Chuyển tới nội dung

Chơi tệ có phải tại "swing"?

Nếu bạn nghĩ mình chơi tồi do kỹ thuật swing, có lẽ bạn nên xem lại bởi có rất nhiều lý do không thuộc về "swing" đang cản trở sự ổn định và tiến bộ mà bạn ít để ý tới. 

Chơi tệ có phải tại “swing”?

Trong phạm vi thể thao nghiệp dư ở Việt Nam có lẽ duy nhất môn golf cần tập luyện nhiều đến thế. Các sân tập golf đang “quá tải”, đặc biệt vào thời điểm hết giờ làm việc cuối ngày. Không phải người mới tập chơi mà chính những golfer đã có nhiều “giờ bay” tạo nên sự đông đảo đó. Họ tự tập luyện để nâng cao chất lượng cú swing, thuê huấn luyện viên sửa chữa, thậm chí đổi một kiểu swing mới với kỳ vọng sẽ đạt thành tích tốt. Tuy nhiên, điều đáng nói là một phần lớn trong số đó vẫn không cải thiện được tình trạng, thậm chí còn tệ hại hơn khi thực hành trên sân golf. Vậy nguyên nhân là gì?

TẬP LUYỆN KHÔNG ĐÚNG CÁCH

Có thể bạn chăm chỉ trên sân tập golf hàng ngày với hàng trăm cú đánh nhưng nếu chưa có phương pháp luyện tập hiệu quả thì đó chỉ là buổi tập thể dục mà thôi. Tập golf là nhằm rèn giũa các động tác swing lặp đi lặp lại một cách nhuần nhuyễn, thuần thục sao cho giống hệt những gì sẽ được tái hiện trên sân golf. Tuy nhiên theo quan sát, nhiều golfer đã không làm vậy: từ cách setup (chuẩn bị) đến đánh các khoảng cách cố định, nhắm hướng cụ thể, thử nghiệm các loại gậy, mô phỏng các tình huống... Tất cả đều bị coi nhẹ và thiếu đi tính kỷ luật, khoa học cùng sự nghiêm túc. Hậu quả là bạn đinh ninh rằng mình đã swing rất vào “form”, song kỳ thực do quá tự do trong các buổi tập nên khi chơi thật trước hàng loạt các rủi ro về bẫy, địa hình, hướng gió, bạn lại quay về hành xử theo bản năng mà không dám phô diễn những gì đã rèn luyện trong điều kiện lý tưởng ở sân tập. Vì vậy, nếu bạn không mô phỏng mọi động tác trong bài thực hành tương tự như thực tế khi chơi thì dù có kỹ thuật tốt đến đâu cũng sẽ rối bời khi lâm trận.

CHUẨN BỊ QUÁ ẨU

Rất khó có trận đấu tốt khi sức khoẻ tồi, sự mệt mỏi của cơ thể, sự căng thẳng của tinh thần dễ làm vòng swing lạc lối. Thói quen lười khởi động cũng được xếp vào hạng mục này. Tiếp đến là các công tác chuẩn bị về dụng cụ, tư trang cá nhân chưa phù hợp và đầy đủ cũng gây khó khăn cho mỗi cú đánh. Ví dụ như rất nhiều người quên găng tay, thiếu bóng giữa trận đấu, không có đủ các loại gậy cần thiết, các vật dụng che mưa, chống nắng như ô, mũ, kính... Tất cả ảnh hưởng xấu đến chất lượng swing và kết quả đáng kể.

“QUÊN” HANDICAP

Dễ nhận thấy nhiều golfer hay dè dặt, khiêm tốn khi kê khai handicap của mình, nhưng thực chất lại luôn nghĩ và kỳ vọng mình có thể chơi tốt hơn khả năng đang có. Điều đó đã làm họ nhanh chóng quên mình đang ở đâu khi trên sân golf. Sự hấp dẫn bởi các cú đánh xa, các cú đánh tấn công cờ, các cú cứu bóng... từ bạn chơi có trình độ cao hơn đã lây sang họ lúc nào không biết. Hệ quả là thay vì chơi đúng với năng lực thì họ lại bị hút theo các cú đánh tốt của người khác. Bệnh “quên” handicap do mải mê muốn chơi vượt sức, tạo ra ảo tưởng săn lùng điểm số xa xỉ bất chấp cả những hố golf có index khó. Đó chính là lúc scorecard có thể bị phá nát bằng kết quả vô cùng tồi tệ. Một game với điểm số khá đều ở các hố xen kẽ các vụ “tai nạn” lớn chính là biểu hiện rõ nét nhất cho các trường hợp chơi quá sức so với handicap mà mình đang sở hữu. Đấy có lẽ là lời lý giải cho những trường hợp kết quả thất thường như ruộng bậc thang thay vì nghi oan cho kỹ thuật swing có lỗi.

CHIẾN THUẬT CHƠI KÉM

Golf là môn thể thao vượt chướng ngại vật nhằm về đích với số gậy ít nhất có thể. Sẽ phải có hàng trăm cú đánh để hoàn tất vòng golf tiêu chuẩn 18 hố với thời gian khoảng 5 tiếng đồng hồ. Như vậy, hiển nhiên kết quả trận golf không chỉ phụ thuộc vào một cú đánh, một hố golf mà nó cần được xét đến trên bình diện toàn bộ cuộc chơi. Chính vì lẽ đó, nếu bạn không đưa ra được chiến thuật, chiến lược hợp lý dựa trên các yếu tố như: đặc thù sân golf; sở trường, sở đoản, sức khoẻ của bản thân; tình hình thời tiết vv… sẽ dẫn đến sự lúng túng khi phải quyết định lúc nào đánh tấn công, lúc nào “chia gậy”, chọn gậy ra sao, chơi ở hố golf khó so với khả năng của mình phải làm thế nào... Vì vậy nếu bạn kiểm soát game tốt, bạn vẫn có thể có kết đẹp ngay cả trong một ngày swing không như ý muốn.

CHƠI SAI TỐĐỘ

Bạn nên chơi với tốc độ nào trên sân? Hợp lý nhất là hài hoà với các bạn cùng nhóm và quan sát các nhóm chơi phía trước và phía sau. Chơi chậm trước tiên là phạm luật (ở giải chuyên nghiệp có thể bị phạt gậy), song quan trọng hơn bạn đã gây ra áp lực cho chính mình vì phải đuổi theo tốc độ của bạn chơi. Bạn sẽ luôn là người chơi sau cùng dẫn đến các cú đánh không thể tốt và không có thời gian nghỉ ngơi cho các hố đánh tiếp theo.

Chậm đã tệ nhưng nhanh quá cũng không hay. Đánh bóng khi không setup kỹ càng, lấy hướng, chọn gậy ào ào... tạo nên một nhịp chơi bận rộn như ma đuổi. Đã từng có dịp chơi cùng một golfer lúc nào cũng thấy anh ấy kết thúc hố sớm nhất rồi đứng như con cò trên mô đất cao cạnh green đợi bạn chơi, hoặc đã đi sang hố mới chuẩn bị phát bóng bất chấp điểm số to đùng vì lý do vội vàng vừa có.

Chơi sai tốc độ rất dễ làm cho bạn nhận diện nhầm điểm rơi “phong độ” cho mỗi cú đánh, vì thế mà rủi ro đánh hỏng luôn rình rập. Khi bạn không tạo ra được thói quen di chuyển hợp lý thì cảm giác bị “bỏ rơi” trong nhóm (flight) xuất hiện do không cùng tốc độ với ai cả. Như thế làm sao có thể swing tốt nếu bạn lạc lõng chỉ vì tốc độ nhanh chậm do chính mình tạo ra.

0 lượt thích

Tin bài khác