Chuyển tới nội dung

Cần bao nhiêu cho đủ?

Theo bạn, Việt Nam cần có bao nhiêu sân golf? Chuyên gia Robert Bicknell chia sẻ những quan điểm của mình về vấn đề quy hoạch golf trên đất nước hình chữ S.

Cần bao nhiêu cho đủ?

Khi nào “đủ” sẽ trở thành “quá nhiều”?

Nếu tin vào những thông tin bạn đang đọc thì golf đang thoái trào ở nhiều khu vực trên thế giới. Theo các chuyên gia, lỗi này do thế hệ thiên niên kỷ (những người sinh từ năm 1980 đến 2000), đã khiến thế giới bán lẻ đảo lộn bằng cách không tự đi đến các cửa hàng mà lựa chọn mua hàng qua chiếc điện thoại thông minh và khoác lác về đủ thứ.

Do đó, hết sức tự nhiên, họ không quan tâm tới những hoạt động như golf, vốn thường lấy mất của họ 4 tiếng đồng hồ trong quỹ thời gian hạn hẹp (ở Việt Nam là 5 tiếng).

Nhưng sự thật của vấn đề là chúng ta có thể đổ lỗi cho Tiger Woods.

Tất nhiên, tôi biết Tiger là mục tiêu lý tưởng để đổ lỗi bởi anh ấy dường như đã phá sản kể từ sau vụ scandal và chỉ thu hút được tin tức mới mỗi khi anh có hành vi sai. Vậy thì tại sao chúng ta không đổ lỗi Tiger vì bão Harvey, vì tàu Titanic hay vì vụ tấn công thành phố Charlottesville?

Tôi nói vui vậy thôi bởi thực chất vấn đề lớn nhất mà ngành công nghiệp golf Mỹ đang phải đối mặt đó là sự bùng nổ những sân golf golf mới đang mọc lên như “nấm sau mưa” nhờ Tiger Woods.

Quả thực, Tiger đã trở thành hiện tượng, là nguồn cảm hứng cho mọi người đến với môn thể thao golf và điều này đã kích thích “gen tham lam” của những nhà hoạch định muốn xây sân golf ở mọi nơi mà chưa nghĩ tới việc kinh doanh sẽ đến từ đâu.

Vì suy nghĩ đơn giản Tiger đã khiến golf trở lên hấp dẫn, tại sao lại không theo anh ấy và hưởng lợi cơ chứ?

Thế nhưng, không giống như các mốt nhất thời, nơi nhà sản xuất có thể trang bị lại và thay đổi từ con quay yo-yo thành đồ chơi xoay tay fidget spinners trong vòng chưa đến một tuần, một khi bạn xây dựng sân golf, bạn sẽ bị mắc kẹt khá lâu trong đó.

Vậy với các sân golf mọc lên như nấm, chủ đầu tư khao khát sẽ giàu lên nhanh chóng nhờ số lượng người chơi mới đến từ các thị trường chưa từng nghĩ đến trước đây và họ không lường tới hai từ quan trọng nhất trong kinh doanh...

Đó là rà soát đặc biệt (Due diligence).

Nếu không có nghiên cứu kỹ lưỡng về vị trí tốt nhất và xây dựng một kế hoạch kinh doanh thành công dựa trên những phác thảo marketing cũng như xác định doanh thu sẽ đến từ đâu, bạn sẽ có rất ít cơ hội thành công với dự án. Điều này không chỉ áp dụng đối với sân golf, mà còn đúng với 99% các ngành nghề khác.

Tất nhiên, đây không giống với việc bán kem. Bạn có thể thiết kế một cửa hàng kem ngon ở mọi địa điểm và thành công, ngay cả đó là ở Alaska, bởi ai mà chẳng thích kem cơ chứ?

Nhưng golf lại không như vậy.

Ngay từ khi bắt đầu đến khi hoàn thiện golf đã rất đắt đỏ và giai đoạn trung gian cũng vậy. Với những CLB đẳng cấp, bạn có thể tìm kiếm nguồn tài trợ trong khoảng 50 – 150 triệu đô la và với các đối thủ cạnh tranh ở khắp mọi nơi, việc bán 50 triệu đô la phí green trong vòng 25 năm sẽ không dành cho những người yếu tim. Và bạn biết điều gì đang chờ đợi mình rồi đó.

Bây giờ hãy nhìn vào Việt Nam khi mọi người khẳng định rằng golf đang “bùng nổ”.

Việc ngày càng có nhiều sân golf mọc lên ở khắp nơi không phải là nguyên nhân cho hiện tượng “bùng nổ”, trừ khi số lượng người mới chơi tăng lên gấp 5 lần số lượng sân golf mới mở cửa, và nó cũng không phải là sự “bùng nổ” mà chỉ là sự khởi đầu của chuỗi bi kịch dài.

Rất nhiều trong số những sân golf “mới” không phát triển được các thị trường mới cũng như thu hút thêm những người chơi mới, mà chỉ dừng lại ở việc “chăm sóc” số lượng người chơi nghèo nàn hiện có và để lôi kéo họ, các sân này chỉ dựa vào công cụ duy nhất họ biết… là “giảm giá”.

Như vậy, nếu như trước đây 10 sân golf sẽ kiếm được 100 đô la/golfer, thì với 20 CLB golf, người chơi sẽ mất khoảng 75 đô, nếu 30 CLB golf thì khoản tiền còn 50 đô/ người và cuối cùng, sẽ đến lúc chúng ta chỉ cần trả 10 đô phí green fee.

Đây là một một tin tốt cho những người chơi không muốn mất nhiều tiền, hay nói thẳng ra là không muốn gắn bó với một CLB golf đặc biệt nào đó, nhưng đây cũng sé là án tử cho các CLB đang cần kiếm được một khoản doanh thu tối thiểu chỉ để không phải đóng cửa.

Người chơi cần biết rằng để bảo dưỡng cỏ trên sân golf mỗi năm cần tốn khoảng 300 nghìn đến 1 triệu đô la. Do đó, nếu chỉ lướt qua các sân tập, có thể dễ dàng đưa đến quyết định là golf cần phải “bùng nổ”, tuy nhiên nếu bạn quan sát kỹ hơn, bạn sẽ nhận ra đó chỉ là những gương mặt cũ lên sân mỗi ngày và thậm chí ở nhiều sân tập, số lượng giáo viên còn nhiều hơn cả người chơi.

Nếu golf muốn tiếp tục phát triển ở Việt Nam, các CLB cần “phát triển kinh doanh” bằng cách mang người chơi mới đến với môn thể thao golf và tạo ra thị trường riêng cho họ. Nếu chỉ dựa vào những vòng golf “đánh cắp” từ những CLB khác, thì đây không phải là sự “bùng nổ”. Nó chỉ là ăn thịt đồng loại mà thôi!

0 lượt thích591 lượt xem

Tin bài khác