Chuyển tới nội dung

Chiến thắng kỳ diệu của tuyển châu Âu

Ryder Cup lần thứ 42 diễn ra trong ba ngày 28-30/9/2018 tại sân Le Golf National, nước Pháp đã khép lại trong sự ngỡ ngàng của làng golf thế giới khi tuyển châu Âu làm nên điều kỳ diệu trước đối thủ tuyển Mỹ tưởng như vô cùng hùng mạnh.

Chiến thắng kỳ diệu của tuyển châu Âu

Tương quan lực lượng

Trong 20 vị trí đầu bảng Xếp hạng golfer thế giới ở tuần diễn ra Ryder Cup 2018 thì tuyển Mỹ chiếm 11 vị trí (1, 3, 4, 7, 9, 10, 13, 14, 15, 16, 17) mà tuyển châu Âu chỉ có 5 vị trí (2, 5, 6, 8, 12). Hơn thế nữa tuyển Mỹ sở hữu 7 golf thủ trẻ dưới 30 tuổi đang ở phong độ cao ngời sáng như Brooks Koepka, Justin Thomas, Jordan Spieth, Bryson DeChambeau, Rickie Fowler, Patrick Reed, Tony Finau. Đặc biệt, dẫn đầu là Dustin Johnson, ở tuổi 34 chín muồi của golf, đang ngự trị ở ngôi số 1 thế giới đã 78 tuần (với 64 tuần liên tiếp, trừ hai lần bị gián đoạn ngắn bởi Justin Thomas và Justin Rose). Các thành viên còn lại của tuyển Mỹ là: Bubba Watson, Webb Simpson, Phil Mickelson và Tiger Woods.

Jordan Spieth và Justin Thomas

Trong khi đó thì tuyển châu Âu, ngoại trừ hai tay golf kỳ cựu đang ở phong độ cao là Justin Rose (38 tuổi, thứ hạng 2) và Francesco Molinari (35 tuôi, thứ hạng 5) thì chỉ có 3 tên tuổi trẻ ngang tầm “người tám lạng kẻ nửa cân” với tuyển Mỹ và dưới 30 tuổi là Rory McIlroy (29 tuổi, thứ hạng 6), Jon Rahm (23 tuổi , thứ hạng 8) và Tommy Fleetwood (27 tuổi, thứ hạng 12). Tuyển châu Âu có 2 thành viên trẻ dưới 30 tuổi khác là Tyrrell Hatton (26 tuổi, thứ hạng 26), Jacob Olesen (28 tuổi, thứ hạng 45). Các thành viên còn lại của tuyển châu Âu là: Alex Norén, Paul Casey, Sergio Garcia, Ian Poulter, Henrik Stenson.

Trái qua phải: Garcia, Rose và Noren

Xét về vị trí bảng xếp hạng thế giới và độ sung sức tuổi trẻ thì tuyển Mỹ nổi trội hơn tuyển châu Âu. Vì thế nhiều người đã dự đoán rằng tuyển Mỹ sẽ vượt qua châu Âu trên đất khách để giữ lại Cup vô địch sau chiến thắng mùa Ryder Cup 2016.

4 trận fourball đầu tiên

Chuỗi 4 trận fourball đầu tiên đã không ngoài dự doán của nhiều người về ưu thế của tuyển Mỹ trước trận đấu. Kết quả tuyển Mỹ giành 3 chiến thắng: Koepka/Finau (1up) Rose/Rahm, Johnson /Fowler (4&2) McIlroy/Olesen, Thomas/Spieth (1up) Casey/Hatton và chỉ để thua một trận là Reed/Woods (3&1) Molinari/Fleewood.

Phải nói thật tiếc cho cặp Reed/ Woods nhưng lại thật đáng khen cho cặp Molinari/Fleetwood. Dẫu Tiger đã ghi 2 điểm birdie ở các hố golf 2, 9 và Reed ghi được  2 điểm birdie ở các hố golf 7, 10 để dẫn trước 2 up sau 10 hố golf. Nhưng Molinari đã thể hiện đẳng cấp của nhà vô địch The Open Championship khi ghi đến 4 điểm birdie ở các hố golf 1, 11, 12, 17 và Fleewwood lại xuất thần ở các hố golf 4, 15, 16 để giành chiến thắng và đưa về một điểm duy nhất vô cùng quý giá cho tuyển châu Âu trong sáng ngày xuất quân.

Cặp đôi Molinari và Fleetwood

Chuỗi trận Foursomes lịch sử

Ai cũng nghĩ rằng tuyển Mỹ sẽ tiếp tục đè bẹp tuyển châu Âu trong 4 trận foursomes buổi chiều cùng ngày, nhưng thật bất ngờ đó lại là chuỗi trận foursomes lịch sử của tuyển châu Âu và sự đại bại của tuyển Mỹ. Tuyển châu Âu đã giành trọn cả 4 điểm trong cả 4 cặp đối đầu: Stenson/Rose ( 3&2) Johnson/Fowler, Poulter/McIlroy (4&2) Watson/Simpson, Garcia/Norén (5&4) Mickelson/DeChambeau, Molinari/Fleetwwood (5&4) Thomas/Spieth.

Tất cả các cặp của tuyển châu Âu đều xuất sắc. Còn các cặp của tuyển Mỹ thì đều dưới mức trung bình. Đáng lưu ý nhất là những cú đẩy vô hồn ở khoảng cách ngắn của Jordan Spieth và Justin Thomas – một cặp đấu được xem là mạnh của tuyển Mỹ, bị đến 4 lỗi bogey ở các hố golf 5, 9, 10, 13. Ngược lại cặp Molinari/ Fleetwwood lại tiếp tục khẳng định đẳng cấp của mình với chiến thắng áp đảo 5&4. Một cặp đấu buồn khác của tuyển Mỹ là Mickelson/DeChambeau khi hai tay golf mắc đến 5 lỗi bogey ở các hố golf 2, 3, 5, 8, 11 và để thua thảm bại 5&4 trước Garcia/Norén. Đội tuyển châu Âu đã có chiến thắng trọn chuỗi 4 trận foursomes lịch sử kể từ năm 1989.

Ngày thứ 2 – Cục diện thay đổi

Đội trưởng tuyển Ryder Cup Mỹ Jim Furyk vẫn giữ nguyên các cặp đấu trong buổi sáng fourball ngày thứ Bảy. Nhưng kết quả lại trái ngược với chuỗi Fourball ngày thứ Sáu. Tuyển châu Âu đã giành 3 chiến thắng trong các cặp đấu Garcia/McIlroy (2&1) Finau/Koepka, Casey/Hatton (3&2) Johnson/Fowler, Molinari/Fleetwood (4&3) Woods/Reed. Một lần nữa cặp của Woods/Reed lại thất bại trước cặp Molinari/Fleetwood trong trận tái ngộ lần hai. Chỉ có cặp Thomas/ Spieth giành được 1 điểm duy nhất cho tuyển Mỹ trong trận đối đầu với Poulter/Rahm với tỷ số 2&1.

Cho đến chuỗi Foursomes buổi chiều, đội trưởng Jim Furyk mới có sự thay đổi golf thủ trong các cặp đấu. Đầu tiên là cặp Johnson/Koepka – hai golf thủ đứng đầu bảng xếp hạng của Mỹ, nhưng vẫn thất bại 2&1 trước cặp đôi “sừng sỏ” trong thi đấu đối kháng của tuyển châu Âu là Stenson/Rose. Sự thay đổi tiếp theo là cặp Woods/ DeChambeau, và cũng thất thủ trước cặp bất chiến bại Molinari/Fleetwood với tỷ số khủng 5&4. Tuyển Mỹ lấy lại được hai điểm nhờ hai chiến thắng của các cặp: Watson/ Simpson (3&2) Garcia/Noren và Thomas/Spieth (4&3) Poulter/ McIlroy.

Ngày Chủ nhật quyết định

Không khí ngày Chủ nhật ở Le Golf National thật náo nhiệt. Ở nước Pháp chưa bao giờ có ngày hội golf như thế. Dường như cả châu Âu cũng vậy. Lịch sử Ryder Cup chưa bao giờ chứng kiến cả hàng trăm ngàn người đổ về sân golf. Các khán đài ở đài phát và green của 18 hố golf đều chật cứng. Dọc theo fairway cũng đông nghẹt. Người châu Âu đang đợi chờ một chiến thắng mà trước đó họ bị liệt vào thế yếu.

Chiến thắng kỳ diệu của tuyển châu Âu

Bước vào ngày thi đấu cuối cùng, tuyển châu Âu ở thế thượng phong hơn tuyển Mỹ những 4 điểm. Chỉ cần có 4,5 điểm trong tổng số 12 điểm là tuyển châu Âu giành lại Cup. Còn tuyển Mỹ cần 8 điểm để có thể giữ được Cup. Đó là bài toán vô cùng khó khăn, và đầy áp lực tâm lý cho các tuyển thủ Mỹ.

Nếu ở các trận đấu đôi, người ta có thể đưa ra nhiều lý do để biện minh cho thất bại, thì trong các trận đấu đơn không tuyển thủ nào muốn thua để mang lỗi với đội tuyển. Vì thế các trận đấu đơn bao giờ cũng đầy trách nhiệm, nhiều áp lực, nên vừa căng thẳng vừa hấp dẫn. Áp lực nhất vẫn là các trận đấu đầu tiên, khi mà thắng bại của một trận sẽ làm thay đổi khí thế của các trận đấu tiếp theo.

Cặp tiên phong McIlroy – Thomas có một trận đấu căng thẳng đến nghẹt thở kéo dài sự cân bằng cho đến hố golf 18. Cú phát của McIlroy khiến bóng ngập sâu vào hố cát và anh không thể cứu bóng thoát ra khỏi bunker được. Lúc này Thomas mới thở phào nhẹ nhõm bởi tuyển Mỹ cần một điểm đầu tiên của anh hơn bao giờ hết để rút bớt khoảng cách xuống 10&7 đưa lại hy vọng mong manh cho tuyển Mỹ. Cặp đấu tiếp theo Casey – Koepka cũng căng thẳng đến phút cuối và cả hai bằng lòng với việc chia nửa điểm ở hố golf 18. Tuyển Mỹ lại có thêm một điểm quan trọng nhờ chiến thắng thuyết phục 6&4 của Finau trước đối thủ 4 trận bất bại Fleetwwood. Một bất ngờ khác nữa của tuyển Mỹ là thắng lợi 3&2 của Simpson trước tay golf lừng danh Justin Rose.

Nhưng niềm vui của tuyển Mỹ không lâu, vì trong các trận còn lại tuyển châu Âu đang ở vào thế áp đảo. Thực tế thì Spieth đã bị khuất phục bởi đối thủ ít tên tuổi hơn – Olesen -với tỷ số thảm hại 5&4. Tiếp theo là sự thất thủ của Tiger Woods trước tuyển thủ trẻ 23 tuổi Jon Rahm ở hố golf số 17. Thêm một đám mây phủ lên hy vọng của tuyển Mỹ là sự thất bại của golf thủ số 1 thế giới Dustin Johnson dưới tay Ian Poulter ở hố golf số 18. Và niềm hy vọng của tuyển Mỹ tắt lụi khi tại hố golf số 16, Phil Mickelson đánh bóng xuống nước chịu thua Molianari với tỷ số 4&2. Tuyển châu Âu đã đủ 14,5 điểm để trở thành người chiến thắng. Từ đó không khí trên sân khác hẳn. Đội trưởng Thomas Bjørn cùng các thành viên đội tuyển châu Âu đã bắt đầu khúc nhạc ăn mừng. Fleetwood tung tăng nhảy khắp sân. Ở phía tuyển châu Âu, có lẽ Fleetwood và Poulter là những người thể hiện niềm phấn khởi tưng bừng nhất.

Không thể không nhắc đến cặp đấu cuối cùng Norén – DeChambeau. Đó là trận đấu mà ý nghĩa cá nhân lớn hơn khi số phận đội tuyển đã được quyết định. Norén có lợi thế đang thắng 1 up khi bước vào hố golf cuối cùng. Ít nhất anh đã có nửa điểm. Dưới áp lực của tiếng hò reo chiến thắng, Norén thì phấn khích thoải mái, còn DeChambeau thì trĩu nặng tâm lý. Đội tuyển thua nhưng DeChambeau rất cần nửa điểm cho anh sau cả 4 trận thất bại. Bởi thế Dechambeau không đầu hàng. Đi cạnh anh là Bubba Watson và các đồng đội. Tuyển Mỹ cũng cần thêm nửa điểm để rút ngắn sự cách biệt. Ở cú đánh thứ hai, DeChambeau đưa bóng lên cách cờ chừng 30cm. Một điểm birdie chắc chắn. Còn bóng của Norén cách cờ chừng 10m. Tưởng rằng Norén sẽ đến bắt tay, chia nửa điểm cho DeChambeau để cùng nhau dễ chịu. Nhưng không, Norén tiến tới xem đường bóng. Một cú putt từ xa như vậy mà bóng lại lăn vào lỗ như có ma lực. DeChambeau và các tuyển thủ Mỹ sững sờ trong tiếng hò reo vang trời của người châu Âu. Thể thao không có chỗ cho sự nương tay. Thể thao là sự cộng hưởng ma lực!   

Chiến thắng kỳ diệu của tuyển châu Âu

Tuyển Mỹ thất bại do đâu?

Đội tuyển Mỹ đã thua. Nhưng điều đáng nói là sự thất bại của các tuyển thủ Mỹ với tỷ số quá lớn. Ngoài Jordan Spieth thì Bubba Watson cũng đại bại dưới tay của Henrik Stenson với tỷ số khủng 5&4. Còn chiến thắng 3&2 của Reed trước Hatton chỉ mang được niềm an ủi. Hầu như toàn thể các tuyển thủ Mỹ đã chơi dưới sức. Cả Dustin Johnson lẫn Jordan Spieth và Tiger Woods đều nhạt nhòa. Không một tuyển thủ Mỹ nào thực sự xuất sắc để nhắc đến.

Có thể đội trưởng Jim Furyk sẽ hối hận về sự bố trí cặp đấu và sự chậm thay đổi chiến thuật. Có thể ông sẽ ân hận về sự lựa chọn 4 golf thủ mà Mickelson là đối tượng bị chỉ trích nhiều nhất. Nhưng lỗi không chỉ do một mình ông. Phong độ bạc nhược của phần lớn các tuyển thủ Mỹ trong ngày đấu cuối cùng đã nói lên rất nhiều.

Ngược lại thì các golf thủ tuyển châu Âu đã rất tỏa sáng. Trong đó có Francesco Molinari với 5 trận bất bại. Còn Sergio Garcia thì lập kỷ lục mới 25,5 điểm. Henrik Stenson vẫn ở phong độ cao mặc cho tuổi tác. Tuyển châu Âu tưởng là dưới cơ mà giành chiến thắng áp đảo 17,5 – 10,5.

Để nói về chiến thẳng của tuyển châu Âu, xin nhắc lại lời của Fleetwood vào sáng ngày thi đấu đầu tiên: “Sáng tỉnh dậy, khoác bộ đồng phục này, tôi cảm giác được đây là thời điểm kiêu hãnh nhất của cuộc đời”.

Niềm kiêu hãnh màu cờ sắc áo đã làm nên điều kỳ diệu.

Tác giả Nguyễn Ngọc Chu

0 lượt thích

Tin bài khác