việc mở các lớp đào tạo trọng tài, biên dịch luật golf, khai mở hệ thống handicap quốc gia, cấp chứng chỉ trong công tác đào tạo, giấy phép tổ chức giải đấu vv.. và tiến tới đưa ra các tiêu chí cho các công việc đặc thù khác chắc chắn sẽ được xét đến nhưng sẽ phải chờ rất lâu.

Tổng kết đến nay, ngoại trừ trường đại học Đông Đô vẫn duy trì môn golf như một môn học giáo dục thể chất cho sinh viên nhờ có quyết tâm và đầu tư thích đáng còn lại một số mô hình đào tạo caddie hoặc chứng chỉ khác đã từng triển khai đều manh mún vì vướng rất nhiều nguyên nhân, chẳng hạn: lý do ngành nghề khá đặc thù nên chưa có giáo viên và giáo trình chuyên môn giảng dạy, khó khăn trong vấn đề tuyển sinh do số lượng quan tâm ít, các học viên ở xa trung tâm đào tạo nên rất khó tập hợp...

Trong muôn vàn vướng mắc, nhưng có thể nói xu hướng chuẩn hoá nghề caddie nói riêng và tiến tới các vị trí thực hiện các công việc chuyên biệt thuộc ngành golf cần kỹ năng đặc thù đều phải được đào tạo bài bản khi có điều kiện thực hiện. Sự kiện trường Cao đẳng nghề quốc tế Hà Nội chính thức thành lập khoa Công nghiệp golf vào đầu năm 2018, nhằm thực hiện đào tạo caddie ở bậc sơ cấp và trung cấp; đào tạo cấp chứng chỉ cho mảng du lịch golf (golf tour); đào tạo chuyên sâu với các cấp quản lý điều hành sân golf theo giáo trình liên kết với các trường đào tạo chuyên ngành golf của Thái Lan có thể là hướng mới để giải quyết những vấn đề về cung cấp nhân lực cho chuyên ngành golf trong thời gian tới đây.

Chuẩn hóa nghề caddie ở Việt Nam

NHỮNG LỢI ÍCH LÂU DÀI

Đối với sân golf

Các sân golf có lợi nhất khi có thể “đặt hàng” theo yêu cầu hoặc chủ động đăng tuyển dụng thay vì phải “ươm mầm” như trước đây vừa mất thời gian và tăng thêm chi phí tự đào tạo. Trong cơ cấu nhân lực của sân golf, lực lượng caddie chiếm tỷ trọng đa số và chính họ tiếp cận trực tiếp với khách hàng nên ngoài nghiệp vụ chuyên môn bắt buộc, có thêm những môn học bổ trợ về đạo đức nghề nghiệp, văn hoá ứng xử, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ... sẽ nâng cao mức độ hài lòng cho khách hàng hay nói cách khác người chơi golf cũng được hưởng lợi khi sân golf sử dụng nhân lực đã được định hướng nghề nghiệp rõ ràng, huấn luyện và sát hạch kỹ càng.

Đối với người lao động

Ngoài thuận lợi trong ưu tiên xét tuyển khi nộp hồ sơ xin việc so với người chưa qua khoá đào tạo thì những người được chuẩn hoá nghề nghiệp có thêm cơ hội lựa chọn nâng cao khoá học chuyên môn hay chuyển đổi ngành nghề dễ dàng hơn trên cơ sở nền tảng đã được đào tạo sẵn có.

LỜI KẾT

Khép lại câu chuyện ở đây với niềm tin rằng đã có hàng loạt các ngành nghề đạt tiêu chuẩn được hiệp định ASEAN về thoả thuận thừa nhận lẫn nhau trong một số nghề đã ký kết nhằm giúp cho lao động giữa các nước trong khối có thể tự do di chuyển tìm kiếm việc làm. Câu hỏi sẽ là tại sao không? Nếu trong tương lai lao động của chúng ta làm nghề caddie có thể làm việc ở các nước trong khối ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia ĐNÁ) và khả năng xuất hiện những caddie ký được hợp đồng với các golfer chuyên nghiệp, tất nhiên kèm theo đó là mức thu nhập “giàu có” hoàn toàn có cơ sở để hy vọng.

0 lượt thích

Tin bài khác